Thứ 6, 24/01/2025, 18:11[GMT+7]

Anh chính thức khởi động tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu

Thứ 4, 29/03/2017 | 08:25:25
1,350 lượt xem
Ngày 29/3, Thủ tướng Anh chính thức kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon, chính thức khởi động tiến trình đàm phán ra khỏi Liên minh châu Âu

Ngày 29/3, Thủ tướng Anh Theresa May chính thức kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon, chính thức khởi động tiến trình đàm phán ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Theo giới quan sát, đây sẽ là lộ trình không hề đơn giản cho cả Anh và EU.

Brexit cứng

Những trình tự đầu tiên sẽ mang tính thủ tục, tức là sau khi Vương quốc Anh kích hoạt điều 50 của Hiệp ước Lisbon thì EU cũng sẽ ra các tuyên bố và quyết định chính thức công nhận việc rời bỏ khối.

Tuy nhiên, tiếp sau đó mới là chặng đường gian nan với các cuộc đàm phán trên mọi lĩnh vực.

Gian nan, trước hết là vì sau 44 năm là thành viên của EU, nước Anh đã tham gia gần như trọn vẹn vào mọi thiết chế của liên minh với các điều khoản ràng buộc rất chặt chẽ, nên để có thể rút lui khỏi tất cả các ràng buộc pháp lý này một cách hợp lý là việc rất công phu.

Các thách thức dành cho London và Brussels rất nhiều, từ việc nên đàm phán “li dị” và mối quan hệ đối tác tương lai cùng lúc hay riêng rẽ, rồi số tiền Anh sẽ phải trả để rời bỏ EU có lên đến 60 tỷ euro như phân tích hay không, đến việc Anh sẽ tham gia như thế nào vào an ninh chung châu Âu….

Nhưng gai góc nhất vẫn là 2 vấn đề: Quyền tiếp cận của nước Anh vào khối thị trường chung đến mức nào và quyền tự do đi lại của công dân châu Âu vào Anh ra sao sau khi nước này ra khỏi EU.

Đến thời điểm này, qua các tuyên bố, thì hai bên đều không cho thấy sẽ nhượng bộ. Phía EU quả quyết sẽ không có các nhượng bộ trong vấn đề thị trường chung nếu Anh ngăn không cho công dân châu Âu tự do đi lại vào Anh.

Còn chính phủ của bà Theresa May lại khẳng định rằng Brexit là phản ánh đòi hỏi của dân chúng Anh về việc cần thiết lập lại các đường biên giới và kiểm soát chặt việc nhập cảnh vào Anh.

Vì các tuyên bố qua lại không nhượng bộ này mà phía Anh đã chủ trương sẵn sàng có “Brexit cứng”, tức là một sự chia tay hoàn toàn với EU.

Tất nhiên, kết cục thế nào thì cần phải chờ xem các cuộc đàm phán sẽ diễn biến ra sao.

Lực cản từ phía Scotland

Trong cuộc gặp với Thủ hiến Scotland là bà Nicola Sturgeon vào ngày 27/3, bà May đã không thuyết phục được vị thủ lĩnh của Đảng Dân tộc Scotland.

Bà Sturgeon cũng cho biết sẽ tiếp tục đấu tranh cho việc Scotland được tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần hai về độc lập khỏi Vương quốc Anh.

Thủ hiến Scotland bà Nicola Sturgeon cho biết sẽ có cuộc trưng cầu dân ý lần hai việc Scotland rời Vương quốc Anh.


Trên thực tế thì bà Theresa May chưa phản đối toàn bộ các yêu sách từ phía lãnh đạo Scotland nhưng trước mắt thì nữ Thủ tướng Anh cự tuyệt đòi hỏi từ phía bà Sturgeon việc tổ chức trưng cầu dân ý trước tháng 3/2019.

Dự kiến, tháng 3/2019, Brexit sẽ hoàn tất và theo bà Theresa May thì việc Scotland đòi trưng cầu dân ý trước đó sẽ làm suy yếu vị thế đàm phán của Vương quốc Anh với Brussels và sẽ khiến Vương quốc Anh thiệt thòi.

Cần lưu ý rằng vào thời điểm hiện nay và trong thời gian trước mắt, một trong những ưu tiên lớn nhất của chính phủ của bà Theresa May là giữ được sự toàn vẹn của Vương quốc Anh trong bối cảnh không chỉ Scotland mà cả Bắc Ireland cũng công khai bày tỏ bất đồng với London do đa số người dân hai xứ này đã bỏ phiếu lựa chọn ở lại với EU trong cuộc trưng cầu dân ý Brexit vào tháng 6/2016.

EU không thể mềm mỏng

Trong tuyên bố mới đây, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bày tỏ lập trường cứng rắn đối với các thỏa thuận sắp tới với Anh. Đây là sự thay đổi đáng kể khi bà Merkel trước đây từng bày tỏ quan điểm giữ quan hệ “thật gần gũi” với Anh.

Việc Thủ tướng Đức Angela Merkel hay các nhà lãnh đạo châu Âu có các phát biểu cứng rắn đối với nước Anh là điều dễ hiểu.

Thứ nhất, là do thái độ cứng rắn của London, cụ thể là của chính nữ Thủ tướng Anh Theresa May, với Brussels.

Trong phát biểu hồi tháng 1/2017 về chiến lược tiến hành Brexit, bà May đã dùng những lời lẽ dứt khoát và không khoan nhượng, theo đó sẽ không có chuyện Anh là một thành viên đầy đủ của khối thị trường chung châu Âu và London chỉ hướng đến mục tiêu “tiếp cận tự do nhất và linh hoạt nhất có thể”.

Các quan chức Anh cũng đe doạ sẽ trả đũa nếu châu Âu chèn ép Anh, chẳng hạn việc ám chỉ sẽ biến London thành một “thiên đường thuế” ngay cửa ngõ châu Âu.

Vì thái độ cứng rắn đó từ phía chính phủ của bà Theresa May nên đương nhiên các quan chức châu Âu cũng không thể đáp lại bằng một sự mềm mỏng.

Thứ hai, cứng rắn với nước Anh trong Brexit là một chiến lược để Brussels cảnh cáo các nước khác có ý định ra khỏi khối, đồng thời siết chặt lại đội ngũ.

Trong bối cảnh hiện nay, nếu các lãnh đạo châu Âu không cứng rắn sẽ rất dễ dẫn đến việc đánh mất kiểm soát và đó sẽ là nguy cơ rất lớn đe doạ sự tồn tại của khối.

Thực tế cho thấy từ khi sự kiện Brexit diễn ra đến nay, các thành viên EU, đặc biệt là các nước dẫn đầu như: Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha… đã thể hiện được sự nhất trí tương đối lớn về quan điểm và thái độ khi đàm phán với Anh.

Vì thế, các lãnh đạo châu Âu cần cứng rắn để giữ được sự đoàn kết này càng lâu càng tốt trong giai đoạn đàm phán khó khăn sắp tới./.

Các cuộc bầu cử- thước đo tâm lý dư luận châu Âu
Trong cuộc thăm dò gần đây, 53% người dân Anh đồng tình với phương thức giải quyết Brexit hiện nay của bà Theresa May, tức là đối với dư luận Anh, chuyện rời bỏ EU là khó có thể đảo ngược, bất chấp việc vẫn có những cuộc biểu tình lớn phản đối Brexit gần đây.
Với người dân châu Âu thì Brexit mang lại những đánh giá phức tạp hơn. Ở thời điểm sau cuộc trưng cầu dân ý tại Anh vào tháng 6/2016, khá nhiều dân chúng châu Âu tại các nước như: Pháp, Hà Lan, Italy… tỏ ra bi quan và cũng muốn nước mình rút khỏi EU tương tự Vương quốc Anh.
Tuy nhiên, dần dần thì các mối lo về một tương lai bất ổn hơn với châu Âu gia tăng và ngày càng nhiều ý kiến cho rằng việc rời bỏ EU mà phải đánh đổi bằng một hành trình gian nan và bất định như nước Anh đang tiến hành hiện nay là không đáng.
Nhưng tâm lý của dư luận ra sao sẽ chỉ có thể đo chính xác được bằng các cuộc bầu cử. Ví dụ gần đây về việc đảng cực hữu mang tư tưởng ly khai ở Hà Lan thất bại cho thấy người dân châu Âu lục địa đang thận trọng hơn. Nhưng trong năm 2017 này thì vẫn phải chờ đợi hai cuộc bầu cử vô cùng quan trọng tại Pháp và Đức, hai đầu tàu kinh tế của EU, thì mới biết được thực sự dư luận châu Âu cảm nhận và phản ứng ra sao trước các sự kiện như Brexit.


Theo vov.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày