Thứ 3, 24/12/2024, 02:59[GMT+7]

Quỳnh Phụ linh hoạt trong thực hiện mô hình trường học mới

Thứ 6, 31/03/2017 | 08:25:34
3,009 lượt xem
Dựa trên việc tự nguyện đăng ký thực hiện, tính đến năm học này, toàn huyện Quỳnh Phụ có 31 trường tiểu học và THCS thực hiện mô hình trường học mới. Nhờ linh hoạt áp dụng những thành tố tích cực của mô hình, chất lượng giáo dục của huyện luôn duy trì ổn định, quan trọng hơn là học sinh đã mạnh dạn, tự tin trong học tập và giao tiếp.

Không gian lớp học của học sinh Trường Tiểu học An Dục (Quỳnh Phụ).

Ông Nguyễn Văn Roanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Trước khi áp dụng mô hình trường học mới, Phòng đã tổ chức cho giáo viên tìm hiểu và nghiên cứu kỹ mô hình qua việc đi thực tế tại một số trường học đã thực hiện trước đó như Trường Tiểu học Tự Tân (Vũ Thư) và một số trường thuộc tỉnh Lào Cai. Nhận thấy hiệu quả của mô hình, dựa trên điều kiện thực tế của từng trường, nhiều trường học trong huyện đã mạnh dạn đăng ký thực hiện dựa trên việc chọn lọc những yếu tố, nội dung tích cực của mô hình, bên cạnh đó tiếp tục phát huy các yếu tố ưu việt của phương pháp dạy học truyền thống. 

Phòng đã lựa chọn được 21 trường tiểu học và 10 trường THCS tương đối đủ điều kiện để áp dụng mô hình trường học mới. Đây là những trường đạt chuẩn quốc gia, có cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, có năng lực chuyên môn tốt, tích cực tiếp thu và vận dụng phương pháp mới. Cùng với đó, Phòng đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho các trường tổ chức thực hiện; đồng thời tích cực tuyên truyền đến phụ huynh và nhân dân để tạo sự đồng thuận.

Năm học 2016 - 2017 là năm học đầu tiên Trường Tiểu học An Dục thực hiện mô hình trường học mới ở khối 2 với 68 học sinh. 

Cô giáo Vũ Thị Hoài, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Thực hiện dạy và học theo mô hình trường học mới đã thực sự tạo nên môi trường học tập, vui chơi thân thiện, gắn kết các mối quan hệ giữa học sinh và học sinh, nhà trường và học sinh, nhà trường với cha mẹ học sinh. Bên cạnh đó, các hoạt động giáo dục được thực hiện dân chủ, thân thiện, tạo cảm giác tin cậy, ấm áp đối với học sinh. Về kiến thức kỹ năng của sách giáo khoa lớp 2, cô giáo Hoài và các giáo viên trong Trường có chung nhận định là trùng khớp với chương trình hiện hành nên thuận lợi cho việc giáo viên và học sinh trong việc tiếp cận vấn đề từ phương pháp dạy học truyền thống sang mô hình trường học mới. Tuy nhiên, không phải trường học nào cũng đủ điều kiện để áp dụng mô hình này. Vì vậy, đối với Trường Tiểu học An Dục, Trường đã huy động nhà trường và nhân dân cùng vào cuộc để bổ sung trang thiết bị cho các lớp học. Mỗi phụ huynh học sinh đóng góp theo hình thức “có gì dùng nấy” nên các phòng học ở trường được trang trí rất giản dị, gần gũi nhưng cũng rất bắt mắt nên học sinh rất thích thú khi được đến trường.

Còn đối với Trường Tiểu học thị trấn Quỳnh Côi, sau 1 năm thực hiện mô hình trường học mới đã xuất hiện một số hạn chế như: bàn ghế chưa đáp ứng được việc học theo nhóm, một số giáo viên chưa quen với cách dạy mới… 

Thầy giáo Trần Văn Quyển, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Sau khi tham gia lớp tập huấn tại Nghệ An, cùng với kết quả đạt được của năm học 2015 - 2016, năm học 2016 - 2017 Trường quyết định tiếp tục áp dụng tại khối lớp 2 và khối lớp 3. Trường chỉ đạo các giáo viên không thực hiện máy móc và vận dụng kết hợp những mặt tích cực của mô hình trường học mới với phương pháp dạy học truyền thống như: bố trí chỗ ngồi linh hoạt, soạn bài bổ sung cho phù hợp với từng đối tượng học sinh trong lớp, điều chỉnh nội dung dạy học sát với đặc điểm cụ thể ở địa phương… Với những khối lớp không thực hiện mô hình trường học mới, nhà trường cũng khuyến khích giáo viên linh hoạt áp dụng một số thành tố như: cơ cấu tổ chức lớp, trang trí lớp học, phối hợp vận dụng nhiều hình thức dạy học, đặc biệt chú trọng việc tự học của mỗi cá nhân, trao đổi nhóm.

Sau một thời gian thực hiện mô hình trường học mới, giáo viên đã cơ bản tiếp cận và vận dụng tương đối hiệu quả cách dạy mới. Nếu như đầu năm học nhiều giáo viên còn thấy khó khăn thì đến cuối học kỳ I những giáo viên này đã hứng thú dạy theo mô hình trường học mới. Dưới sự hướng dẫn của thầy cô, học sinh tự tiếp cận tài liệu, thực hiện nhiệm vụ theo tài liệu, hoạt động theo nhóm, có sự tương tác, hợp tác, trao đổi, hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ. Cách bố trí hoạt động theo nhóm tạo không khí thân thiện, thoải mái. Qua đó giúp học sinh phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động tham gia, mạnh dạn, tự tin, tự chủ trong mọi hoạt động cũng như làm chủ bài học. Năng lực, phẩm chất của học sinh được hình thành và phát triển rõ nét. 

Tuy nhiên, việc thực hiện mô hình trường học mới cũng xuất hiện một số hạn chế như: cường độ giáo viên phải làm việc nhiều, học sinh yếu kém khó hoàn thành nhiệm vụ, bộ sách giáo khoa còn cồng kềnh, thiết kế chương trình lớp 1 môn tiếng Việt còn nặng nề, chưa chú ý đến việc luyện tập cho học sinh.

Mặc dù còn có những hạn chế song kết thúc học kỳ I vừa qua, chất lượng giáo dục tại các trường, lớp thực hiện mô hình trường học mới được duy trì ổn định, nhiều giáo viên dạy theo mô hình này đạt giải cao tại hội giảng giáo viên cấp tỉnh. Đây là cơ sở để ngành Giáo dục Quỳnh Phụ tiếp tục có những định hướng để tiếp tục nhân rộng mô hình trường học mới.

Đặng Anh