Thứ 7, 23/11/2024, 20:29[GMT+7]

Hầu đồng - Nghi lễ quan trọng trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu

Thứ 2, 03/04/2017 | 15:27:25
9,519 lượt xem
“Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ” từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt. Ngày giỗ Mẫu vào tháng 3 âm lịch hàng năm với nghi lễ hầu bóng (lên đồng) của đạo Mẫu là một trong những nghi lễ quan trọng với sự tinh tế từ âm nhạc, trang phục tới diễn xướng của các thanh đồng cùng với sự kỳ ảo của tâm linh huyền bí, mà theo đánh giá của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, đây chính là bảo tàng sống của văn hóa Việt.

Nghi lễ hầu đồng thể hiện sự đa dạng của trang phục người Việt với nhiều dân tộc, nhiều thời kỳ khác nhau.

Đền Mẫu Tiên La - nơi thờ vị nữ tướng anh hùng

Theo tâm thức “Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ”, nhân dân cùng du khách thập phương lại nô nức hướng về lễ hội Tiên La được mở vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm bởi đền Tiên La - nơi thờ Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục là một trong những tâm điểm của tục thờ Thánh Mẫu. Ngôi đền cổ kính này cũng là một trong số ít những ngôi đền hiện còn lưu giữ kiến trúc đá đồ sộ bậc nhất vùng châu thổ sông Hồng.

Về đền Mẫu Tiên La, nhân dân cùng du khách thập phương được lắng nghe về lịch sử dân tộc, về những chiến công oai hùng của Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục, vị nữ tướng tài ba dưới thời Hai Bà Trưng. Sử cũ ghi thời Đông Hán có nàng Thục Nương xinh đẹp tuyệt trần có tài võ nghệ tinh thông. Thái thú Tô Định vì không lấy được nàng đã cho chém chồng và cha của nàng. Thục Nương bị quân Tô Định truy đuổi đã chạy về Tiên La xin nương nhờ cửa Phật và từ ấy lập đội dân binh với chí hướng “đền nợ nước, trả thù nhà”. Nghĩa quân của Bát Nạn tướng quân chiến đấu anh dũng nhưng khi thế giặc quá mạnh, chúng chủ tâm phá tan căn cứ Tiên La, Bát Nạn tướng quân đã hóa thân tại nơi chính là khu đền Tiên La ngày nay.

Nghi lễ quan trọng trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu

Trong không khí rộn ràng chuẩn bị cho ngày giỗ Mẫu, chúng tôi có dịp trở về đền Mẫu Tiên La khi “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” đã trở thành di sản thứ 11 của Việt Nam được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. 

Với những thanh đồng đang từng ngày bảo tồn và phát huy nét đẹp của nghi lễ hầu đồng thì đó chính là niềm xúc động, hân hoan khôn tả. Trở về lễ Mẫu từ huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, thanh đồng Đặng Thị Trịnh hào hứng khi được tham gia vào một khóa hầu của thủ nhang nhà đền và chia sẻ: Khi thầy nhập các vai thánh tôi cảm thấy sự uy nghiêm, trang trọng trong cung giá nhà thánh, toát lên sự thanh tao. Để có thể hoàn thành một buổi hầu thì cần có sự cầu kỳ ngay từ khâu chuẩn bị và mỗi người dân khi muốn cầu xin điều gì thì tâm phải trong sáng, một lòng hướng về điều thiện, hướng về những vị anh hùng có công lao to lớn với dân, với nước.

Dù lễ hội Tiên La được mở từ ngày 10 tháng 3 âm lịch nhưng trong suốt cả tháng, nhân dân địa phương cùng du khách thập phương đã nô nức trở về lễ Mẫu, cầu xin sức khỏe, bình an cùng mong muốn may mắn được tham gia, chứng kiến nghi lễ hầu đồng. Bởi những người đã một lần xem hầu đồng đều không khỏi trầm trồ thích thú trước trang phục, trang sức của các thanh đồng mỗi khi nhập thể một vị thánh. Để một giá hầu trang nghiêm với đúng tinh thần của đạo Mẫu, phục trang, âm nhạc, diễn xướng đã được nâng lên đến tầm nghệ thuật tinh tế.

Tuy dân gian truyền lại 36 giá đồng tương ứng với trang phục phong phú nhưng các thanh đồng đều phải tuân thủ những quy định chặt chẽ về kiểu cách, màu sắc trang phục cũng như trang sức, vũ điệu, lời hát trong mỗi giá đồng. Hệ thống trang phục và trang sức trong nghi lễ hầu đồng thể hiện sự đa dạng của trang phục người Việt với nhiều dân tộc, nhiều thời kỳ khác nhau. Trong khi trang phục của các giá Quan Lớn, Quang Hoàng vô cùng uy nghi, trang nghiêm, đẹp đẽ giống như của các vị quan trong triều đại phong kiến thì trang phục của Chầu Đệ Tam là khăn áo màu trắng cùng quạt trắng lấp lánh. Ngoài trang phục được chuẩn bị công phu, 36 giá đồng cũng quy định những bộ trang sức, vật dụng đi kèm như thẻ bài, quạt, khăn đội đầu, mũ… được gia công tinh xảo, cầu kỳ từ các chất liệu ngọc, đá hay bạc… Bởi sự chuẩn bị công phu ấy mà mỗi người tham gia vào các giá hầu đều cảm nhận sự phấn khích, hào hứng hơn.

Âm nhạc trong hầu đồng không trầm lắng mà ngược lại luôn tạo nên không khí tươi vui, háo hức. Ví như khi kể về chiến tích lẫy lừng của các Quan Lớn, điệu hát mang chất hào sảng, nhưng khi trong giá hàng Cô thì âm nhạc lại ríu rít như tiếng chim rừng. Trong mỗi giá đồng, dù nhắm mắt hay mở mắt, thanh đồng đều tập trung tinh thần để thể hiện tính cách, cuộc đời của vị thánh đang ngự bóng với những chiến công oanh liệt, giúp dân giúp nước, thông qua các điệu múa từ uy nghi, uyển chuyển đến vui tươi, khiến cho người tham gia buổi hầu càng theo dõi càng say mê.

Sau Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hầu đồng được trả về với đúng nghĩa là một hoạt động văn hóa dân gian. Tuy không phải là quê hương của hầu bóng, lên đồng nhưng Thái Bình lại là nơi dung dưỡng hoạt động văn hóa mang đậm màu sắc tâm linh này. Bởi vậy, hãy một lần dõi theo nghi lễ hầu đồng, để được đắm mình trong không gian văn hóa tâm linh với những làn điệu chầu văn tha thiết, sâu lắng, cùng những điệu múa khoan thai uyển chuyển của những giá hầu. Chắc chắn, mỗi người trong chúng ta sẽ có được những trải nghiệm thú vị cùng những cung bậc cảm xúc khó quên với nét đẹp tâm linh và tín ngưỡng tôn giáo đặc sắc trong mạch nguồn văn hóa dân tộc.

Bà Nguyễn Bích Mai, thành phố Hải Phòng


Ngày hôm nay, đoàn chúng tôi gồm các giáo viên tiểu học của Hải Phòng đã trở về đền Tiên La để lễ Mẫu, cầu mong sức khỏe, bình an cho gia đình. Về đây tôi thấy trong lòng thanh thản, bình yên, giải tỏa bao căng thẳng của cuộc sống thường ngày. Xem các buổi hầu đồng, chắc chắn không chỉ tôi mà rất nhiều người đều yêu thích những bài chầu văn bởi sự vui tươi, phấn khích, hào hứng từ những điệu múa, câu ca cổ truyền của dân tộc. Tôi cảm thấy ngoài ý nghĩa tâm linh, việc hầu đồng còn giúp mọi người được giải tỏa khỏi áp lực, căng thẳng, giúp cuộc sống trở nên sảng khoái hơn.


Ông Nguyễn Quốc Hội, thị trấn Hưng Hà, huyện Hưng Hà


UNESCO đã có những công việc sưu tầm, bảo tồn và vinh danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”, tôi cảm thấy rất mừng. Là người con của quê hương, tôi thiết nghĩ, mỗi chúng ta nên góp công sức trong việc giữ gìn đạo Mẫu để đây mãi là nét đẹp trong văn hóa tâm linh. Tôi cùng cả gia đình thường xuyên trở về đền Mẫu Tiên La để tham gia vào nghi lễ hầu đồng, và cầu xin sức khỏe, xin bình an, may mắn, thịnh vượng cho quê hương, đất nước.


Bà Hà Thị Mến, xã Kim Trung, huyện Hưng Hà
Khi trở về đền Tiên La, xem các thanh đồng nhập các vai Thánh thì tôi cảm thấy sự uy nghiêm, trang trọng trong cung giá nhà Thánh, toát lên sự thanh tao. Nghe thủ nhang giảng giải, tôi hiểu rằng tôn thờ đạo Mẫu tức là tôn thờ các anh hùng dân tộc, những người có công với dân, với nước. Và mình muốn cầu xin điều gì thì tâm của mình phải luôn trong sáng, một lòng hướng về điều thiện, về những vị anh hùng có công lao với dân tộc.

Anh Tú 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày