Chủ nhật, 22/12/2024, 00:56[GMT+7]

Vũ Thư: Nông dân khổ vì chuột

Thứ 4, 12/04/2017 | 08:10:27
2,988 lượt xem
Hàng chục héc-ta lúa xuân của huyện Vũ Thư có nguy cơ thất thu hoặc giảm năng suất do tình trạng chuột phá hoại mạnh. Hiện nay, các địa phương đang tập trung tuyên truyền, chỉ đạo bà con nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, thực hiện các biện pháp để bảo vệ lúa xuân không để chuột phá hoại.

Nông dân xã Song An quây nilon quanh ruộng nhưng chuột vẫn vào cắn phá lúa.

Vụ xuân năm 2017, gia đình bà Bùi Thị Trâm, thôn Khê Kiều, xã Minh Khai (Vũ Thư) gieo cấy hơn 5 sào lúa, hiện lúa trong thời kỳ đẻ nhánh rộ. Kiểm tra đồng ruộng thường xuyên, bà Trâm phát hiện những ngày gần đây, diện tích lúa của gia đình bị chuột cắn phá mạnh, rải rác thành từng chòm từ 1 - 3m2. Những cây lúa bị chuột cắn sát gốc, khả năng phục hồi khó hoặc không thể. Để đối phó với nạn chuột, bà mua nilon quây xung quanh ruộng. 

Bà Trâm chia sẻ: Trước đó, từ đầu vụ, gia đình tôi đã rải thuốc diệt chuột, đặt bẫy thủ công nhưng không hiệu quả. Hiện nay, vì nạn chuột hoành hành mạnh, gia đình tôi tốn gần 400.000 đồng để mua nilon, cọc tre và mất 2 ngày công mới quây xong 3 thửa ruộng. Tuy mất chi phí và công sức đầu tư vậy nhưng cũng chỉ hạn chế một phần nhỏ tình trạng chuột phá hoại. Nếu chuột cứ cắn phá thế này, năng suất lúa xuân sẽ giảm hẳn.

Nông dân xã Minh Khai quây nilon quanh ruộng để hạn chế chuột cắn phá.

Không riêng gia đình bà Trâm mà hầu hết nông dân xã Minh Khai đang phải đối phó với tình trạng chuột cắn phá lúa mạnh. Nổi bật nhất trên các cánh đồng không phải màu xanh của lúa mà là màu trắng của nilon được giăng thành từng ô, từng đường, bà con còn cắm nêu, “cờ nilon” giữa ruộng để xua đuổi chuột. 

Ông Phạm Văn Thứ, Giám đốc HTXNN xã Minh Khai cho biết: Từ đầu vụ xuân đến nay, xã đã tổ chức 2 lượt đánh chuột đồng loạt với 25kg thuốc diệt chuột trộn với trên 1 tấn thóc mồi. Để tăng hiệu quả đánh chuột, HTX cấp phát mồi diệt chuột cho từng hộ gia đình, hướng dẫn bà con đặt mồi ở vị trí chuột thường cắn phá tại ruộng. Ngoài đánh bả, HTXNN xã thường xuyên phát động bà con đặt bẫy, đánh bắt thủ công… Nhiều hộ tích cực thực hiện, nhưng phần đông nông dân chưa quan tâm đánh bắt chuột vì vậy lượng chuột diệt được không đáng kể. Hơn nữa trước kia, bà con thường xuyên cắt cỏ bờ, vệ sinh đồng ruộng nên chuột ít chỗ trú ngụ, nhưng hiện nay bờ vùng, bờ thửa đào đắp to, cỏ dại mọc um tùm, rất thuận lợi cho chuột sinh sôi, phát triển. Hầu như xứ đồng nào cũng bị chuột phá hoại, trong đó nặng nhất là diện tích lúa tốt sớm, lúa ở các xứ đồng, thửa ruộng nằm gần nghĩa trang, giáp bờ sông, bờ cỏ rậm rạp.

Cùng với Minh Khai, nông dân các địa phương ở Vũ Thư cũng đang gặp khó khăn trong việc ngăn ngừa, diệt chuột bảo vệ lúa xuân. Vụ xuân này, toàn huyện gieo cấy 8.000ha lúa, thời tiết thuận lợi nên lúa xuân phát triển tốt. Đến thời điểm hiện tại, các loại sâu bệnh phát sinh gây hại lúa ít hơn so với năm ngoái, tuy nhiên, tình trạng chuột cắn phá lúa xuân lại diễn ra trên diện rộng và gây thiệt hại nặng hơn so với các năm. Do chuột cắn phá rải rác, thành từng chòm, từng đám trong ruộng nên các địa phương khó thống kê nhưng ước tính, tổng diện tích lúa bị chuột cắn phá nặng toàn huyện khoảng vài chục héc-ta, trong đó một số HTXNN có tình trạng chuột phá hoại nặng nề như Song An, Minh Khai, Việt Hùng, Trung An, Nguyên Xá.

Ông Trần Văn Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Thực tế sau khi huyện chuyển lượng thuốc diệt chuột do tỉnh hỗ trợ về, từ đầu vụ xuân, các HTXNN đều tổ chức đánh chuột đồng loạt nhiều đợt khá hiệu quả. Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào đánh chuột của HTXNN thì chưa thấm gì so với lượng chuột thực tế ngoài đồng ruộng. Một số HTXNN đã quan tâm đến công tác diệt chuột, thậm chí tổ chức thu mua chuột để động viên bà con đánh bắt, nhưng còn nhiều HTX chưa quan tâm vấn đề này. Nếu không đánh chuột đồng loạt, chỗ đánh, chỗ không thì cũng chỉ như bắt cóc bỏ đĩa. Để bảo đảm  an toàn lúa xuân, góp phần thực hiện mục tiêu năng suất lúa đạt 71 tạ/ha trở lên, từ nay đến cuối vụ, huyện chỉ đạo các địa phương tiếp tục tăng cường công tác diệt chuột. Song song với sự vào cuộc tích cực của HTXNN, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ ven mương, bờ vùng, bờ thửa để hạn chế nơi cư trú của chuột; phát động bà con đánh bắt chuột bằng biện pháp thủ công như: đào hang, đổ nước bắt chuột, xông khói, kết hợp với sử dụng chó và sử dụng các loại bẫy. Đặc biệt tuyên truyền công tác diệt chuột nhằm nâng cao ý thức của người dân hiểu việc diệt chuột phải đồng loạt, thường xuyên mới có hiệu quả.

Cũng theo ông Trần Văn Hưng, việc nông dân sử dụng nilon quây xung quanh ruộng để ngăn ngừa chuột như hiện nay là chưa triệt để vì chuột vẫn tìm cách để vào ruộng gây hại, hơn nữa, chi phí đầu tư mua nilon ngăn chuột tối thiểu là 50.000 đồng/sào gây tốn kém lớn mà hiệu quả chưa cao. Ngoài ra, ở vào giai đoạn lúa phát triển mạnh, phần lúa ven ruộng có quây nilon thường là nơi khu trú, phát sinh các loại sâu bệnh. Vì vậy, thay vì quây nilon, nông dân tăng cường tổ chức đánh bắt, diệt chuột đồng loạt sẽ nâng cao hiệu quả công tác diệt chuột, bảo vệ an toàn sản xuất.

Ông Bùi Quang Thạo, Giám đốc HTXNN Phú Lộc, xã Việt Hùng

HTXNN Phú Lộc có trên 125ha lúa và 77ha cây màu, từ đầu vụ xuân đến nay, chúng tôi tổ chức đặt bả sinh học diệt chuột đồng loạt 3 lần với tổng số trên 600kg thóc ngâm ủ thuốc. Mặc dù vậy, lượng chuột trên đồng ruộng vẫn còn nhiều và thường cắn phá rải rác ở hầu khắp các diện tích lúa. Hiện nay, chúng tôi thu của bà con 0,5kg thóc/sào để đầu tư cho công tác diệt chuột, tôi nghĩ với phần kinh phí quá ít như thế thì rất khó diệt chuột hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều nông dân chưa nhận thức đúng, sẵn sàng đầu tư 50.000 đồng/sào/vụ để mua nilon ngăn chuột chứ không đầu tư diệt chuột triệt để, vì vậy chuột vẫn hoành hành.

Bà Nguyễn Thị Thọ, thôn Quý Sơn, xã Song An

Gia đình tôi có 1 mẫu cấy lúa Nhật ở cánh đồng Quý Sơn. Để diệt chuột, ngày nào tôi cũng đặt khoảng 40 cái bẫy ở xung quanh ruộng, có ngày được 3 - 5 con, có ngày không được con nào. Ngoài ra, tôi ngâm ủ thóc với thuốc để diệt nhưng chuột vẫn phá hoại mạnh nên tôi buộc phải đầu tư gần 500.000 đồng để mua nilon quây kín quanh ruộng. Thế nhưng, hiện nay chuột vẫn cắn phá nham nhở ruộng lúa, mất khoảng 20% diện tích, tôi rất xót xa.

Ông Nguyễn Văn Lô, nông dân HTXNN Tân Phong, xã Việt Hùng

Để ngăn chuột, vào buổi tối, tôi cùng mấy anh em trong xóm rủ nhau soi đèn pin và dùng gậy để đuổi, đập chuột, tuy vất vả nhưng tôi thấy khá hiệu quả, diệt được khá nhiều chuột. Ngoài ra, gia đình tôi kiên trì dùng cạm đặt ở các bờ ngăn, cũng diệt thêm được một số chuột. Tuy vậy, ruộng của gia đình tôi gần khu nghĩa trang nên quá nhiều chuột. Tôi đề nghị tỉnh, huyện, xã phải có biện pháp hiệu quả hơn để diệt chuột, nếu không nông dân sẽ thiệt hại nặng nề.



Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày