Thứ 7, 23/11/2024, 03:47[GMT+7]

Đổi mới hình thức hoạt động thể dục giữa giờ

Thứ 5, 23/03/2017 | 09:02:37
3,588 lượt xem
Những năm trở lại đây, Thái Bình là một trong những tỉnh đi đầu trong việc đổi mới hình thức hoạt động thể dục giữa giờ.

Trên nền nhạc mượt mà của những làn điệu chèo hay sự sôi động của những bài hát hiện đại, nhiều trường trong tỉnh đã mạnh dạn đổi mới hình thức hoạt động thể dục giữa giờ, giúp học sinh thư giãn tinh thần, giảm bớt căng thẳng để học tốt các tiết học tiếp theo.

Trường Tiểu học An Bài (Quỳnh Phụ) được biết đến là một trong những trường đầu tiên trong tỉnh thực hiện đổi mới hoạt động thể dục giữa giờ. Đã trở thành thói quen, mỗi khi nghe tiếng trống báo hiệu giờ ra chơi, gần 700 học sinh từ khối 1 đến khối 5 lại ùa ra sân trường, người sau nhìn người trước xếp hàng thẳng tắp. Trên nền nhạc bài chèo “Thái Bình quê lúa”, các em vừa hát vừa múa nhịp nhàng. 

Cô giáo Phí Thị Liêm, giáo viên kiêm Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học An Bài chia sẻ: Không chỉ có những động tác múa dẻo, đối với một số bài hát có nhịp điệu nhanh, sôi động, chúng tôi thường kết hợp với các động tác thể dục thường tập để các em cảm thấy thỏa mái, thư giãn sau mỗi giờ học. Hoạt động thể dục, ca múa hát tập thể của Trường luôn mang tính sáng tạo với việc lồng ghép giáo dục truyền thống quê hương thông qua những bài hát, múa chèo cùng với âm nhạc hiện đại như múa dân vũ rửa tay, múa thể dục nhịp điệu… đã khẳng định hoạt động ca múa hát của Liên đội Trường luôn là điểm sáng của huyện, của tỉnh và trở thành điểm đến của các trường bạn khắp cả nước.

Trường Tiểu học Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ) cũng rất tích cực trong việc đổi mới hình thức hoạt động thể dục giữa giờ. Cô giáo Phạm Thị Phượng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Múa chèo là hoạt động thường xuyên tại trường, được duy trì trong hơn một năm trở lại đây. Giáo viên biên đạo và chỉ dạy từng động tác cho học trò trong các buổi múa hát giữa giờ, tiết sinh hoạt tập thể hàng tuần hay những giờ ngoại khóa trên nền nhạc chèo viết về ngôi trường thân yêu để các em được tiếp xúc sâu với chèo ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Mong muốn của nhà trường là các em được giáo dục một cách toàn diện, biết yêu quý làn điệu truyền thống của quê hương, từ đó giúp các em biết giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. 

Bà Lương Thị Luyến ở xã Quỳnh Minh tâm sự: Được tận mắt nghe và chứng kiến các cháu nhỏ hát và múa chèo, tôi thật sự rất vui mừng và xúc động bởi trong cuộc sống hiện đại hiện nay vẫn có một bộ phận thanh niên biết giữ gìn bản sắc dân tộc.

Đổi mới hình thức hoạt động thể dục giữa giờ là một nội dung trong thực hiện mô hình trường học mới. Sau mỗi giờ học trên lớp, cả học sinh và giáo viên có phần căng thẳng. Được múa hát, vui chơi là điều kiện tốt để các em thư giãn, lấy lại sự cân bằng về tâm lý để tiếp thu tốt hơn trong các giờ học tiếp theo. 

Bên cạnh đó, hoạt động múa hát tập thể còn góp phần tích cực giúp học sinh ôn luyện, củng cố kiến thức, kỹ năng âm nhạc. Hơn nữa, đây là cơ sở để các trường duy trì phong trào văn hóa văn nghệ, xây dựng những hình thức sinh hoạt tập thể lành mạnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho học sinh. Đối với những học sinh còn nhút nhát, khi tham gia hoạt động tập thể, các em sẽ thêm lạc quan, mạnh dạn và hòa nhập với bạn bè. 

Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả, giáo viên cần lựa chọn những bài hát mang tính vui tươi, phù hợp với lứa tuổi và biên đạo những động tác dễ học, dễ nhớ để không mất quá nhiều thời gian vào quá trình tập luyện, tránh ảnh hưởng đến giờ học trên lớp.

Đổi mới hình thức hoạt động thể dục giữa giờ rất phù hợp với lứa tuổi học sinh và sinh hoạt cộng đồng hiện nay. Có thể nói, giờ đây, múa hát tập thể đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong tâm hồn tuổi thơ tại nhiều trường, góp phần giúp cho học sinh, đội viên phát triển toàn diện, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.

Đặng Anh