Thứ 7, 23/11/2024, 09:02[GMT+7]

Đông Phương: Hiệu quả mô hình tích tụ ruộng đất

Thứ 2, 10/04/2017 | 09:05:04
2,233 lượt xem
Nhìn những cánh đồng rộng lớn của xã Đông Phương (Đông Hưng) được phủ xanh bởi các luống ớt sai trĩu quả hay các luống bí đang lên xanh, ít ai biết, vài năm trước nơi đây chỉ là những ruộng cấy lúa kém hiệu quả, không ai muốn canh tác.

Những người nông dân này trở thành công nhân trên đồng ruộng nhờ tích tụ ruộng đất.

Trong khi nhiều địa phương đến nay mới triển khai tích tụ ruộng đất theo chủ trương của tỉnh thì tại Đông Phương việc tích tụ ruộng đất đã được thực hiện từ nhiều năm nay. 

Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng trồng bí rộng trên 2ha và 2 cánh đồng trồng ớt xuất khẩu rộng 7,6ha sắp đến kỳ thu hoạch, có hệ thống kênh tưới, tiêu bảo đảm, đường nội đồng bao quanh, ông Lưu Văn Thúy, Giám đốc HTX DVNN xã Đông Phương cho biết: Những diện tích này trước đây bà con cấy lúa không hiệu quả trả lại cho xã, HTX đã mạnh dạn thuê lại để làm các mô hình thí điểm trồng lúa chất lượng cao và rau màu chuyển giao cho bà con nông dân. Song nhân lực và vật lực đều thiếu nên sau vài năm Ban Giám đốc đã mời gọi các doanh nghiệp vào thuê đất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn. Thay vì chỉ chờ đến kỳ thu hoạch về thu mua nông sản như trước, năm 2011, Công ty Cổ phần Chế biến nông sản Hải Dương đã thuê trên 2ha đất nông nghiệp của xã Đông Phương với mức giá 50kg thóc/sào/vụ để trồng bí và một số loại rau màu có giá trị kinh tế cao. HTX đứng ra ký kết với doanh nghiệp, đồng thời cung cấp nước cho doanh nghiệp sản xuất. Giống, kỹ thuật doanh nghiệp cử cán bộ về phụ trách, còn lao động làm đất, trồng, chăm sóc rau màu thuê tại địa phương. Những ngày chăm sóc, doanh nghiệp thuê 10 lao động, đến kỳ làm đất và thu hoạch thì tăng lên 20 lao động. 

Bà Nguyễn Thị Tình ở thôn Trần Phú, xã Đông Phương cho biết: Trước đây, khi doanh nghiệp chưa vào thuê đất sản xuất nông nghiệp những người có tuổi như chúng tôi khó kiếm việc làm thêm lúc nông nhàn nên đời sống khó khăn. Tôi được doanh nghiệp thuê vào làm từ năm 2011 với thu nhập 90.000 đồng/ngày và được giao làm tổ trưởng tổ sản xuất. Không có sức khỏe để vào làm tại nhà máy, xí nghiệp nhưng chúng tôi rất mừng vì trở thành những công nhân trên đồng ruộng. Chúng tôi mong Công ty chuyển giao kỹ thuật để chăm sóc rau màu tốt hơn, đồng thời tăng lương để chúng tôi yên tâm làm việc.

Mô hình trồng ớt xuất khẩu của Công ty Nông nghiệp thông minh Hà Nội.

Sau khi thuê đất sản xuất nông nghiệp hàng hóa thành công ở một số tỉnh, thành phố, năm 2016, Công ty Nông nghiệp thông minh Hà Nội tiếp tục thuê 7,6ha đất nông nghiệp của xã Đông Phương tổ chức trồng ớt để xuất khẩu sang thị trường Malaysia và Singapore. 

Ông Đinh Hoàng Thoại, đại diện Công ty tại Thái Bình cho biết: Một vụ trồng ớt cho thu hoạch tới 10 lứa, năng suất 1 tấn quả/sào/lứa. Bình thường Công ty thuê khoảng 10 lao động làm đất, trồng và chăm sóc ớt nhưng tới vụ thu hoạch, chế biến phải thuê tới 80 lao động trong thời gian 2 tháng trả công 90.000 đồng/người/ngày. Chỉ nửa tháng nữa là ớt cho thu hoạch, Công ty không lo thiếu người làm vì lao động nông nhàn ở địa phương nhiều song Công ty lại lo đất của địa phương là đất thịt khó sản xuất, chưa có kho lạnh bảo quản nông sản trong mùa thu hoạch.

Nếu trước đây, những mảnh ruộng này chỉ cho thu hoạch vài chục ki-lô-gam thóc/sào với giá bán như hiện nay cũng chỉ được vài trăm nghìn, trừ chi phí sản xuất không có lãi. Cho doanh nghiệp thuê với giá 50kg thóc/sào/vụ lãi hơn cả tự trồng lúa, nông dân lại có thêm thu nhập khi làm việc cho doanh nghiệp. Cũng trên những thửa ruộng đó, doanh nghiệp đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất quy mô lớn, tạo ra sản phẩm nông sản năng suất, chất lượng cao, mỗi năm thu về hàng tỷ đồng.

Mới chỉ có hai mô hình tích tụ cho doanh nghiệp thuê đất sản xuất nông nghiệp hàng hóa nhưng đã giúp Đông Phương “hồi sinh” 10ha đất cấy lúa kém hiệu quả, tạo việc làm cho hàng chục lao động nông nhàn, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. 

Để thu hút thêm nhiều tập thể, cá nhân, doanh nghiệp vào thuê ruộng đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn cũng là để thực hiện chủ trương của tỉnh về tích tụ ruộng đất, Đông Phương đã tổ chức họp với các hộ xã viên, phấn đấu tích tụ 100ha. Đa số xã viên nhất trí cao với chủ trương tích tụ ruộng với đất với giá 50kg thóc/sào/năm và thuê họ vào làm công nhân nếu có nhu cầu.

Thu Hiền