Chủ nhật, 30/06/2024, 21:32[GMT+7]

Tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi

Thứ 4, 05/04/2017 | 08:34:11
2,156 lượt xem
Do những biến đổi bất thường của thời tiết, ngay trong những tháng đầu năm, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong cả nước có những diễn biến phức tạp, để bảo vệ đàn vật nuôi trong tỉnh, hiện nay các địa phương đang tập trung cao công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

Gia đình ông Cao Xuân Hồng ở thôn Đông Trú, xã Vũ Lễ (Kiến Xương) luôn thực hiện tốt tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn lợn.

Theo ghi nhận của ngành chức năng, các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm như cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, tai xanh ở lợn… đã xuất hiện rải rác ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây lại là thời điểm tái đàn vật nuôi sau tết, việc vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm có chiều hướng gia tăng. Các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, đặc biệt là đợt tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi trong vụ xuân được ưu tiên hàng đầu. 

Ngày 28/3, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã cung ứng 5.530 liều vắc-xin phòng bệnh tụ huyết trùng cho trâu, bò; 50.050 liều vắc-xin lở mồm long móng (LMLM) cho lợn và 232.210 liều vắc-xin phòng bệnh tả lợn về trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thành phố để thực hiện tiêm phòng cho vật nuôi.  

Cùng đi với các cán bộ thú y cơ sở, chúng tôi ghi nhận công tác phòng ngừa dịch bệnh ngày càng được chú trọng. Trước mỗi đợt tiêm phòng, hệ thống truyền thanh các xã, phường, thị trấn thông tin tới nhân dân về kế hoạch, phương thức đăng ký, lịch tiêm cụ thể để hộ chăn nuôi chủ động phối hợp. Hộ chăn nuôi có gia súc, gia cầm trong diện tiêm, đến dịp tiêm phòng là có phương án tách vật nuôi trong diện tiêm riêng từng ô chuồng, tạo thuận lợi cho công tác tiêm phòng. 

Ông Hà Đức Hạnh, hộ chăn nuôi gà tại xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) cho biết: Gia đình tôi chăn nuôi gà đã hơn 10 năm nay, để phát triển ổn định và hiệu quả thì việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi đã trở thành ưu tiên hàng đầu. Được tỉnh hỗ trợ vắc-xin, công tiêm phòng, chúng tôi sẽ chủ động phối hợp thực hiện, ngoài ra nếu vật nuôi đến tuổi tiêm phòng mà chưa có đợt hỗ trợ thì gia đình tôi tự mua vắc-xin phòng bệnh kịp thời. Bên cạnh các loại vắc-xin được hỗ trợ, chúng tôi còn tiêm đầy đủ các loại vắc-xin được khuyến cáo cho vật nuôi, nhờ đó giảm thiểu nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Vụ xuân hè năm nay, thành phố Thái Bình triển khai tiêm 6.860 liều vắc-xin phòng dịch tả, 4.275 liều vắc-xin phòng tụ huyết trùng cho đàn lợn, 2.350 liều vắc-xin phòng bệnh dại. Mặc dù thời tiết diễn biến bất thường song lực lượng thú y trên địa bàn thành phố vẫn bảo đảm tiến độ tiêm phòng, tranh thủ mọi thời gian trong ngày để đến với các hộ chăn nuôi.

Điểm đáng ghi nhận trong đợt tiêm phòng ở các huyện, thành phố trong tỉnh là sự chủ động, tích cực của người chăn nuôi trong phòng ngừa dịch bệnh. Thực tế tại một số hộ chăn nuôi gia trại, trang trại, chúng tôi được biết, ngay sau khi tái đàn vật nuôi, việc đầu tiên các hộ chăn nuôi thực hiện là bảo đảm vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng bệnh. 

Bà Đào Thị Thúy (xã Vũ Lễ, huyện Kiến Xương) cho biết: Khi có kế hoạch nhập đàn gia cầm mới để gây nuôi sau tết, chúng tôi đã đăng ký số lượng vắc-xin phòng cúm, phòng tụ huyết trùng với đơn vị cung ứng vắc-xin. Đàn gia cầm mới nhập về tôi dành riêng một khu chuồng để cách ly, theo dõi và tiến hành tiêm vắc-xin phòng bệnh theo đúng quy trình. Không chờ đợi để được hỗ trợ mà bỏ qua thời điểm thuận lợi phòng bệnh cho vật nuôi, không tiết kiệm chi phí trong khâu phòng ngừa dịch bệnh, đây chính là cách làm đúng để bảo đảm tính hiệu quả và kịp thời trong phòng bệnh cho vật nuôi, bảo vệ tài sản cho chính nông hộ.  

Tiêm vắc-xin là biện pháp quan trọng phòng bệnh cho đàn vật nuôi.

Ông Nguyễn Thành Nhương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, muốn nâng cao hiệu quả phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, trước tiên, công tác tiêm phòng phải đạt yêu cầu: vắc-xin bảo đảm chất lượng, tiêm đúng kỹ thuật, tiêm đủ liều lượng; người chăn nuôi, chính quyền địa phương, lực lượng thú y phải có sự kết hợp chặt chẽ để quá trình tiêm phòng đáp ứng yêu cầu, kịp thời. Song song với đó, phải tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi một cách thường xuyên, cung cấp thức ăn, nước uống sạch cho vật nuôi, giám sát sức khỏe và sinh trưởng của vật nuôi trong mọi giai đoạn.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, những tháng đầu năm nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã triển khai tập huấn về công tác thú y, tập trung vào kỹ thuật tiêm phòng, kiến thức phòng, chống dịch bệnh vật nuôi cho hệ thống cán bộ thú y cơ sở trong toàn tỉnh. 

Cũng trong thời điểm này, ngành thú y đã phân công cán bộ chuyên môn xuống cơ sở hỗ trợ công tác phòng bệnh, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm cho người chăn nuôi; thường xuyên cập nhật thông tin mới về thú y cho cán bộ chuyên môn và nhân dân.

Khánh Hà