Thứ 6, 22/11/2024, 22:00[GMT+7]

Lặng thầm thầy thuốc cơ sở

Thứ 3, 28/02/2017 | 15:29:12
1,893 lượt xem
Nhờ được nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đến nay, cán bộ y tế xã có thể vận hành hiệu quả các trang thiết bị phục vụ cho việc khám chữa bệnh như máy xét nghiệm 3 thông số, máy sinh hóa, điện châm..., từng bước nâng cao chất lượng, thu hút người dân đến khám, điều trị bệnh.

Khám chữa bệnh cho người dân tại Trạm Y tế xã Tân Hòa (Vũ Thư).

Trong điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng với trách nhiệm, tấm lòng của người thầy thuốc, những năm qua, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ các trạm y tế trên địa bàn huyện Vũ Thư đã nỗ lực vượt khó để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. 

Theo nghề y hơn 22 năm là từng ấy thời gian bác sĩ Trần Thị Hằng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Duy Nhất gắn bó với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở địa bàn cách trung tâm huyện, tỉnh ngót 20km.

Bác sĩ Hằng chia sẻ: So với các bệnh viện tuyến trên thì trạm y tế xã vừa mỏng về nhân lực vừa khó khăn về trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn, vì thế, cán bộ trạm y tế cũng vất vả hơn. Trạm chỉ có 7 cán bộ, bác sĩ trong khi dân số xã hơn 10.000 người, để đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh kịp thời cho nhân dân, cán bộ Trạm thường có lịch trực với cường độ cao.

Ðể thuận lợi cho nhân dân, ngoài khám, điều trị tại trạm, bác sĩ Hằng cùng cán bộ Trạm luôn sẵn sàng đến khám, điều trị 24/24 giờ những bệnh nhân cấp cứu, người già, trẻ nhỏ tại gia đình. Ở nông thôn, một số hộ kinh tế rất khó khăn, già cả neo đơn, cán bộ vừa điều trị, hỗ trợ một phần kinh phí vừa trực tiếp chăm sóc bệnh nhân. Vất vả, khó khăn nhưng chính sự tin yêu của nhân dân đã tạo động lực để đội ngũ thầy thuốc ở cơ sở say mê, gắn bó với nghề.

“Tôi nhớ mãi một ca sinh tại trạm y tế xã. Sau khi vất vả đưa được em bé ra khỏi bụng mẹ, chúng tôi phát hiện em bé đã chết lâm sàng. Ngay lúc đó, không còn thời gian để nghĩ nhiều, bằng phản xạ của người thầy thuốc và người mẹ, tôi chỉ nghĩ phải cứu sống em bé. Bất chấp máu, dịch rất mất vệ sinh, tôi lập tức dùng miệng của mình hút máu và dịch đang tràn ở miệng, mũi em bé, rồi liên tục hà hơi thổi ngạt, nhờ đó cứu sống được em bé. Niềm vui vỡ òa. Sau đó, nghĩ lại việc đã làm, mấy ngày liền tôi không ăn uống được”, bác sĩ Hằng chia sẻ.

Cùng làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng nông thôn, y sĩ Phạm Văn Hưng (Trạm Y tế xã Hòa Bình) và vợ là nữ hộ sinh Phạm Thị Hường (Trạm Y tế xã Song An) có điều kiện hiểu nhau hơn nhưng cũng gặp không ít khó khăn.

Chị Hường chia sẻ: Do đặc thù công việc, cả hai vợ chồng đều phải trực đêm thường xuyên nên việc chăm sóc con cái rất khó khăn, chủ yếu dựa vào người thân. Có thời điểm, ban đêm chị phải mang theo cả con nhỏ cùng làm việc. Những cuộc điện thoại đột xuất ban đêm với gia đình chị dần trở nên quen thuộc. Những dịp lễ, tết, hầu hết các gia đình được nghỉ ngơi, quây quần thì anh chị lại tất bật với lịch trực. Chế độ, lương bổng của cán bộ y tế cơ sở thấp, tuy vậy anh chị vẫn động viên nhau yên tâm công tác, dành thời gian học tập nâng cao trình độ chuyên môn để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Cùng với bác sĩ Hằng, vợ chồng y sĩ Hưng, đội ngũ thầy thuốc cơ sở ở Vũ Thư đang từng ngày âm thầm góp sức để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ông Ðỗ Thiện Khuyến, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: Toàn huyện hiện có 176 cán bộ, bác sĩ trong đó có 47 bác sĩ, 25 nữ hộ sinh, 48 y sĩ, 16 điều dưỡng, 30 dược sĩ công tác tại 30 trạm y tế xã, thị trấn. Những năm qua, đội ngũ cán bộ, bác sĩ làm việc tại các trạm y tế cơ sở trên địa bàn phải trải qua nhiều khó khăn: áp lực công việc lớn, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn còn hạn chế, trình độ, nhận thức của một bộ phận người dân nông thôn chưa cao… Mặc dù vậy, với sự tạo điều kiện thuận lợi của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là nỗ lực vượt khó vươn lên, đội ngũ thầy thuốc cơ sở vẫn tích cực nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Ðến nay, Vũ Thư là huyện dẫn đầu tỉnh về số lượng bác sĩ công tác tại trạm y tế cơ sở, trong đó điển hình là Trạm Y tế xã Việt Hùng có 4 bác sĩ, nhiều trạm y tế có 2 bác sĩ như Minh Lãng, Hòa Bình, Tân Phong… Nhờ được nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đến nay, cán bộ y tế xã có thể vận hành hiệu quả các trang thiết bị phục vụ cho việc khám chữa bệnh như máy xét nghiệm 3 thông số, máy sinh hóa, điện châm..., từng bước nâng cao chất lượng, thu hút người dân đến khám, điều trị bệnh.

Năm 2016, các trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn huyện thực hiện hơn 201.500 lượt khám bệnh, hơn 111.300 lượt điều trị bệnh cho nhân dân, tăng khoảng 1,5 lần so với năm 2015, không xảy ra tai biến trong chuyên môn, không phát sinh dịch bệnh. Sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của các đội ngũ thầy thuốc cơ sở đã góp phần điều trị hiệu quả, đặc biệt là cấp cứu thành công nhiều ca khó như cứu sản phụ mang thai ngoài tử cung, trẻ em đuối nước, bỏng khí gas.

Nhiều bác sĩ, cán bộ trạm y tế xã đã ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng nhân dân về tinh thần trách nhiệm và tấm lòng của người thầy thuốc như bác sĩ Tùng (Việt Hùng), bác sĩ Hằng (Duy Nhất), bác sĩ Loan (Tân Phong)…

“Ðiều chúng tôi còn trăn trở là đặc thù lao động của cán bộ y tế tuyến xã có nhiều vất vả, do đó nên có chế độ đãi ngộ đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế vùng nông thôn để động viên, khích lệ kịp thời, giúp họ yên tâm cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân”, ông Ðỗ Thiện Khuyến chia sẻ thêm.

Không quản khó khăn, gian khổ, đêm hay ngày, nắng hay mưa bất cứ khi nào người bệnh cần, đội ngũ thầy thuốc cơ sở luôn sẵn sàng có mặt, họ là những người “chiến sĩ áo trắng” thầm lặng sống giữa lòng nhân dân.

Quỳnh Lưu