Thứ 4, 08/01/2025, 11:49[GMT+7]

Thái Bình - 127 năm xây dựng và phát triển

Thứ 3, 21/03/2017 | 08:25:47
10,196 lượt xem
Ngày 21/3/1890, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Thái Bình, bao gồm các huyện: Thanh Quan, Thụy Anh, Đông Quan, Trực Định, Thư Trì, Vũ Tiên, Tiền Hải, Phụ Dực, Quỳnh Côi (thuộc Nam Định) và huyện Thần Khê (thuộc Hưng Yên).

Trung tâm thành phố Thái Bình. Ảnh: Hưng Phạm

Năm Thành Thái thứ 6 (1894) cắt thêm 2 huyện Hưng Nhân, Duyên Hà (thuộc tỉnh Hưng Yên) nhập trở lại Thái Bình. Đến lúc này, tỉnh Thái Bình với tư cách là tỉnh - một đơn vị hành chính độc lập gồm 3 phủ: Tiên Hưng, Kiến Xương, Thái Ninh và 12 huyện: Duyên Hà, Hưng Nhân, Tiên Hưng, Thụy Anh, Đông Quan, Thái Ninh, Quỳnh Côi, Phụ Dực, Thư Trì, Vũ Tiên, Trực Định, Tiền Hải.  

Những năm đầu thế kỷ XX, người Pháp phân cấp lại bộ máy quản lý trên địa bàn tỉnh. Phủ và huyện đều là cấp hành chính tương đương cùng do cấp tỉnh trực tiếp quản lý, lúc này Thái Bình có 3 phủ, 9 huyện và 1 tỉnh lỵ, gồm: phủ Kiến Xương, phủ Thái Ninh và phủ Tiên Hưng, huyện Vũ Tiên, huyện Thư Trì, huyện Tiền Hải, huyện Đông Quan, huyện Thụy Anh, huyện Phụ Dực, huyện Quỳnh Côi, huyện Hưng Nhân, huyện Duyên Hà và tỉnh lỵ Thái Bình.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngày 10/4/1946, HĐND tỉnh quyết định bỏ đơn vị tổng, đổi phủ thành huyện. Toàn tỉnh lúc này có 12 huyện, 1 thị xã với 829 xã, thôn.

Ngày 17/6/1969, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 93-QĐ/CP về việc hợp nhất và điều chỉnh địa giới, Thái Bình còn 7 huyện và 1 thị xã. Năm 2004, Thị xã Thái Bình được công nhận là Thành phố thuộc tỉnh (theo Nghị định số 117/2004/NĐ-CP, ngày 29/4/2004 của Chính phủ).

Trải qua quá trình khai hoang, phục hóa, vật lộn, đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt, giặc dã hoành hành để cải tạo vùng đất sình lầy, chua mặn, đầy lau lác, cỏ dại thành những cánh đồng phì nhiêu màu mỡ, cư dân Thái Bình đã sớm hình thành những phẩm chất tốt đẹp: cần cù, sáng tạo, dũng cảm và ham học hỏi… Dù là địa phương nằm xa các trung tâm văn hóa cổ, địa hình bị chia cắt bởi sông nước nhưng Thái Bình lại có truyền thống hiếu học, đất văn chương - khoa bảng từ khá sớm. Trong tổng số 2.898 trí thức đại khoa Việt Nam, Thái Bình có 111 vị, trong đó có 2 trạng nguyên, 2 bảng nhãn, 3 thám hoa, 26 hoàng giáp, 78 người là tiến sĩ, phó bảng trong đó có nhiều danh nhân văn hóa, nhà bác học nổi tiếng.

Những truyền thống cũng như những kinh nghiệm được đúc kết trong quá trình đấu tranh với thiên nhiên và trong lao động sản xuất của các thế hệ cư dân Thái Bình đã đóng góp không nhỏ vào kho tàng tri thức về nông nghiệp của dân tộc. Điều đó đã giúp Thái Bình đạt những thành quả to lớn trong phát triển nông nghiệp, là tỉnh đầu tiên trong cả nước đạt năng suất 5 tấn/ha và cho đến nay vẫn là một trong những tỉnh dẫn đầu về thâm canh, tăng năng suất lúa của miền Bắc.

Truyền thống văn hóa, lịch sử luôn là mối dây tình cảm thắt chặt con người Thái Bình với quê hương. Truyền thống đó không ngừng được củng cố, bồi đắp, trở thành ý chí, sức mạnh quật cường của các thế hệ cư dân Thái Bình qua các thời kỳ lịch sử, là tiền đề để các thế hệ cư dân nơi đây giành những chiến công vang dội trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các cuộc đấu tranh mang tính quy mô lớn, có sự phối hợp của các địa phương trong tỉnh ở những mức độ khác nhau đã liên tục nổ ra. Đó là cuộc biểu tình của nông dân Duyên Hà - Tiên Hưng ngày 1/5/1930, cuộc biểu tình của nông dân Tiền Hải ngày 14/10/1930 đã tạo điều kiện thuận lợi cho Đảng bộ Thái Bình tích lũy những kinh nghiệm đầu tiên trong quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương.

Tháng 8 năm 1945, khi có Lệnh tổng khởi nghĩa, Thái Bình là một trong những tỉnh giành chính quyền sớm nhất trong cả nước. Chỉ trong vòng 6 ngày (18 - 23/8/1945), chính quyền cách mạng đã về tay nhân dân. Hơn 1 năm (9/1945 - 12/1946) đấu tranh cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, giành được những thắng lợi quan trọng trong cuộc đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài để giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng, bảo vệ trật tự trị an, khắc phục tình trạng úng lụt, đẩy lùi nạn đói, xây dựng lực lượng cách mạng, thực hiện nhiệm vụ thanh toán nạn mù chữ, vận động đời sống mới, chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến kiến quốc. Năm 1946, Thái Bình vinh dự 2 lần đón Bác Hồ về thăm.

Với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, thực dân Pháp đã bội ước, đi ngược lại những điều kiện trong bản Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946. Ngày 8-2-1950, thực dân Pháp tập trung lực lượng tiến đánh Thái Bình. Phát huy truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, quân dân trong tỉnh dưới sự lãnh đạo của Đảng đã anh dũng, kiên cường đấu tranh quyết liệt với kẻ thù, giữ đất, giữ làng, giành quyền làm chủ về mọi mặt, tiến tới giải phóng Thái Bình vào tháng 6-1954. Hòa chung không khí chống thực dân Pháp xâm lược của cả nước, hàng vạn thanh niên Thái Bình đã lên đường nhập ngũ, hàng vạn tấn lương thực đã kịp thời chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Thái Bình đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ “Quân dân một lòng tiêu diệt quân địch”, làng Nguyên Xá được tặng cờ “Làng kháng chiến kiểu mẫu”.

Hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954), nhân dân Thái Bình hăng hái hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa. Năm 1958, cả tỉnh được mùa; phong trào bổ túc văn hóa không ngừng phát triển, đạt danh hiệu “toàn dân biết chữ”; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện. Với thành tích đó, Thái Bình đã vinh dự được đón Bác về thăm lần thứ ba. Năm 1962, trước thành tích của quân, dân trong tỉnh, đặc biệt là thành tích quai đê lấn biển, Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ tư.

Cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt, Thái Bình vừa lo chống chiến tranh phá hoại vừa lo chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” và là tỉnh đầu tiên của miền Bắc đạt năng suất 5 tấn thóc/ha. Với thành tích đó, ngày 31/12/1966, Thái Bình vinh dự đón Bác Hồ về thăm lần thứ năm. Bác căn dặn: Phải xây dựng “Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt”.

Với tinh thần “Có lệnh là đi, tư thế sẵn sàng”, với trách nhiệm “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, 50 vạn người con của Thái Bình đã lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các mặt trận, là tỉnh có tỷ lệ tuyển quân tham gia quân đội cao nhất miền Bắc so với tỷ lệ dân số.

 Thi đua với tiền tuyến anh hùng, nhân dân và lực lượng vũ trang Thái Bình ở hậu phương đã bắn rơi 44 máy bay, bắn cháy 4 tàu chiến Mỹ. Thực hiện khẩu hiệu “Thóc thừa cân, quân vượt mức”, trong suốt 2 cuộc kháng chiến, nhân dân Thái Bình đã đóng góp hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, những người con của quê hương Thái Bình đã chiến đấu, phục vụ chiến đấu, lao động sản xuất, học tập và công tác, lập nên những chiến công xuất sắc.

Bước vào thời kỳ đổi mới, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, dưới ánh sáng nghị quyết Đại hội Đảng qua các nhiệm kỳ, Đảng bộ Thái Bình đã vận dụng và cụ thể hóa phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương. Đặc biệt, năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nỗ lực phấn đấu đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế ổn định và tăng trưởng khá cao. GRDP tăng 10,28%, là năm đầu tiên trong vòng 6 năm qua tăng trưởng kinh tế đạt mức 2 con số, cao hơn mức bình quân của cả nước và cao hơn nhiều tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một xóm của bà con nông dân Hợp tác xã Nam Cường, mới thành lập do lấn biển khai hoang, ngày 26/3/1962. 

Ảnh tư liệu

Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh. Tính đến tháng 2/2017, toàn tỉnh có 168 xã và 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 100% xã, phường, thị trấn có nước sạch phục vụ nhân dân.

Các lĩnh vực: giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ đạt kết quả tích cực. Ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đẩy mạnh các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ năm học. Số lượng học sinh các cấp học được duy trì, chất lượng phổ cập giáo dục được nâng cao; phương pháp dạy và học từng bước được cải tiến; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng và tỷ lệ học sinh giỏi đạt các giải quốc gia, quốc tế duy trì ở mức cao; là năm thứ ba liên tiếp có học sinh đạt huy chương vàng Olympic Toán học quốc tế. Cơ sở vật chất trường lớp tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa.

Các hoạt động thông tin, truyền thông, báo chí, văn học nghệ thuật phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị của tỉnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân. Phong trào văn hóa, thể thao phát triển sôi nổi, rộng khắp, nhất là trong dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước, địa phương. Thể thao thành tích cao đạt kết quả khá tại các giải thi đấu quốc gia, khu vực và quốc tế. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, gắn với xây dựng nông thôn mới và các phong trào thi đua yêu nước. Hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa được chú trọng. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao, du lịch được tăng cường; đã tập trung chỉ đạo, tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra việc quản lý và tổ chức lễ hội, các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn.

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, dân số - KHHGĐ, bảo vệ, chăm sóc trẻ em được quan tâm. Công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai thực hiện tích cực, chủ động, có hiệu quả. Hoạt động khám chữa bệnh ở tất cả các tuyến được bảo đảm. Các cơ sở y tế thực hiện rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đổi mới tác phong, thái độ phục vụ người bệnh, từng bước nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế.

Các cấp, các ngành đã thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, kịp thời chính sách đối với người và gia đình có công, các chính sách xã hội; duy trì thường xuyên công tác bảo trợ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân và giữ vững ổn định chính trị - xã hội ở các địa phương. Quốc phòng, an ninh được tăng cường. Chính trị - xã hội ổn định. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân đạt được những kết quả quan trọng. Công tác tư tưởng được tăng cường, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân. Đã chỉ đạo, tổ chức quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh; cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, kỷ niệm các ngày lễ của đất nước và địa phương. Tổ chức tọa đàm với chủ đề “Thái Bình tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo Bác; quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đổi mới Bản tin Thông báo nội bộ nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ hàng tháng. Công tác giáo dục lý luận chính trị, khoa giáo, lịch sử Đảng tiếp tục được quan tâm; việc sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng, của tỉnh được quan tâm chỉ đạo.

Công tác tổ chức xây dựng Đảng đã tập trung chỉ đạo củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc ở những tổ chức cơ sở đảng yếu kém. Công tác cán bộ tiếp tục được đổi mới; đã rà soát, bổ sung nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020, cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý nhiệm kỳ 2015 - 2020 và những năm tiếp theo; xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2016 - 2020. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ và thực hiện chính sách cán bộ, đảng viên được quan tâm thực hiện nghiêm túc. Đã chỉ đạo bố trí, sắp xếp phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn dôi dư theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Xây dựng và triển khai Kế hoạch xây dựng Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức trong cơ quan Đảng, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội.

Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường. Các cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã chủ động xây dựng, triển khai thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, sát với tình hình thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị; tăng cường giám sát đảng viên là cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

Công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Chỉ đạo các cơ quan tư pháp thực hiện tốt công tác phối hợp trong việc thực hiện quy trình tố tụng; chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự và tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; chủ động nắm tình hình, kịp thời chỉ đạo, giải quyết có hiệu quả những tồn đọng, bức xúc nảy sinh ở cơ sở, nhất là phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Công tác dân vận của hệ thống chính trị có những chuyển biến tích cực. Đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, quy chế giám sát và phản biện xã hội được chú trọng thực hiện. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” và công tác dân vận của chính quyền; tăng cường công tác nắm tình hình nhân dân, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp, phát sinh ở cơ sở. Quan tâm chỉ đạo công tác tín ngưỡng, tôn giáo, công tác nhân quyền; kịp thời giải quyết một số vụ việc về tín ngưỡng, tôn giáo ở cơ sở; hướng dẫn, tạo điều kiện cho các hoạt động tôn giáo thực hiện đúng pháp luật.

Công tác xây dựng chính quyền tiếp tục được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực. Tập trung kiện toàn các chức danh lãnh đạo HĐND, UBND nhiệm kỳ 2016 - 2021 sau bầu cử theo đúng luật định. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các kỳ họp, hoạt động giám sát và tiếp xúc cử tri của HĐND các cấp, quyết định đúng đắn những vấn đề quan trọng của địa phương. UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của trung tâm hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện.

MTTQ, các đoàn thể, tổ chức xã hội đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, các tầng lớp nhân dân chấp hành các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước; phát động và tổ chức thực hiện nhiều phong trào thi đua yêu nước, chương trình hoạt động gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của các ngành, địa phương; chỉ đạo, hướng dẫn đoàn viên, hội viên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các tổ chức đoàn, hội được củng cố, phát triển; số lượng đoàn viên, hội viên được nâng lên. Đã tích cực dạy nghề, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức khoa học - kỹ thuật cho đoàn viên, hội viên và nhân dân; thực hiện giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.

*

*      *

Với những thành tích, đóng góp, hy sinh to lớn và đặc biệt xuất sắc trong các cuộc kháng chiến, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng bộ, nhân dân, các lực lượng vũ trang Thái Bình vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng các danh hiệu cao quý: Huân chương Độc lập, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động… 

Đến nay, toàn tỉnh có 332.827 người được Nhà nước ghi nhận có công với cách mạng, trong đó có 916 người được công nhận là cán bộ lão thành cách mạng; 258 người được công nhận là cán bộ tiền khởi nghĩa; hơn 5.000 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”; hơn 100 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; hơn 50.000 người con của quê hương Thái Bình đã anh dũng hy sinh trong các cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; 32.000 thương binh, bệnh binh; gần 50.000 gia đình có công với nước.

Kỷ niệm 127 năm ngày thành lập tỉnh, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình tiếp tục phát huy cao độ truyền thống cách mạng vẻ vang, nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra, xây dựng Thái Bình phát triển nhanh, bền vững, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy