Thứ 2, 13/01/2025, 12:08[GMT+7]

Làng Thái Bình ở Điện Biên

Thứ 4, 07/05/2014 | 09:14:29
5,564 lượt xem
10 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều đợt di dân được tổ chức và hàng nghìn con em Thái Bình đã rời quê, sát cánh cùng nhân dân các dân tộc Điện Biên bảo vệ và xây dựng mảnh đất truyền thống anh hùng ngày càng giàu đẹp. Những làng Thái Bình ở Điện Biên ngày ấy, bây giờ đã trở thành những vùng kinh tế mới trù phú. Người dân Thái Bình không chỉ làm giàu cho chính mình mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương.

Cánh đồng trồng rau màu tại xã Pom Lót.

Điện Biên những ngày cuối tháng 3, giữa cái nắng chói chang và những cơn gió Lào nóng bỏng như quạt lửa, hoa ban vẫn nở trắng rừng và dịu dàng hương thơm đặc trưng của miền Tây Bắc trên mỗi con đường trong phố. 

Từ trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, xe chúng tôi bon nhanh tới Noong Hẹt –  xã đông dân nhất nhưng luôn đứng ở tốp phát triển mạnh nhất của 10 xã lòng chảo. Bí thư Đảng ủy Tòng Văn Piếng triệu tập tất cả đội ngũ lãnh đạo của xã tiếp đoàn công tác đồng hương Thái Bình. Đậm chất mộc mạc, chân thành và nhiệt huyết của người dân tộc, anh vừa giới thiệu từng người, vừa cười trìu mến: Gần như đều liên quan đến Thái Bình, không con dâu thì con rể, không thì cháu chắt họ hàng. Hơn nữa, xã có di tích Thành Bản Phủ thờ tướng quân Hoàng Công Chất – người con ưu tú của Thái Bình đã giúp nhân dân Mường Thanh đánh thắng giặc Phẻ, xây dựng vùng căn cứ địa vững mạnh. Bởi thế, chúng ta đều là đồng hương Thái Bình cả mà!

43% dân số là dân tộc Thái, 57% là dân tộc Kinh, trong đó 99% là người Thái Bình lên xây dựng vùng kinh tế mới. Ngay từ những ngày đầu đặt chân lên mảnh đất mới, người dân Thái Bình đã nhanh chóng bắt tay vào sản xuất.

Phát huy những phẩm chất truyền thống cao quý của người dân vùng đất lúa vốn luôn kiên trì, bền bì, cần cù, sáng tạo, những người con quê hương nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách ban đầu vừa luân canh sản xuất hai vụ lúa, mở rộng diện tích trồng hoa màu, vừa cải tạo đất nuôi trồng thủy sản và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Với Bí thư Piếng, người Thái Bình rất chịu thương chịu khó, lại giàu kinh nghiệm sản xuất nên dù ở độ tuổi nào, mức sống cũng cao hơn hẳn các gia đình người dân tộc Thái.


 

Mô hình phát triển kinh tế VAC của Bí thư Ðoàn Thanh niên xã Noong Hẹt.

Bí thư Đoàn xã Vũ Văn Bình quê ở Văn Lang – Hưng Hà là một trong những điển hình tiêu biểu của tuổi trẻ Noong Hẹt xung kích trên mặt trận kinh tế, năng động, dám nghĩ, dám làm và gặt hái nhiều thành công. Với mô hình VAC tổng hợp cho thu lãi 100 triệu đồng/năm, Bình luôn duy trì nuôi hơn 50 lợn thịt, nhân giống hàng chục gốc cây ăn quả cho giá trị cao, đầu tư đào 2.000 m2 ao thả các loại cá truyền thống và phát triển dịch vụ xay sát phục vụ nhân dân trong xã.

Hoàn thành xuất sắc vai trò của Bí thư Đoàn, Bình không chỉ có nhiều giải pháp thu hút, tập hợp đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia sinh hoạt, mà còn tích cực tổ chức cho họ tham quan các mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu, về áp dụng vào thực tế địa phương, từng bước nhân rộng, tạo phong trào thi đua sôi nổi giữa các cơ sở Đoàn trong toàn xã. Hiện tại, khoảng 15% số đoàn viên thanh niên của Noong Hẹt có thu nhập 50 – 150 triệu đồng/người/năm từ phát triển kinh tế theo mô hình VAC.

Điều đáng ghi nhận là dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhân dân hai dân tộc Kinh – Thái luôn đoàn kết gắn bó với nhau, người Kinh nhiệt tình truyền đạt, hỗ trợ phương thức làm ăn cho người Thái, ngược lại người Thái rất quý trọng và đặt niềm tin nơi người Kinh, tích cực lao động sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng cả đời sống vật chất và tinh thần.

Hàng năm, toàn xã duy trì gieo trồng gần 400 ha lúa/vụ, năng suất bình quân đạt 65 – 68 tạ/ha, tổng sản lượng đạt hơn 5.000 tấn/năm. Ngoài phát triển các nghề mộc, xây dựng, dịch vụ, Noong Hẹt còn có thế mạnh về thương mại và du lịch. Đó là chợ Bản Phủ - chợ lớn thứ hai của tỉnh Điện Biên, là nơi giao lưu trao đổi hàng hóa của nhân dân các dân tộc trong xã và các xã phía Nam lòng chảo huyện Điện Biên. Đó là di tích lịch sử Thành Bản Phủ với hàng vạn lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan mỗi năm.

Rời Noong Hẹt, chúng tôi đến Noong Luống. Dẫu gió Lào rát cháy, lúa đương thì con gái vẫn lên tươi tốt, bát ngát một màu xanh yên bình và tươi mới. Hai bên đường, hàng cột điện thẳng tắp, chạy dài màu đỏ tươi của những khẩu hiệu tự hào quen thuộc: “Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”, “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh”, “Phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ trong sự nghiệp đổi mới”… Lác đác qua vài bụi cây, loài hoa dã quỳ của thành phố Đà Lạt mộng mơ vương vấn nơi miền Tây Bắc tươi tắn khoe sắc vàng trong nắng. Cảnh vật miền núi thân thương đến lạ, như chốn đồng quê miền xuôi ngày nào vậy.

Chủ tịch xã Bùi Văn Ba cũng là người con Thái Bình, quê Phú Sơn – Hưng Hà, nên cuộc trò chuyện của chúng tôi nhanh chóng thân mật và gần gũi. Như một sự sẻ chia, anh cho biết: Hiện, tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức 22%, nhưng dân tộc Kinh chỉ chiếm 5% trong đó, thường rơi vào những hộ gia đình là người già cô đơn không nơi nương tựa; còn với gần 46% nhân dân trong xã là người Thái Bình thì cơ bản có cuộc sống khá giả. Điều đó cũng hoàn toàn dễ hiểu bởi người Thái Bình khả năng tư duy tốt, nhạy bén trong sản xuất kinh doanh nên đã xây dựng được rất nhiều mô hình phát triển kinh tế cho hiệu quả cao. Vừa huy động mọi nguồn vốn đầu tư mua ô tô tải, ô tô khách, đẩy mạnh dịch vụ vận chuyển cho thu nhập hàng tháng khá cao, nhân dân Thái Bình vừa duy trì quay vòng luân canh, tăng hệ số sử dụng đất hàng năm.


 

Trụ sở xã Noong Luống.

Địa hình của Noong Luống là cả một thách thức trong sản xuất nông nghiệp vì địa thế “tay chảo”, cuối nguồn nước, nhưng bà con Thái Bình với trình độ thâm canh nổi tiếng từ ngàn đời nay, ở bất cứ nơi đâu cũng đều phát huy tốt, đã chọn lựa đưa vào gieo cấy những giống lúa phù hợp cho năng suất và chất lượng cao, duy trì khoảng năng suất 60 - 65tạ/ha. Do trình độ sản xuất chênh lệch, nên trước kia, nhìn cả cánh đồng mênh mông vẫn nhận ra sự khác biệt rõ rệt từ những thửa ruộng tươi tốt, lúa chín nặng bông của người Kinh. Song, giờ đây, người Thái đã tiếp thu nhanh kinh nghiệm của người Kinh truyền đạt nên trình độ sản xuất tương đối đồng đều, phải là người địa phương mới có thể nhận ra đâu là ruộng của người Kinh, đâu là ruộng của người Thái.

Bên cạnh đó, người Kinh còn giúp người Thái rất nhiều trong việc xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, sống một cuộc sống văn minh, hòa chung những bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của hai dân tộc. Mặc dù chưa phải là xã có nền kinh tế phát triển mạnh, song cấp ủy, chính quyền xã Noong Luống rất quan tâm đầu tư cho sự nghiệp giáo dục – đào tạo. Tính riêng trong năm 2013, mặc dù HĐND huyện không giao chỉ tiêu, song mức chi cho lĩnh vực này là gần 310 triệu đồng, đạt 619,7% so với HĐND xã giao.

Đặt chân đến Pom Lót – xã cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ chừng 12 km, ngay sau màn chào hỏi, nhận ra đồng hương, các lãnh đạo xã phấn khởi và tâm sự với chúng tôi như người nhà. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Thiên, quê xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng cho biết, ông theo bố mẹ và 13 hộ gia đình khác di dân về Pom Lót năm 1964. Khi đó xã chỉ có mấy bản, hai Hợp tác xã Biện Sơn và Yên Hồng, một đội sản xuất gạch. Tập quán sản xuất lạc hậu, chỉ trồng 1 vụ lúa/năm và trồng mía, người chăn nuôi thả rông gia súc nên nhiều khi lúa, mía bị trâu bò phá sạch.

Qua các đợt di dân (từ năm 1964 đến năm 1978), hiện tại Pom Lót có 20 thôn, bản với 1.311 hộ, 5.158 nhân khẩu, trong đó gần 60% là con em Thái Bình. Đến nay, Pom Lót đã có những bước chuyển mình tích cực với cơ cấu: 14% tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp – dịch vụ - thương mại và 86% tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp; lương thực bình quân 840kg thóc/người/năm. Thế mạnh của Pom Lót là chăn nuôi. Năm 2013, toàn xã có 1.161 con trâu, bò; 5.047 con lợn và gần 42.000 con gia cầm. Cùng với chăn nuôi, Pom Lót phát triển trồng 50 ha rau màu quanh năm và là nguồn cung cấp chủ yếu cho toàn tỉnh.

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn “mục sở thị” một số gia đình, ông Đoàn Đình Sứng, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch xã vui vẻ, nhiệt tình đưa chúng tôi đi. Bà Trần Thị Toàn tâm sự, năm 1965 bà theo bố là ông Trần Văn Đồng, khi đó đang làm tại xưởng dệt Tiền Phong (thôn Thái Phương, xã Phương La, Hưng Hà) lên Điện Biên lập nghiệp. 

Coi Điện Biện là quê hương thứ hai, bà và chồng là ông Hoàng Hán Thăng gắn bó với nghề làm mộc, đời sống dần trở lên khá giả. Tuổi già viên mãn, 11 người con của ông bà đều đã trưởng thành, trong đó có 4 bác sỹ, 2 kỹ sư, 1 dược sỹ, 9 người cháu có trình độ Đại học và trên Đại học.

Tại gia đình anh Nguyễn Văn Thắng và chị Trần Thị Nhung, thuộc thế hệ thứ hai lập nghiệp tại Điện Biên (bố, mẹ anh chị quê Hưng Hà lên khai hoang năm 1966), chị Nhung cho biết, anh chị kết hôn năm 1992 và đã có 2 cháu trai. Ngôi nhà 2 tầng diện tích 90m2 anh chị xây dựng năm 1998, còn xưởng chế biến lương thực cạnh nhà chị thuê đất để xây dựng, hiện đạt công xuất xay sát 20 - 30 tấn/ngày giúp gia đình chị có thu nhập ổn định và tạo việc làm cho 2 lao động. 



 Cơ sở chế biến kinh doanh nông sản của gia đình chị Trần Thị Nhung (Pom Lót)

Chọn xã Thanh Hưng là chặng cuối hành trình công tác, câu chuyện kể của Trưởng Công an xã Hà Minh Châu (quê Đông Hòa, Thành phố Thái Bình) đưa chúng tôi trở lại năm 1975. Khi đó, hơn 50 hộ dân Thanh Hưng được đón thêm khoảng 250 hộ dân từ vùng đất Đông Hòa và Hồng Việt (huyện Đông Hưng) tới lập nghiệp.

Trước cảnh rừng núi hoang vu, thi thoảng hổ, báo còn vào làng bắt gia súc, nguồn sống trông chờ chủ yếu vào nông nghiệp mà chỉ trồng cấy được 1 vụ/năm, năng suất đạt 80 - 100 kg/sào, nhiều gia đình ngao ngán, chán nản, một số hộ không trụ được phải bỏ về quê. Với bản tính cần cù, chịu khó, thông minh của người Thái Bình, các hộ dân ở lại đã đoàn kết từng bước phát triển kinh tế. Lúc đầu, tận dụng những mảnh ruộng có nước để cấy 2 vụ, sau được sự giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền xây dựng hệ thống thủy lợi để đưa 100% diện tích vào sản xuất 2 vụ lúa và trồng rau màu.

Chủ tịch HĐND xã Lò Văn Ngôn cho biết, năm 2013, tổng diện tích gieo trồng (vụ chiêm xuân và vụ mùa) của xã đạt 540 ha, tổng sản lượng 4.281,5 tấn, đưa bình quân lương thực đầu người lên 730kg/người/năm. Ngoài ra, xã còn trồng 136 ha ngô (hai vụ) và khuyến khích, hỗ trợ nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật trồng 50 ha rau an toàn. Đời sống nhân dân dần được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn trên 5%, nhân dân tin vào sự lãnh đạo của Đảng, đồng lòng xây dựng Thanh Hưng giàu đẹp, đến nay đã đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới.

Không chỉ phổ biến kinh nghiệm thâm canh lúa nước, tiên phong trong tiếp thu có hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật, chiếm 53% dân số, người Thái Bình ở Thanh Hưng còn chú trọng trong khuyến học, khuyến tài, tạo nguồn lực con người. Năm 2013, xã có 35 cháu đỗ các trường đại học và cao đẳng, trong đó nổi bật là các dòng họ Nguyễn, họ Phạm... Trưởng Công an xã Hà Minh Châu cũng khoe, 3 con của anh chị đều tốt nghiệp cao đẳng và hiện công tác tại các cơ quan nhà nước ở thành phố Điện Biên Phủ. Chính vì vậy, người Thái Bình ở những địa phương này nhận được sự tín nhiệm cao từ nhân dân các dân tộc. Nhiệm kỳ 2010 - 2015, xã Pom Lót và Thanh Hưng đều có 6 đồng chí người Thái Bình giữ vị trí chủ chốt và nhiều năm liền Đảng bộ và chính quyền hai xã này đều đạt trong sạch, vững mạnh.

Lịch sử ghi nhận có hai trận đánh hoàn thành việc giải phóng miền Tây Bắc khỏi xâm lược. Trận đánh quyết định của tướng quân Hoàng Công Chất với giặc Phẻ do tên tướng Phạ Chẩu Tin Toòng (ông tướng nhà trời) cầm đầu diễn ra vào năm 1754, bảo vệ bản mường, núi rừng Tây Bắc, trấn giữ một vùng biên cương thái bình. 200 năm sau, Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật thuộc Đại đoàn 312, giương cao ngọn cờ chiến thắng trên nóc hầm tướng Đờ Cát  trong chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Cả hai người đại diện nổi bật cho hai trận đánh trên đều là những người con của quê lúa Thái Bình.

10 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, từ năm 1964, nhiều đợt di dân được tổ chức và hàng nghìn con em Thái Bình đã rời quê, sát cánh cùng nhân dân các dân tộc Điện Biên xây dựng và bảo vệ một Điện Biên giàu đẹp. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến hai tỉnh Điện Biên và Thái Bình tuy một ở phía Tây, một phía Đông Bắc Bộ nhưng tình anh em gắn bó sâu nặng.

Những thành quả Điện Biên đạt được hôm nay có sự đóng góp không nhỏ của nhân dân Thái Bình và đó cũng là việc làm thiết thực để tri ân, ghi nhớ sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ của cả nước nói chung, Thái Bình nói riêng trên mảnh đất này.


Phan Lợi - An Minh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày