Chủ nhật, 24/11/2024, 04:39[GMT+7]

Khoa học và công nghệ là 1 trong 3 khâu đột phá phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Thứ 3, 18/05/2021 | 10:50:41
2,155 lượt xem
Khoa học và công nghệ (KH và CN) được xác định là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tại Thái Bình, thời gian qua, hoạt động KH và CN luôn được chú trọng, đạt được nhiều kết quả nổi bật, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Để bạn đọc hiểu hơn về hoạt động KH và CN trên địa bàn tỉnh, nhân kỷ niệm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5, phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với ông Trịnh Quang Hiệp, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ.

Mô hình trồng cà chua trong nhà lưới đạt tiêu chuẩn VietGAP của Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Toan Vân. (Ảnh chụp trước ngày 28/4/2021)

Phóng viên: Xin ông cho biết tác động của KH và CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

Ông Trịnh Quang Hiệp: Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, với nền kinh tế phẳng trên toàn cầu, những nước nào không bắt kịp được sự phát triển như vũ bão về KH và CN, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ bị tụt hậu. Điều đó đòi hỏi Việt Nam nói chung, các tỉnh, thành phố nói riêng cũng phải bắt nhịp và bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tại Thái Bình, thời gian qua, lĩnh vực KH và CN được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm, cùng với đó là sự nỗ lực, quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng KH và CN vào thực tiễn nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của các sở, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Nhờ đó, KH và CN đã có những bước tiến rõ rệt, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, năng suất, chất lượng trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được nâng cao theo hướng tăng giá trị gia tăng và bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Ở lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp gia công, sản xuất thô đang giảm dần, cùng với đó là sự tăng dần của các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, công nghiệp xanh gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Phóng viên: Thời gian qua, một số lĩnh vực KH và CN của tỉnh đã được chú trọng thực hiện và mang lại hiệu quả như thế nào, thưa ông?

Ông Trịnh Quang Hiệp: Thời gian qua, lĩnh vực KH và CN của tỉnh có xu hướng chuyển dần từ khoa học nghiên cứu sang khoa học ứng dụng dựa trên những thành quả nghiên cứu đã có sẵn trên thế giới, trong nước nhằm đi tắt, đón đầu những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, từ đó đưa nhanh vào tổ chức sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Ví dụ, trong lĩnh vực nông nghiệp, các đề tài có tính ứng dụng, hiệu quả cao và lan tỏa trong sản xuất như: xây dựng mô hình nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng trong nhà có che phủ nilon theo hướng VietGAP của Công ty TNHH Phương Nam (Thái Thụy); ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ rác thải sinh hoạt của Công ty Cổ phần Thương mại Thành Đạt (thành phố Thái Bình)... Trong lĩnh vực y dược, đó là quy trình công nghệ chiết xuất curcumin từ nghệ quy mô công nghiệp của Công ty Cổ phần Thương mại Dược Vật tư y tế Khải Hà (thành phố Thái Bình); mô hình sản xuất một số loại giống và cây dược liệu đinh lăng, cà gai leo của Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Thái Hưng (Quỳnh Phụ); đề tài nghiên cứu đặt stent động mạnh vành qua da trong điều trị nhồi máu cơ tim cấp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh...

Phóng viên: KH và CN là 1 trong 3 khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, điều này đã được nêu rõ trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Với vai trò, nhiệm vụ của mình, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh như thế nào để thực hiện nhiệm vụ này, thưa ông?

Ông Trịnh Quang Hiệp: Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã khẳng định KH và CN là 1 trong 3 khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, mang lại cơ hội lớn cho hoạt động KH và CN trên địa bàn tỉnh. Để hoàn thành nhiệm vụ trên, thứ nhất, cần phải có sự đổi mới trong tư duy về vai trò của KH và CN, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm để đổi mới, sáng tạo. Thứ hai, cần nâng cao trình độ KH và CN thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nhân tài để làm sao những người thực sự có tài muốn về làm việc và cống hiến cho tỉnh. Thứ ba, tỉnh cần có chính sách mạnh mẽ hơn nữa (về đất đai, thuế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...) nhằm thu hút được những doanh nghiệp công nghệ cao vào đầu tư tại Thái Bình. Thứ tư, Sở Khoa học và Công nghệ cần tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thông qua đề án phát triển KH và CN tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2050. Thứ năm, là phải xây dựng được chính quyền quản lý thông minh, đô thị thông minh, sản xuất theo hướng hữu cơ theo chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu dùng.

Phóng viên: Hàng năm, Thái Bình đều có những đề tài nghiên cứu KH và CN, nhiều đề tài đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Để các đề tài mang lại hiệu quả, có tính ứng dụng thực tiễn cao hơn nữa trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ đã có giải pháp gì, thưa ông?  

Ông Trịnh Quang Hiệp: Căn cứ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ đặt hàng với các doanh nghiệp, tổ chức để thực hiện các đề tài sao cho phù hợp với các mục tiêu và thực tiễn của tỉnh. Phát triển các đề tài theo hướng tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải và ưu tiên trong từng lĩnh vực; lấy doanh nghiệp là trung tâm trong việc triển khai nghiên cứu, ứng dụng các đề tài.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Lanh

(thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày