Thứ 7, 23/11/2024, 11:57[GMT+7]

Chi trả trợ cấp xã hội qua bưu điện hướng tới sự hài lòng của đối tượng

Thứ 5, 16/03/2017 | 08:16:32
2,443 lượt xem
Ngày 13/12/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3666/QĐ-UBND về việc chuyển đổi phương thức chi trả chính sách trợ giúp xã hội từ cơ quan nhà nước (UBND cấp xã) sang thông qua tổ chức dịch vụ tại địa phương (Bưu điện tỉnh) có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Sau 2 tháng triển khai bước đầu có những chuyển biến tích cực.

Đối tượng chờ lĩnh trợ cấp xã hội tại điểm bưu điện văn hóa xã.

Thái Bình hiện có hơn 100.000 đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội với kinh phí mỗi năm gần 500 tỷ đồng. Phần lớn đối tượng thụ hưởng trợ cấp là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ mồ côi, người nhiễm chất độc da cam… 

Thời gian qua, các địa phương đã có nhiều cố gắng trong thực hiện chi trả trợ cấp xã hội tại cộng đồng, góp phần giải quyết một phần khó khăn trong cuộc sống cho nhân dân, bảo đảm việc thực hiện chính sách an sinh xã hội. Việc chuyển đổi phương thức chi trả trợ cấp xã hội hiện nay sang chi trả thông qua hệ thống bưu điện là chủ trương chung của Nhà nước nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch và độc lập giữa cơ quan quản lý, ban hành chính sách và cơ quan chi trả.

Bưu điện tỉnh là một trong những đơn vị thành viên của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, với lợi thế hệ thống mạng lưới rộng khắp, bao phủ đến các xã, phường, thị trấn cùng đội ngũ nhân viên có năng lực, kinh nghiệm, thái độ phục vụ tận tình, dịch vụ chuyên nghiệp, bảo đảm an toàn tiền trong quá trình chi trả. 

Với cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, Bưu điện tỉnh từng bước hướng đến tin học hóa công tác quản lý chi trả để cung cấp kịp thời số liệu chi trả hàng ngày theo yêu cầu quản lý của các cấp chính quyền, góp phần thực hiện tốt hơn công tác chi trả, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng. 

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Giám đốc Bưu điện tỉnh chia sẻ: Với mong muốn mang đến sự hài lòng cho đối tượng thụ hưởng, Bưu điện tỉnh sẽ nỗ lực hết mình để đáp ứng nhu cầu nhanh chóng, tiện lợi, xem đây là nhiệm vụ chính trị góp phần đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính của tỉnh.

Việt Thuận (Vũ Thư) có 230 đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội. Sau 2 tháng triển khai Quyết định số 3666, mặc dù còn nhiều bỡ ngỡ nhưng các cấp, các ngành địa phương đã tích cực vào cuộc tuyên truyền để người dân hiểu. 

Ông Nguyễn Minh Hùng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Do người dân quen với cách chi trả trước đây nên khi nhân viên bưu điện yêu cầu về thủ tục pháp lý chặt chẽ, một số đối tượng cũng còn bức xúc. Theo tôi, cách chi trả mới sẽ kiểm soát được mọi vấn đề của ngành, bảo đảm chính xác, minh bạch, công khai, ít rủi ro. Nếu cán bộ lao động - thương binh và xã hội và cán bộ bưu điện phối hợp tốt, sau một thời gian, người dân sẽ quen với phương thức chi trả mới, việc chi trả sẽ thuận tiện cho đối tượng. 

Bà Hồ Thị Sen ở thôn Thuận An thuộc diện đối tượng người cao tuổi cũng đồng tình với cách chi trả mới, bà cho biết: Tôi năm nay 84 tuổi, do địa điểm chi trả xa nhà nên ủy quyền cho người thân lĩnh hộ. Qua người thân tôi được biết việc thay đổi cách chi trả trợ cấp xã hội qua bưu điện nhanh chóng, thuận tiện, chặt chẽ và an toàn hơn.

Theo Quyết định số 3666 của UBND tỉnh, người hưởng trợ cấp xã hội sẽ nhận tiền trợ cấp do nhân viên bưu điện chi trả tại UBND các xã, phường, thị trấn và tại các bưu cục, các điểm bưu điện văn hóa xã trên địa bàn xã, phường, thị trấn từ ngày 5 đến ngày 15 hàng tháng. Đối với một số trường hợp đặc biệt (ốm đau, khuyết tật không có khả năng đi lại và cũng không có người để thực hiện ủy quyền đi nhận thay) bưu điện sẽ cử nhân viên trực tiếp đến chi trả tại nhà.

Tuy nhiên, do mới triển khai nên việc chi trả còn một số hạn chế cần sớm được khắc phục. Trong tổng số hơn 100.000 đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội, số đối tượng khuyết tật đặc biệt nặng, già yếu không có người ủy quyền chiếm số lượng lớn nên bưu điện cũng gặp khó khăn trong việc đến tận nhà để chi trả; vấn đề giấy tờ ủy quyền cho người đi lĩnh thay chưa có sự thống nhất; trường hợp đối tượng trợ cấp xã hội có biến động như có người mất, cán bộ bưu điện khó cập nhật được kịp thời để ngừng chi trả và báo giảm cho phòng lao động - thương binh và xã hội huyện, thành phố để làm chế độ mai táng phí...

Trước những khó khăn này, thời gian tới cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa cán bộ chính quyền, cán bộ lao động - thương binh và xã hội cấp cơ sở và cơ quan cung cấp dịch vụ để thống nhất trong quản lý, giám sát, theo dõi, cập nhật về thông tin thay đổi nhằm bảo đảm chi trả kịp thời, đúng đối tượng, bảo vệ quyền lợi cho các đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Cường