Thứ 6, 22/11/2024, 05:47[GMT+7]

Công nghệ giúp biến 'nguy' thành 'cơ'

Thứ 7, 15/05/2021 | 13:57:49
3,009 lượt xem
Từ startup đến tập đoàn lớn đều ghi nhận doanh số tăng trưởng mạnh trong đại dịch khi kịp thời chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong vận hành.

Bốn diễn giả trong phiên đầu tiên của CTO Talks nói về áp lực của lãnh đạo công nghệ trong đại dịch Covid-19.

Chia sẻ trong phiên đầu tiên của CTO Talks diễn ra vào ngày 14/5, các lãnh đạo công nghệ đều chung nhận định Covid-19 là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp bứt phá.

Thế khó của doanh nghiệp trong đại dịch

"Ngay từ những ngày đầu tiên của dịch Covid-19, FPT đã quyết tâm không thay đổi kế hoạch kinh doanh, bằng mọi cách đạt tăng trưởng. Dù đại dịch có diễn biến phức tạp thế nào, bằng sức mạnh của công nghệ, con người, tập đoàn vẫn quyết tâm phải làm được", ông Vũ Anh Tú CTO tập đoàn FPT chia sẻ.

Ở những tập đoàn lớn như FPT việc ứng dụng chuyển đổi số đã bắt đầu từ nhiều năm trước nên đại dịch ít ảnh hưởng đến hoạt động của công ty. Nhưng với những startup hoặc doanh nghiệp vừa và nhỏ, tồn tại được trong Covid-19 là điều không hề dễ dàng.

"Dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn tác động trực tiếp đến bài toán kinh tế. Người dùng cẩn trọng hơn trong chi tiêu, doanh thu của các nền tảng mới bị giảm sút không ít", Nguyễn Anh Tài - đồng sáng lập kiêm CTO eDoctor chia sẻ. Chung nhận định trên, đại diện của các doanh nghiệp trẻ như Fabbi, Appota cho biết doanh nghiệp của họ đã phải đứng trước lựa chọn khó khăn là doanh thu, tốc độ tăng trưởng hay sức khoẻ của nhân viên.

"Đó là quyết định khó khăn của công ty khởi nghiệp trong thời kỳ đại dịch. Hầu hết mọi người đều chọn ưu tiên sức khoẻ của nhân viên. Bài toán đặt ra lúc này với lãnh đạo công nghệ là làm sao duy trì hoạt động của công ty trong trạng thái mới, đảm bảo chống dịch nhưng vẫn phải làm việc hiệu quả. Cách duy nhất lúc này là dựa vào sức mạnh của số hóa, công nghệ", Nguyễn Trí Dũng - đồng sáng lập kiêm CTO Fabbi nói.

Thách thức tiếp theo với đội ngũ kỹ thuật khi công ty làm việc từ xa là đảm bảo mọi thành viên trong công ty có thể giữ được liên lạc thông suốt, không bị gián đoạn. Ngoài việc chuẩn bị các ứng dụng, phần mềm, hướng dẫn cách liên lạc cho nhân viên, khách hàng, đội ngũ kỹ thuật còn phải đối mặt với một thách thức lớn - đảm bảo an toàn, an ninh trên môi trường Internet.

Công nghệ giúp biến nguy thành cơ

Theo người đứng đầu giải pháp công nghệ của Fabbi, xuất phát từ nhu cầu bảo mật của chính công ty, đội ngũ kỹ thuật đã xây dựng ứng dụng Magic Connect, giúp nhân viên làm việc an toàn từ xa với hệ thống tường lửa và tính năng bảo vệ các gói tin.

"Trong đại dịch, nhu cầu sử dụng Magic Connect tăng mạnh. Thậm chí 30 đến 40% khách hàng đến Nhật Bản cũng tin dùng công cụ này. Doanh số bán hàng của công ty phát triển tốt khi Covid-19 hoành hành", đồng sáng lập kiêm CTO Fabbi nói.

Với những startup về y tế, chăm sóc sức khoẻ như eDoctor, ban đầu dịch bệnh khiến doanh nghiệp gặp khó trong kinh doanh, nhưng đổi lại, ý thức chăm sóc sức khoẻ của người dân tăng lên. CTO Nguyễn Anh Tài nhận định: "Đây là cơ hội để áp dụng công nghệ vào việc thăm khám sức khoẻ từ xa, thăm khám trực tuyến. Việc này không chỉ hạn chế lây nhiễm chéo mà còn giảm tải cho phòng khám. Trong đợt dịch tháng 4/2020, số người cài đặt eDoctor lên đến 15 nghìn lượt một ngày, số lượng tư vấn trực tuyến với y bác sĩ đã tăng gấp 30 lần so với những tháng trước dịch".

Với những tập đoàn lớn như FPT, Covid-19 còn giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Ông Vũ Anh Tú ước tính, mỗi năm FPT có khoảng 1,2 triệu yêu cầu nội bộ về những yêu cầu hành chính như cấp phát máy hay ký hợp đồng... tương đương 6,5 triệu tác vụ cần làm mỗi năm. Tuy nhiên, nhờ chuyển đổi số nhanh, tập đoàn đã có thể giảm 65% thời gian trung bình trong quy trình xử lý các yêu cầu nội bộ, tăng 150% năng suất cho khối hỗ trợ quản lý.

Bộ chuyển đổi số của FPT không chỉ nâng cao năng lực quản trị của tập đoàn mà còn được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước sử dụng. Ông Tú lấy ví dụ về việc triển khai OCR API cho một ngân hàng lớn ở Việt Nam trong việc nhận dạng chữ viết, tự động hóa quy trình giúp giảm 80% thời gian chờ của khách hàng khi thực hiện một khoản vay. Tự động hóa cũng giúp giảm 60% nhân lực phải đi xử lý các khoản vay.

"Trước đây người dùng phải chờ 30 phút, với sự hỗ trợ của công nghệ, thời gian chờ chỉ còn 5 phút là có thể thực hiện một khoản vay. Chuyển đổi số vừa tiết kiệm thời gian, nhân lực của ngân hàng mà còn giúp cải thiện cả chất lượng dịch vụ với khách hàng", CTO của FPT nhận định.

Bước đệm sau đại dịch

Cả bốn lãnh đạo công nghệ trong phiên thảo luận đầu tiên của CTO Talks đều cho rằng công nghệ không chỉ giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động, ổn định trong đại dịch mà còn là bước đệm để có thể bức phá trong giai đoạn hậu Covid-19.

Theo Nguyễn Văn Vũ, CTO của Appota, trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp đều phải thay đổi để thích ứng và phải chuyển đổi mạnh mẽ với tâm lý đi sâu nhất có thể. Ban đầu khách hàng biết đến Acheckin đơn thuần là nền tảng chấm công, nhưng xuất phát từ chính nhu cầu của công ty và khách hàng trong đại dịch, giờ đây nền tảng này liên tục được tích hợp thêm các tính năng mới, trở thành hệ thống quản lý nhân sự, tài nguyên và văn hóa của doanh nghiệp.

Nguyễn Trí Dũng - đồng sáng lập kiêm CTO Fabbi - cho rằng các kỹ sư của Việt Nam hoàn toàn làm được những sản phẩm quốc tế, giải quyết những bài toàn toàn cầu nhưng quan trọng là phải giữ được nhiệt huyết, đam mê và luôn trong tâm thế chuẩn bị sẵn sàng cho những xu hướng công nghệ mới.

Trong bối cảnh đại dịch, vai trò của lãnh đạo công nghệ không chỉ là giữ cho các hoạt động của tổ chức được thông suốt mà còn phải không ngừng mở rộng hệ sinh thái, phát triển thêm các tính năng để chuẩn bị sẵn sàng cho doanh nghiệp bứt phá trong giai đoạn bình thường mới.

Theo vnexpress.net