Thứ 7, 23/11/2024, 08:34[GMT+7]

Thủ tướng Sri Lanka và Phu nhân thăm chính thức Việt Nam

Thứ 2, 17/04/2017 | 10:23:12
1,203 lượt xem
Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe và Phu nhân bắt đầu thăm chính thức Việt Nam từ ngày 16-19/4 theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe và Phu nhân.

Thành phần Đoàn cấp cao Sri Lanka thăm chính thức Việt Nam gồm có: Ông Mahinda Amaraweera, Bộ trưởng Bộ Nghề cá và Phát triển nguồn lợi thủy hải sản; ông Harin Fernando, Bộ trưởng Bộ Viễn thông và Hạ tầng số; ông Mano Ganeshan, Bộ trưởng Bộ Hợp tác quốc gia, Đối thoại và Ngôn ngữ chính thức; ông Ranjith Aluwihare, thành viên Quốc hội; ông Saman Ekanayake, Thư ký Thủ tướng; bà Chandanie Wijayawardhana, Thứ trưởng Bộ Chiến lược phát triển và Thương mại toàn cầu; bà Hasanthi Urugodawatte Dissanayake, Đại sứ Sri Lanka tại Việt Nam; ông Sudantha Ganegamaaarachchi, Vụ trưởng, Bộ Ngoại giao; ông Saman Athaudahetti, Thư ký Thủ tướng về Truyền thông; ông Sandra Peraraj, Trợ lý đặc biệt của Thủ tướng.

Đất nước Sri Lanka có diện tích 65.610 km2, nằm ở Ấn Độ Dương, có đường biển bao bọc dài 1.340 km, không có biên giới đất liền; số dân hơn 21,1 triệu người; có thể chế Nhà nước theo chế độ Cộng hòa, dân chủ nghị viện với nhiều đảng phái chính trị.

Những năm gần đây, Chính phủ Sri Lanka chủ trương kết hợp hài hòa giữa kinh tế thị trường với sự kiểm soát của Nhà nước nhằm biến lợi thế về mặt địa lý, đưa đất nước trở thành trung tâm khu vực về hàng hải, hàng không, thương mại và tri thức, là cầu nối quan trọng giữa phương Đông và phương Tây.

Về ngoại giao, Sri Lanka coi ngoại giao kinh tế là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, tích cực vận động các định chế tài chính quốc tế cho vay vốn để phát triển đất nước.

Trong quan hệ với Việt Nam, thời gian qua, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp. Hai nước duy trì các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao. Đến nay, hai nước đã thiết lập hai cơ chế hợp tác song phương, gồm cơ chế Ủy ban Hỗn hợp về kinh tế, khoa học và kỹ thuật và cơ chế tham khảo chính trị.

Hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại có bước chuyển biến tích cực, trong đó tỷ lệ tăng trưởng kim ngạch thương mại hai chiều bình quân giai đoạn 2010 - 2016 đạt 34%/năm; riêng năm 2016, kim ngạch thương mại song phương đạt 325,6 triệu USD.

Về đầu tư, hai bên xác định các lĩnh vực khuyến khích đầu tư của Sri Lanka vào Việt Nam, gồm dệt may, cao su, điện, điện tử, chế biến nông sản và thực phẩm, chế tác đá quý và đồ trang sức; các lĩnh vực khuyến khích đầu tư của Việt Nam vào nước bạn gồm viễn thông, chế tạo máy nông nghiệp, nuôi trồng và chế biến thủy sản, thăm dò - khai thác dầu khí, sản xuất đồ nhựa, vật liệu xây dựng.

Tính đến tháng 1/2017, Sri Lanka có 15 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 76,84 triệu USD. Hợp tác trong các lĩnh vực khác, như dầu khí, nông nghiệp, thủy sản, tư pháp và luật pháp quốc tế, giáo dục - đào tạo… có nhiều bước tiến.

Quan hệ hữu nghị, giao lưu nhân dân giữa hai nước tiếp tục khởi sắc. Ngày càng có nhiều khách du lịch Việt Nam quan tâm tìm hiểu và khám phá “hòn ngọc giữa lòng Ấn Độ Dương”, với nhiều dấu tích Phật giáo cổ thiêng liêng và các danh lam thắng cảnh hoang sơ, thơ mộng. Việt Nam và Sri Lanka hợp tác tốt đẹp tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là tại Liên Hợp Quốc.

Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe, lãnh đạo cấp cao hai nước tập trung thảo luận các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt đi vào thực chất, nhất là trong các lĩnh vực mà hai bên quan tâm như thương mại, đầu tư, viễn thông, nuôi trồng và chế biến thủy sản, chế tạo máy và vật liệu xây dựng.

Hai bên cũng sẽ trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Theo nhandan.com.vn