Chủ nhật, 24/11/2024, 18:01[GMT+7]

Nhân lên tình yêu với văn hóa đọc

Thứ 5, 13/05/2021 | 08:31:13
8,290 lượt xem
Hiện nay, cùng với Thư viện tỉnh, nhiều không gian đọc tại cộng đồng đang trở thành điểm đến hấp dẫn của độc giả, đặc biệt là các em nhỏ. Xác định tầm quan trọng của việc đọc sách, không chỉ ở thành thị mà cả những vùng nông thôn, có những tổ chức, cá nhân đã tích cực phát triển văn hóa đọc, khuyến khích trẻ em rèn luyện thói quen đọc sách để từ đó góp phần trau dồi tri thức, phát triển kỹ năng ngôn ngữ và tư duy sáng tạo.

Thư viện tỉnh là điểm đến thân thuộc của nhiều học sinh. Ảnh chụp trước ngày 28/4/2021

Trên địa bàn tỉnh có nhiều không gian đọc tại cộng đồng được gây dựng bởi những người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn. Với những cái tên như Hy vọng, An lạc, Niềm tin..., những không gian đọc ấy không chỉ giúp chủ nhân của chúng - những người khuyết tật vượt qua mặc cảm và hòa nhập cộng đồng mà còn truyền cảm hứng cho tất cả mọi người cùng lan tỏa tình yêu đối với những cuốn sách, với văn hóa đọc.

Trong những năm qua, không gian đọc Niềm tin của chị Nguyễn Thị Lan Hương, thôn Phong Lôi Tây, xã Đông Hợp (Đông Hưng) là một điểm đến như vậy. Không may bị bại não bẩm sinh, Lan Hương bị liệt cả tay, chân, không thể đi lại, việc nói cũng gặp nhiều khó khăn. Trước đây, luôn mặc cảm về khiếm khuyết của bản thân nên Lan Hương sống khép mình, không muốn hòa nhập với những người xung quanh. Vậy nhưng, chính tình yêu với những cuốn sách đã giúp cô gái nhỏ bé quyết định thay đổi chính mình, sống tích cực và có ý nghĩa hơn. Năm 2015, với sự giúp đỡ của gia đình và những người thân quen, không gian đọc Niềm tin của Lan Hương chính thức khai trương. Mới đầu chỉ có khoảng 500 đầu sách nhưng tới nay số lượng sách đã được nhân lên gấp nhiều lần với đa dạng các thể loại từ truyện, tiểu thuyết đến sách tham khảo, sách ngoại ngữ phục vụ độc giả tại địa phương ngày càng tốt hơn. 

Lan Hương cho biết: Từ khi có thư viện nhỏ này, cuộc sống của em có nhiều điều thú vị vì được gặp gỡ, giao lưu với nhiều bạn bè, cùng nói về những cuốn sách hay, những điều bổ ích từ sách. Tại lễ khai mạc ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Thái Bình năm 2021, niềm vui đối với Lan Hương là đã được chia sẻ tình yêu với những cuốn sách cùng tất cả mọi người; đồng thời, cũng chính tại đây, nhiều tổ chức, cá nhân đã dành tặng hàng trăm cuốn sách cho không gian đọc Niềm tin với mong muốn cùng Lan Hương nhân lên niềm đam mê đọc sách.

Từ ngày có không gian đọc Niềm tin, căn nhà đơn sơ của Lan Hương không thiếu niềm vui, tiếng cười.

Được thành lập tháng 5/2019 từ tâm huyết của cô giáo Nguyễn Thị Bích Thúy, Trường Tiểu học và THCS Vũ Vinh (Vũ Thư), thư viện Thảo Hưng (xã Vũ Hội) giúp trẻ em nông thôn được tiếp cận nhiều hơn với những cuốn sách hay, bổ ích. Bản thân là giáo viên ngữ văn nên cô giáo Thúy thấu hiểu sách, truyện có ý nghĩa như thế nào đối với việc phát triển tư duy ngôn ngữ của trẻ. Vậy nhưng hiện nay trẻ lại thường hào hứng với các kênh hình hơn mà ít quan tâm đến việc đọc sách, trong khi đó phụ huynh vì bận rộn công việc nên thường chiều theo ý thích của con mình. Vì vậy, cô giáo Thúy đã quyết định thành lập thư viện Thảo Hưng ngay chính tại gia đình mình. Tới nay, thư viện của cô đã có hơn 5.000 cuốn sách với 400 độc giả thường xuyên. Thu hút, lôi cuốn độc giả đến với sách, cô giáo Thúy tổ chức nhiều hoạt động như trao tặng sách cho bạn đọc, chia sẻ những cuốn sách hay trên facebook... Ngoài ra, cô tận dụng diện tích ngôi nhà của mình để bài trí không gian đọc thân thiện, sắp xếp các cuốn sách khoa học, phù hợp với từng lứa tuổi. Cô giáo Thúy mong muốn không chỉ 1 ngày, 1 tuần sôi nổi các hoạt động của ngày sách và văn hóa đọc mà cả 365 ngày trong năm ngày nào cũng là ngày đọc sách và văn hóa đọc sẽ được lan tỏa. Cô cũng mong thư viện của mình sẽ ngày càng có lượng sách phong phú hơn và không chỉ các em nhỏ mà cả các bậc phụ huynh, những người lớn tuổi cũng sẽ tìm được những cuốn sách thú vị tại nơi này.

Riêng trong tháng 4/2021, Thư viện tỉnh đã thực hiện trên 20 chuyến xe ô tô thư viện lưu động về các điểm trường trên địa bàn tỉnh với mong muốn trẻ em ở những vùng nông thôn, ít có điều kiện khám phá kho tàng tri thức sẽ được tiếp thêm tình yêu với văn hóa đọc. Tại những chuyến xe ô tô thư viện lưu động, cùng với việc được đọc hàng nghìn cuốn sách bổ ích, hấp dẫn, các em học sinh còn được cán bộ thư viện hướng dẫn cách đọc sách hiệu quả và chính các em sẽ tự kể về những cuốn sách mà mình yêu thích, trả lời những câu hỏi thú vị về các nhân vật trong sách, vẽ tranh theo sách... Những giờ đọc sách như vậy đã tạo nên không khí sôi nổi, say mê trong các em.

Phát triển văn hóa đọc là một bộ phận của phát triển văn hóa, là một giải pháp quan trọng không thể thiếu để xây dựng thành công một xã hội học tập, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững nguồn nhân lực của đất nước. Bằng những việc làm thiết thực, văn hóa đọc đang ngày càng nhận được sự quan tâm đúng mức. Mong rằng, cùng với việc phát triển văn hóa đọc, việc xây dựng văn hóa đọc sách lành mạnh, hiệu quả và tiến bộ cũng sẽ trở thành nhu cầu thiết yếu trong xã hội ngày nay để từ đó việc đọc sẽ thiết thực làm giàu thêm vốn tri thức và đánh thức niềm tin chân - thiện - mỹ ở mỗi con người.

(Tác phẩm tham dự cuộc thi “Báo chí viết về khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập” năm 2021)

Tú Anh