Thứ 6, 22/11/2024, 21:52[GMT+7]

Hà Nam: Xây dựng nông thôn mới để nông thôn xanh - sạch và giàu đẹp hơn

Thứ 4, 05/05/2021 | 15:34:13
812 lượt xem
Trong thời gian qua, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã trở thành phong trào sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, thu được những kết quả đáng phấn khởi. Nhờ đó, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hà Nam được đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao rõ rệt.

Nông thôn mới, diện mạo mới ở Hà Nam.

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, đến nay, tỉnh Hà Nam đã công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới cho 100% xã, trong đó có một xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu và tất cả 6 huyện, thị xã, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới. Hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được cải tạo, xây mới khang trang, hiện đại và đặc biệt Tiêu chí môi trường các xã đều đạt chuẩn.

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, với sự nỗ lực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng đóng góp sức người, sức của toàn dân, Hà Nam đã đạt được những kết quả đáng được khích lệ, tự hào.

Những cánh đồng bội thu ở Hà Nam. 

Trong đó, triển khai hiệu quả việc quy hoạch, đề án xây dựng Nông thôn mới gắn với quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường, quy hoạch sử dụng đất, phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng hiện đại, làm cơ sở để quản lý và định hướng cho nông nghiệp, nông thôn phát triển theo quy hoạch.

Khi bắt tay xây dựng Nông thôn mới khi tiêu chí môi trường không có xã nào đạt chuẩn. Từ đó, Hà Nam xác định môi trường là một tiêu chí khó trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, cần nhiều nguồn lực và phải có sự chỉ đạo sát sao để tổ chức thực hiện.

Chính vì vậy, ngay sau khi bắt đầu triển khai xây dựng Nông thôn mới, UBND tỉnh đã chỉ đạo, ban hành nhiều chính sách, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ huy động sự vào cuộc của các Sở ngành, địa phương và sự hưởng ứng của nhân dân.

Có thể nói, một trong những việc làm đáng ghi nhận hiện nay trong công tác bảo vệ môi trường chính là các địa phương trong tỉnh xây dựng Nông thôn mới không chỉ thực hiện tốt các tiêu chí về môi trường, mà còn xây dựng Nông thôn xanh – sạch – đẹp gắn với những con đường tràn ngập sắc hoa.

Xác định rõ tầm quan trọng của tiêu chí môi trường trong xây dựng Nông thôn mới, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các Sở ngành, đoàn thể, các địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, đồng thời đổi mới nội dung, hình thức trong công tác tuyên truyền nhằm tạo sức lan tỏa sâu rộng và làm chuyển biến nhận thức trong quần chúng nhân dân về công tác bảo vệ và tạo cảnh quan môi trường nông thôn sáng – xanh – sạch – đẹp.

Thông qua các phương tiện truyền thông như: Tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường trên các trục đường chính, nơi tập trung đông dân cư để người dân thấy rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường nông thôn.

Theo đó, UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ để triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường nông thôn với mức hỗ trợ cụ thể. Công trình cung cấp nước sạch hỗ trợ 60% chi phí xây lắp thiết bị, xe vận chuyển thu gom rác hỗ trợ 3 triệu đồng/xe/1 thôn, hố chôn rác thải hoặc khu tập trung rác ở thôn hỗ trợ 30 triệu đồng/1công trình. Hỗ trợ vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt tập trung và trồng hoa ven đường, đệm lót sinh học, xây hầm bioga trong chăn nuôi.

Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị xã hội đã và đang vào cuộc tích cực trong việc phát động, triển khai nhiều phong trào, mô hình về bảo vệ môi trường như: “Vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm”, “ 5 không, 3 sạch” do Hội LHPN làm nòng cốt; “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh” của Đoàn thanh niên.

Thông qua các phong trào, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, huy động được nguồn lực lớn từ cộng đồng dân cư để thực hiện công tác vệ sinh môi trường nông thôn và tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh – sạch – đẹp. Từ đó đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo nên sự thay đổi về nhận thức và việc làm của người dân trong công tác bảo vệ môi trường.

Việc thực hiện tiêu chí môi trường trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả thiết thực. Tỷ lệ hộ dân được dùng nước hợp vệ sinh trên địa bàn nông thôn đạt trên 98%, tỷ lệ hộ dùng nước sạch đạt trên 80% (nước sạch từ nhà máy tập trung đạt tỷ lệ 61%); tỷ lệ hộ gia đình có đủ 3 công trình vệ sinh đạt chu n trên 90%, các cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ chăn nuôi có cam kết đạt chuẩn về môi trường.

Không có các hoạt động gây suy giảm môi trường nghiêm trọng; đường làng, ngõ xóm đạt tiêu chuẩn sáng – xanh - sạch - đẹp; nghĩa trang nhân dân đã được xây dựng theo đúng quy hoạch được duyệt, đồng thời hoàn thành xây dựng quy chế quản lý nghĩa trang.

Đặc biệt, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đã đi vào nề nếp, ý thức của người dân về công tác thu gom rác đã chuyển biến tích cực. Tỷ lệ rác thải đô thị được thu gom đạt 100%, trong đó xử lý đạt 100%. Tỷ lệ rác thải nông thôn được thu gom, xử lý đạt 98%, trong đó xử lý tập trung tại nhà máy 85%, xử lý tại hộ đạt 13%.

Tất cả các xã, phường thị trấn đều thành lập các tổ thu gom rác thải; các đơn vị chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển, xử lý đã hoạt động tương đối hiệu quả, các Công ty môi trường đã thực hiện tốt trách nhiệm của đơn vị mình, tiến hành đầu tư xây dựng các bể trung chuyển rác thải trên địa bàn các xã.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 168 bể trung chuyển rác thải tập trung; 1.083 tổ thu gom rác đang hoạt động ở 1.320 thôn xóm với 3.151 người và 1.753 xe vận chuyển rác; khoảng 98% tổng lượng rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn được thu gom.

Trong đó khoảng 85% được bốc xúc, vận chuyển về nơi xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường, còn 13% lượng rác thải sinh hoạt được xử lý tại hộ, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 03 nhà máy xử lý rác tổng công suất xử lý đạt khoảng 345-365 tấn/ngày đảm bảo xử lý toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh.

Cùng với thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt, tỉnh đã xây dựng và triển khai mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, từ năm 2011-2015 đã triển khai xây dựng được 5.353 mô hình (hộ) chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học.

Bên cạnh mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học từ năm 2006-2015 toàn tỉnh đã có 4.680 công trình khí sinh học tập trung tại các huyện Bình Lục, Lý Nhân, Kim Bảng, Duy Tiên với thể tích trung bình khoảng 16m3/công trình được hoàn thành đưa vào sử dụng.

Ngoài ra, các hộ chăn nuôi của tỉnh cũng đã tự đầu tư kinh phí xây dựng công trình khí sinh học với tổng số khoảng trên 10.000 công trình qua các năm.

Có thể nói, thông qua Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới đời sống của người dân nông thôn đã được từng bước cải thiện, diện mạo nông thôn đổi mới rõ rệt.

Để có được những kết quả đáng khích lệ trên, đó là từ chính bàn tay, khối óc và tinh thần đoàn kết, sáng tạo của những người dân Hà Nam trong không khí chuẩn bị bầu cử, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương trong tỉnh lại càng thêm vui mừng, phấn khởi khi công cuộc xây dựng Nông thôn mới đã làm thay đổi toàn bộ diện mạo, đời sống nông thôn.

Nông thôn mới đã thực sự tạo ra động lực, phát huy được sức mạnh của toàn hệ thống chính trị trong việc xây dựng và đưa những vùng nông thôn của Hà Nam thực sự trở thành “những miền quê đáng sống”.

Theo baoxaydung.com.vn