Thứ 6, 03/01/2025, 10:59[GMT+7]

Chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm

Thứ 4, 01/03/2017 | 14:58:33
2,694 lượt xem
Gần đây, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện ở nhiều tỉnh của Trung Quốc và một số tỉnh ở Việt Nam. Trước tình hình đó, cơ quan chức năng khuyến cáo người chăn nuôi trong tỉnh cần có những biện pháp tích cực phòng, chống dịch bệnh, tránh để xảy ra những thiệt hại do cúm gia cầm gây nên.

Phun thuốc trừ khử trùng chuồng trại và tiêm phòng sau khi tái nhập đàn là giải pháp quan trọng phòng chống dịch bệnh

Vũ Thư là huyện nằm giáp ranh với tỉnh Nam Định đang có ổ dịch H5N1, vì vậy huyện đã nắm bắt thông tin kịp thời, chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia cầm. Hiện nay, toàn huyện có 87 trang trại và 230 gia trại chăn nuôi, trong đó có 10 trang trại chăn nuôi gia cầm có quy mô lớn. 

Trước diễn biến bất thường của thời tiết, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, đặc biệt hiện nay phần lớn số gia cầm tái đàn chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh; việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm nhỏ lẻ khó kiểm soát dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở mức cao. 

Trang trại của gia đình ông Phạm Văn Tràng ở xóm 2, xã Vũ Đoài (Vũ Thư) nuôi 20.000 con gà đẻ trứng, sản lượng 12.000 quả trứng/ngày, với diện tích chuồng trại là 2.300m2. Vốn đầu tư lớn và cũng là nghề đem lại nguồn thu nhập chính nên công tác phòng, chống dịch bệnh được gia đình ông chú trọng hàng đầu. 

Ông Tràng cho biết: Trong chăn nuôi sợ nhất là dịch cúm gia cầm, vì thế gia đình tôi chủ động tiến hành phun sát trùng khu vực chăn nuôi và tăng cường dọn dẹp chuồng trại từ 2 - 3 lần/tuần, phát quang cây cỏ xung quanh chuồng nuôi tránh để trường hợp gây bệnh trung gian như chim trời… Đồng thời, vệ sinh, tiêu độc khử trùng các phương tiện vận chuyển gia cầm ra vào trang trại

Trước nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao, đòi hỏi không chỉ các cơ quan chức năng mà việc phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi cần có sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các chủ gia trại, trang trại, hộ chăn nuôi. Đó là yếu tố quan trọng hàng đầu giảm thiểu thiệt hại về kinh tế do cúm gia cầm và bảo vệ an toàn sức khỏe cộng đồng.

Theo báo cáo của Cục Thú y, cả nước đang có 6 ổ dịch cúm gia cầm tại 5 tỉnh chưa qua 21 ngày, cụ thể: Bạc Liêu (cúm A/H5N1) có một hộ nuôi gà (2.700 con) của xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long; Nam Định (cúm A/H5N1) có một hộ nuôi vịt (894 con) của xã Trực Nội và một hộ nuôi gia cầm (500 con vịt và 40 con gà) của xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh; Sóc Trăng (cúm A/H5N1) có một hộ nuôi gà (945 con) của xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú; Đồng Nai (cúm A/H5N1) có một hộ nuôi gà (5.000 con) xã Suối Trầu, huyện Long Thành; Quảng Ngãi (cúm A/H5N6) có một hộ nuôi vịt (1.660 con) của xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ.


Hiện nay, toàn tỉnh có 12.208.000 con gia cầm, trong đó đàn gà là 8.846.000 con. Để chủ động phòng và kiểm soát dịch bệnh phát sinh, Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kế hoạch về phòng, chống dịch bệnh trên cạn năm 2017; chỉ đạo các trạm chăn nuôi và thú y huyện, thành phố tham mưu với UBND huyện, thành phố thực hiện theo đúng kế hoạch. Tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi về các cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Tăng cường hệ thống giám sát, khai báo dịch và thông tin hàng tuần ở mỗi cấp, bảo đảm giám sát dịch bệnh đến tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi, lựa chọn các chợ thường xuyên buôn bán, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm để giám sát dịch cúm, triển khai vệ sinh tiêu độc khử trùng định kỳ và đột xuất… Đối với các hộ chăn nuôi có nhu cầu tái đàn thời điểm này cần nhập giống từ các cơ sở có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch thú y. Khi phát hiện có gia cầm mắc bệnh ốm chết, cần báo ngay cho cơ quan thú y để có biện pháp xử lý kịp thời, không tiếp tay cho việc buôn bán gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, cần hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm. Đối với người tiêu dùng, không vận chuyển, giết mổ, mua bán gia cầm ốm chết, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
(Ông Nguyễn Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)


Bà Hoàng Thị Miền, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã thành lập và duy trì hoạt động trạm kiểm dịch lưu động, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển thịt động vật, sản phẩm chế biến từ động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy tờ chứng minh để không lây lan dịch bệnh từ nơi khác đến. Kiểm tra, tăng cường phun thuốc khử trùng tiêu độc những khu vực giết mổ, buôn bán gia cầm.

Ông Phạm Hồng Đăng, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Vũ Thư

Thực hiện theo sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã tham mưu cho UBND huyện kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở đàn vật nuôi từ huyện đến các xã, thị trấn. Thường xuyên giám sát, tăng cường kiểm tra những nơi từng xảy ra ổ dịch cúm gia cầm; cán bộ chăn nuôi thú y xã, thị trấn thường xuyên cập nhật thông tin để tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi, báo cáo kịp thời những trường hợp có nguy cơ xảy ra dịch cúm để tránh lây lan đến các vùng lân cận.

Anh Phạm Xuân Thủy, chủ trang trại nuôi gà thịt siêu nạc (xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư)

Tuy Thái Bình chưa xảy ra dịch bệnh nhưng người chăn nuôi chúng tôi không lơ là, chủ quan và luôn nhận thấy được mức độ nguy hiểm của dịch cúm gia cầm. Gia đình tôi đã tăng cường phun thuốc tiêu độc khử trùng xung quanh và trong trang trại, rắc thêm vôi bột, phun khử trùng người, phương tiện, vật dụng khi vào trang trại.


Khánh Hà

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày