Thứ 6, 22/11/2024, 04:50[GMT+7]

Số doanh nghiệp lập mới cao kỷ lục

Thứ 5, 29/04/2021 | 14:30:38
4,178 lượt xem
4 tháng đầu năm có 44.166 doanh nghiệp lập mới, tăng hơn 17% so với cùng kỳ và cao nhất tính theo giai đoạn này từ trước đến nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo nhân dân

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định "đây là tín hiệu hết sức tích cực", bởi cùng kỳ năm ngoái, dịch bệnh bùng phát khiến số lượng doanh nghiệp mới tham gia thị trường giảm trên 13%.

Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô và xe máy là ngành có lượng doanh nghiệp mới thành lập lớn nhất với gần 14.700 doanh nghiệp. Tiếp đến là xây dựng gần 5.740 đơn vị, công nghệ chế biến và chế tạo xấp xỉ 5.640 doanh nghiệp. Tuy nhiên, tăng trưởng mạnh nhất so với cùng kỳ lại đến từ các ngành bất động sản, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, hoạt động dịch vụ, giáo dục, vận tải kho bãi.

Tổng vốn bổ sung vào nền kinh tế giai đoạn này đạt 1,42 triệu tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới chiếm gần 628.000 tỷ đồng, cũng là mức cao nhất trong giai đoạn 4 tháng đầu năm. Bình quân mỗi doanh nghiệp mới tham gia thị trường có quy mô vốn 14,2 tỷ đồng.

"Sự gia tăng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thể hiện xu hướng phục hồi của nền kinh tế và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với triển vọng phát triển kinh tế thời gian tới", báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh viết.

Ở chiều ngược lại, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng, đặc biệt là nhóm quy mô nhỏ, cho thấy tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế vẫn dai dẳng. Tổng cộng 4 tháng có khoảng 51.500 doanh nghiệp rút lui, trong đó 28.350 tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và 16.400 chờ làm thủ tục giải thể.

Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tập trung nhiều nhất ở ngành phân phối, y tế, giáo dục, khai khoáng, kinh doanh bất động sản, nông nghiệp. Hơn 91% doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và 89% doanh nghiệp đã giải thể có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, hoạt động dưới 5 năm.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, đây là những đối tượng chịu tổn thương nhiều nhất vì dịch bệnh. Hầu hết doanh nghiệp đang chọn giải pháp tiếp tục chờ đợi, tạm ngừng hoạt động để nghe ngóng và xem xét diễn biến thị trường, tìm kiếm hướng đi mới hoặc chờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước trước khi quyết định tiếp tục kinh doanh hoặc chấm dứt sự tồn tại. Bên cạnh đó, tháng 4 là thời điểm các doanh nghiệp hoàn thành việc quyết toán và nộp báo cáo tài chính nên nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trước đó đã chuyển sang tình trạng chờ giải thể.

Theo vnexpress.net