Thứ 7, 30/11/2024, 10:36[GMT+7]

Nhớ mùa xuân đại thắng

Thứ 6, 30/04/2021 | 11:16:06
3,189 lượt xem
Mùa xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mang một ý nghĩa lịch sử và thời đại, chấm dứt cuộc trường chinh cứu nước, đưa dân tộc Việt Nam tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự chủ, thống nhất và phát triển. Mỗi lần kỷ niệm ngày đại thắng 30/4, những người lính Cụ Hồ năm xưa lại quây quần bên nhau để ôn lại những ký ức hào hùng của quân và dân ta.

Cựu chiến binh Bùi Trung Thủy, xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ (người ngồi giữa) kể về kỷ vật ông lưu giữ từ thời chiến đấu.

Cầm trên tay chiếc bi đông và thắt lưng được đơn vị cấp, cựu chiến binh (CCB) Lại Văn Nghĩa, thôn Ô Mễ 3, xã Tân Phong (Vũ Thư) say sưa kể cho chúng tôi nghe về những ngày tháng ông cùng đồng đội chiến đấu trong chiến dịch Hồ Chí Minh. CCB Lại Văn Nghĩa cho biết: Ngày 26/4/1975, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị nhận lệnh đóng quân tại rừng cao su Long Khánh (Vũng Tàu). Đến chiều ngày 29/4/1975, đơn vị của tôi nhận lệnh tiến quân; từng chiếc xe tăng đi trước và các chiến sĩ nối đuôi theo sau, đến trận địa thì chúng tôi ổn định vị trí. Tôi nhớ mãi khi ấy thiếu thốn đủ thứ, mỗi chiến sĩ chỉ có cốc sữa và chiếc bánh lương khô 72 để ăn và chiến đấu, thế nhưng anh em ai cũng vui vẻ, quyết tâm hy sinh thân mình vì sự nghiệp giải phóng đất nước.

Mùa xuân năm 1975 là mùa xuân đại thắng khi hầu hết các vị trí phòng thủ từ xa, then chốt của địch để tiến vào Sài Gòn đều bị quân đội ta tiêu diệt. CCB Bùi Trung Thủy, thôn Bến Hiệp, xã Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ) chia sẻ: Năm 1970, tôi nhập ngũ và được biên chế vào Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 60, Sư đoàn 305, Bộ Tư lệnh Đặc công. Đơn vị tôi khi ấy có 37 chiến sĩ nhận lệnh từ Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tiến đánh sở chỉ huy Lữ đoàn dù 3 của quân lực Việt Nam cộng hòa đóng tại xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Đà (tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng ngày nay). Để bảo đảm bí mật, chúng tôi dùng những lá cây rừng màu xanh, nhiều nhựa rồi trộn với pin để bôi lên người. Trong quá trình đột nhập doanh trại địch, có 1 chiến sĩ trong lúc trườn qua hàng rào thì bị dây thép gai vướng vào quả đạn B40 đeo trên lưng khiến quả đạn bật chốt, một tiếng động nhỏ khiến quân địch nghi ngờ và chiếu đèn kiểm tra, rất may khi đó chúng tôi đã hóa trang rất tốt, lợi dụng địa hình nhiều cây cối và tiếng động, quân địch không phát hiện ra nên chúng tôi tiếp tục tiến đánh. Đến 11 giờ đêm, sau khi phá được hàng rào bảo vệ cuối cùng, mỗi người chúng tôi mang theo bên mình 10 quả pháo C4 cứ liên tục ném khiến doanh trại địch như bị một trận pháo kích của hàng chục khẩu pháo tấn công, quân địch không hề có phản ứng nào. 20 phút sau khi phá hủy được nhiều vũ khí, đạn dược, quân nhu của địch, chúng tôi rút dần ra và lúc bấy giờ quân địch mới phát hiện là bị đặc công của Việt Nam tấn công. Sau trận đánh đó, chúng tôi được đơn vị thông tin là có 3 chiến sĩ hy sinh, nhưng phía quân địch thì chúng tôi loại khỏi vòng chiến đấu 430 tên, phá hủy nhiều vũ khí, đạn dược của chúng.  

Cựu chiến binh Lại Văn Nghĩa, thôn Ô Mễ 3, xã Tân Phong, huyện Vũ Thư (người ngồi giữa) hồi ức về những ngày tháng ông cùng đồng đội chiến đấu.

CCB Nguyễn Tiến Chiến, thôn Bến Hiệp, xã Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ) kể lại: Tôi nhập ngũ năm 1965 thuộc Binh trạm 14, Đoàn 559, nhiệm vụ chủ yếu là tham gia làm tuyến đường 20 quyết thắng để mở đường tiến quân cho quân đội ta từ Việt Nam sang Lào rồi tiến vào giải phóng Sài Gòn. Tháng 5/1966, sau khi làm đường xong thì máy bay Mỹ phát hiện và đánh phá, chúng tôi phải ngụy trang cho những tuyến đường bằng những chiếc lán dài, phủ bên trên bằng cành cây, hoa lan nên địch khó phát hiện. Địch liền rải chất độc hóa học khiến cây chết nhưng anh em chiến sĩ quyết tâm bảo vệ đường hành quân đến cùng, dùng những cành cây khô, cây chết để ngụy trang nhằm tránh sự phát hiện của địch. Sau này, các chiến sĩ trong đơn vị tôi nhiều người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/Điôxin.

17 giờ ngày 26/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu với cuộc pháo kích cấp tập từ hơn 20 tiểu đoàn pháo binh thuộc các Quân đoàn 2, 3 và 4 của ta bắn vào các căn cứ của quân đội Việt Nam cộng hòa tại Nhơn Trạch, Hố Nai, Biên Hòa, Nước Trong, Đồng Dù... Trận pháo kích kéo dài gần 1 giờ đã làm rung chuyển nội đô Sài Gòn, pháo binh của địch phản ứng yếu ớt và nhanh chóng bị hỏa lực của ta dập tắt. Góp phần vào đại thắng mùa xuân năm 1975, CCB Đồng Xuân Mạn, thôn Ô Mễ 2, xã Tân Phong (Vũ Thư) nhớ lại: Khi ấy tôi mới tham gia chiến đấu, trên đường hành quân tiến vào giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu thì không khí lúc ấy vui tươi lắm, anh em chiến sĩ đi đánh trận mà cứ như đi hội, các chiến sĩ của ta thì hừng hực khí thế, quân ngụy tại những vùng giải phóng giơ tay xin hàng. Nhân dân những vùng được giải phóng quý mến bộ đội vô cùng, có gia đình còn thết đãi chúng tôi con lợn hơn 100kg để khao anh em trong đơn vị, quân với dân khi đó thương nhau lắm. Ðơn vị của CCB Ðồng Xuân Mạn khi ấy là Sư đoàn 3 Sao Vàng, là sư đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của Quân khu 5, ra đời ngày 2/9/1965 trên mảnh đất Tây Sơn (Bình Ðịnh). Nhiệm vụ của Sư đoàn 3 Sao Vàng lúc đó là hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị bạn tiêu diệt địch và giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Tuy (Bà Rịa), Vũng Tàu, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, hình ảnh lá cờ chiến thắng của ta tung bay trên nóc dinh Độc Lập là hình ảnh lịch sử, thời khắc thiêng liêng của Tổ quốc. CCB Lại Văn Nghĩa chia sẻ thêm: Khi nhận được tin miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh em chiến sĩ hò reo vui mừng. Thời khắc lịch sử đó còn in đậm trong tâm trí tôi tới tận sau này. Khi đơn vị tôi vào Sài Gòn, đi đến đâu nhân dân cũng vui mừng chào đón, cờ hoa phấp phới mừng ngày đại thắng.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những người lính Cụ Hồ trở về địa phương, tích cực lao động sản xuất, tham gia các hoạt động, phong trào của địa phương, chung sức cùng nhân dân xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp, văn minh.

 Tiến Đạt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày