Thứ 7, 23/11/2024, 03:08[GMT+7]

Thiết lập “lá chắn” bảo vệ đàn vật nuôi

Thứ 2, 10/04/2017 | 08:22:41
1,438 lượt xem
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do diễn biến thời tiết phức tạp nhưng trong những ngày qua, công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi đợt 1 năm 2017 tại các địa phương trên địa bàn tỉnh được thực hiện nghiêm túc, triệt để, ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi.

Phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại trạm kiểm dịch động vật cầu Nghìn (Quỳnh Phụ).

Những tháng đầu năm là dịp diễn ra nhiều lễ hội, nhu cầu tiêu thụ, vận chuyển động vật, các sản phẩm từ động vật tăng mạnh, cộng với điều kiện thời tiết thuận lợi cho vi rút, vi khuẩn gây bệnh phát triển. Mặt khác, tình hình dịch cúm gia cầm bùng phát ở một số địa phương như Nam Định, Cao Bằng, Cần Thơ, Quảng Ngãi… nên nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm lây lan là rất cao. 

Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, lây lan trên địa bàn tỉnh, bảo vệ sản xuất, sức khỏe nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, UBND tỉnh đã phát động tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt 1 năm 2017 trên địa bàn toàn tỉnh từ ngày 1/3 đến ngày 31/3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến toàn thể nhân dân thấy được tính chất đặc biệt nguy hiểm của dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Cùng với đó, Sở huy động các nguồn lực của địa phương để hỗ trợ các xã, phường, thị trấn và hộ chăn nuôi tổ chức thực hiện. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường cán bộ bám sát địa bàn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật tiêu độc, khử trùng để bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người, động vật và phương tiện.

Có quốc lộ chạy qua nên việc vận chuyển gia súc, gia cầm qua địa bàn huyện Quỳnh Phụ tiêu thụ và ngược lại rất lớn và phức tạp. Hiện toàn huyện có 149.680 con gia súc, 1.855.300 con gia cầm. 

Ông Vũ Minh Hải, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cho biết: Huyện đã tích cực tuyên truyền đến các xã, thị trấn về tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; sử dụng gần 90 tấn vôi bột, 2.597 lít hóa chất để tiêu độc, khử trùng tại các vùng chăn nuôi tập trung, các trang trại, gia trại lớn, nơi công cộng, các tuyến đường giao thông, khu chôn lấp rác thải… Đồng thời, tổ chức dọn vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh. Nhìn chung, công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên địa bàn huyện được thực hiện quyết liệt, nhất là tại các xã giáp ranh với thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương.

Là xã có bến đò ngang nối với huyện Ninh Giang (Hải Dương), An Khê (Quỳnh Phụ) luôn chủ động thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng. 

Ông Đỗ Thanh Quý, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã đã sử dụng 107 lít hóa chất, 1,5 tấn vôi bột, thành lập từng đội để thực hiện phun vệ sinh tiêu độc, khử trùng, lập chốt kiểm soát tại bến đò, từng thôn tổ chức kiểm tra, ký cam kết với các chủ bến đò, các hộ buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm. Đến thời điểm này, xã đã hoàn thành phun và rắc vôi bột ở những nơi chăn nuôi và buôn bán gia súc, gia cầm, bến đò… 

Bà Lại Thị Nhàn ở xã An Khê cho biết: Nhiều năm chăn nuôi gà đã cho tôi nhiều kinh nghiệm, khi thời tiết diễn biến phức tạp, mưa phùn, độ ẩm không khí cao làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, đồng thời là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh phát triển nên nguy cơ phát sinh dịch bệnh rất cao. Để bảo vệ đàn vật nuôi, tôi tự mua thuốc khử trùng về để phun toàn bộ chuồng trại mỗi tuần một lần. Ngoài ra, tôi còn thường xuyên quét dọn sạch sẽ trong và xung quanh chuồng nuôi, thu gom phân, rác thải, chất độn chuồng để đốt; rắc vôi bột ở lối đi. Việc thực hiện tốt vệ sinh, tiêu độc, khử trùng kèm theo bổ sung chế độ ăn hợp lý đã giúp đàn vật nuôi của bà Nhàn từ nhiều năm luôn phát triển tốt, không lây nhiễm dịch bệnh.

Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng nhằm phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân và các hộ chăn nuôi. Người chăn nuôi đã nhận thức được vệ sinh, tiêu độc, khử trùng là nhiệm vụ thường xuyên, xuất phát từ lợi ích của chính mình để tự giác thực hiện, góp phần bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi và sức khỏe của cả cộng đồng.

Khánh Hà