Thứ 7, 23/11/2024, 04:02[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội: Nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt

Thứ 4, 05/04/2017 | 16:23:36
1,030 lượt xem
Sáng 5-4, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã chủ trì Hội nghị giao ban quý I Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống nông dân”.

Toàn cảnh Hội nghị.

Theo báo cáo, đến hết quý I, toàn thành phố có 2 huyện (Đan Phượng, Đông Anh) và 255/386 xã đạt chuẩn NTM. Hai huyện (Thanh Trì và Hoài Đức) đang hoàn thiện thủ tục hồ sơ theo Quyết định số 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để trình Trung ương công nhận đạt chuẩn NTM. Trong số 131 xã còn lại, có 88 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 42 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, chỉ còn xã Ba Vì (huyện Ba Vì) đạt và cơ bản đạt 8 tiêu chí.

Liên quan đến nâng cao đời sống nông dân, toàn thành phố còn 44.412 hộ nghèo, trong đó khu vực nông thôn có 40.494 hộ nghèo. Một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp như: Đông Anh (1,24%), Gia Lâm (1,46%), Đan Phượng (2,42%), Thanh Trì (2,54%)... Nhìn chung, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/năm, đa số người dân có nhà kiên cố; 100% trạm y tế xã có bác sỹ công tác tại trạm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở một số huyện khá cao như: Đan Phượng (80%), Phúc Thọ (80,2%), Phú Xuyên (75%), Chương Mỹ (76%)… Hơn 91% số hộ gia đình có vô tuyến truyền hình, hầu hết các hộ có điện thoại liên lạc.

Tổng kinh phí thành phố đã huy động đầu tư cho nông thôn mới đến nay là gần 14.865 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn ngân sách thành phố hơn 7.191 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện hơn 6.085 tỷ đồng, ngân sách xã hơn 411 tỷ đồng, huy động ngoài ngân sách gần 1.177 tỷ đồng...

Kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận, các huyện, thị xã đã bám sát chỉ đạo của thành phố, đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp, hoàn thành kế hoạch sản xuất vụ xuân. Các địa phương đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chất lượng, hiệu quả. Dù dịch cúm gia cầm diễn ra ở nhiều địa phương nhưng địa bàn Hà Nội đã không để xảy ra dịch bệnh. Về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, đến nay, toàn thành phố đã đạt 98%, cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. Đây là sự nỗ lực lớn của Sở Tài nguyên và Môi trường...

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng chỉ rõ những tồn tại trong thực hiện Chương trình 02. Cụ thể, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; hạ tầng nông thôn được đầu tư nhưng chưa đồng bộ; thu nhập của người dân nhiều huyện ngoại thành thấp; còn 5 huyện chưa thực hiện xong dồn điền đổi thửa…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chỉ đạo, trong quý II, Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển sản xuất đi đôi với xây dựng thương hiệu hàng nông sản của Thủ đô. Sở NN&PTNT xây dựng một điểm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp thành phố và các huyện xây dựng điểm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp huyện. Bên cạnh đó, các xã đã đạt chuẩn NTM cần tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt; 51 xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2017 (đặc biệt là ở 22 xã theo chỉ tiêu thành phố giao) cần hoàn thành các tiêu chí theo kế hoạch.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy lưu ý, các huyện giáp ranh với nội thành đang có xu hướng phát triển đô thị như: Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Oai và các vùng được quy hoạch là đô thị vệ tinh khi rà soát lại quy hoạch NTM phải phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đồng ý với đề xuất của Sở Tài chính về huy động đa dạng các nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM.

Theo hanoimoi.com.vn