Thứ 7, 23/11/2024, 17:37[GMT+7]

Tôn vinh vai trò và đóng góp của người làm công tác xã hội

Thứ 2, 27/03/2017 | 09:17:37
2,368 lượt xem
Ngày 15/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1791 lấy ngày 25/3 hàng năm là “Ngày công tác xã hội Việt Nam”. Đây là dấu mốc quan trọng nhằm tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội.

Nhân viên công tác xã hội tư vấn, hướng dẫn người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Vũ Thư.

Công tác xã hội (CTXH) là một nghề, một hoạt động chuyên nghiệp nhằm tạo ra sự thay đổi và phát triển xã hội. Bằng sự tham gia vào quá trình giải quyết các vấn đề xã hội, vào quá trình tăng cường năng lực giải phóng tiềm năng ở mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng, CTXH giúp con người phát triển hài hòa, đem lại cuộc sống tốt đẹp cho con người. Tại Việt Nam, nghề CTXH chỉ được biết đến trong 10 năm gần đây. 

Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Việt Nam có số người cần trợ giúp các dịch vụ CTXH lên tới 28% dân số, trong đó 7,5 triệu người cao tuổi, 5,4 triệu người khuyết tật, 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khoảng 12% hộ nghèo, hơn 180.000 người bị nhiễm HIV được phát hiện… Những người này cần thiết có sự can thiệp và trợ giúp từ đội ngũ nhân viên CTXH chuyên nghiệp. Nhờ hoạt động tích cực của đội ngũ nhân viên CTXH nhiều người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đã được trợ giúp.

Tại Thái Bình, nghề CTXH phát triển từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án phát triển nghề công tác xã hội (Đề án 32) năm 2010. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 29/3/2011, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 446 phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội  tỉnh Thái Bình giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2020, trong đó tập trung vào các hoạt động truyền thông, tập huấn, bồi dưỡng và đào tạo. 

Trong giai đoạn 2011 - 2016, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình, Ban đại diện Hội người cao tuổi và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh tổ chức 18 lớp tập huấn kiến thức cơ bản về nghề CTXH cho hơn 2.000 người đang công tác tại địa phương có liên quan đến CTXH, nhân viên các cơ sở bảo trợ xã hội, chủ tịch hội người cao tuổi các địa phương; phối hợp với Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình tổ chức 4 lớp bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghề CTXH cho hơn 200 cán bộ làm trong lĩnh vực CTXH của tỉnh và hội viên Hội Người khuyết tật tỉnh. 

Đến nay, nhận thức về nghề CTXH của đội ngũ cán bộ cốt cán thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và một số đoàn thể đã có chuyển biến căn bản. Tiêu biểu là ngành Y tế, trong số 25 bệnh viện đã có 19 bệnh viện thành lập phòng CTXH và tổ CTXH thực hiện việc hỗ trợ, tư vấn giải quyết các vấn đề về CTXH cho người bệnh và người nhà người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh. Cùng với đó, vận động, kết nối với nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia hoạt động từ thiện giúp đỡ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, hầu hết số nhân viên CTXH tại các bệnh viện đều chưa được đào tạo chuyên sâu về nghề CTXH nên trong quá trình hoạt động cũng còn một số khó khăn.

Là năm đầu tiên cả nước hưởng ứng “Ngày công tác xã hội Việt Nam”, tại Thái Bình, UBND tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ngành liên quan tổ chức một số hoạt động để ghi nhận vai trò và đóng góp của người làm CTXH, đồng thời vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng gặp khó khăn. Đến nay, các đơn vị đã xây dựng kế hoạch và phối hợp tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Bà Nguyễn Thúy Hoàn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Nghề CTXH có vai trò quan trọng ở nhiều khía cạnh của cuộc sống, từ vấn đề bảo vệ trẻ em, giải quyết xung đột trong gia đình, hỗ trợ tâm lý và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đến trợ giúp người già, người khuyết tật... Tuy nhiên, hiện nay không ít ngành, cấp và người dân còn chưa hiểu nhiều về nghề CTXH, nhiều người chưa nhận biết được công việc của nhân viên CTXH, vì vậy cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người hiểu được tầm quan trọng của nghề CTXH, từ đó có nhiều hoạt động để lĩnh vực CTXH ngày càng phát huy hiệu quả.


Bà Bùi Thị Xiêm, phụ trách Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi Thái Bình
Mặc dù Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện mới thành lập được 3 tháng nhưng hoạt động xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Người bệnh và người nhà người bệnh được nhân viên CTXH tư vấn tận tình, chu đáo; vận động được nhiều nguồn tài trợ từ các tổ chức, nhà hảo tâm để thăm hỏi bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, hầu hết số cán bộ đều chuyển từ ngành y tế sang làm CTXH. Tôi mong thời gian tới tỉnh có nhiều cơ chế giúp đội ngũ những người làm CTXH được đào tạo chuyên sâu để phát huy hiệu quả của nghề CTXH.


Bà Phạm Thị Sen, xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy
Tôi sống ở Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội đã hơn 20 năm. Từ khi Trung tâm bổ sung thêm nhiệm vụ CTXH đã có nhiều tổ chức, cá nhân đến Trung tâm thăm hỏi, động viên và trao những phần quà giúp bản thân tôi và nhiều người sống ở đây cảm nhận được quan tâm, chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn.

Nguyễn Cường