Thứ 7, 23/11/2024, 10:50[GMT+7]

Báo động tình trạng vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên

Thứ 2, 24/04/2017 | 17:27:54
7,680 lượt xem
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra những vụ án do học sinh, sinh viên gây ra, điều này nói lên sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận học sinh, sinh viên hiện nay.

Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh phối hợp với Công ty Honda Việt Nam tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh.

Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hàng chục vụ trộm cắp, cướp giật, tổ chức sử dụng ma túy do học sinh gây ra đã bị các cơ quan chức năng phát hiện. Điển hình như ngày 11/3/2017, 5 em học sinh lớp 9 của Trường THCS Tây Sơn (thành phố Thái Bình) do thiếu tiền chơi game đã rủ nhau dùng xe đạp điện đi cướp giật tài sản trị giá gần 3 triệu đồng; ngày 5/3/2017, một học sinh lớp 10 Trường THPT Tây Thụy Anh (huyện Thái Thụy) cướp giật một điện thoại iphone; ngày 7/2/2017, 3 học sinh Trường THCS xã Hồng Tiến (Kiến Xương) đã trộm cắp 17 điện thoại di động trị giá hàng chục triệu đồng. 

Theo số liệu tổng hợp từ cơ quan công an, từ năm 2010 đến năm 2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra trên 3.000 vụ học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật với 82 vụ phải truy cứu trách nhiệm hình sự, trong đó có những tội đặc biệt nguy hiểm như giết người 6 vụ, cướp, cưỡng đoạt tài sản 23 vụ...

Thượng tá Mai Thế Vinh, Phó trưởng Phòng Bảo vệ nội bộ Công an tỉnh cho biết: Qua công tác điều tra cho thấy có những vụ án nhiều em còn rất nhỏ tuổi nhưng đã tham gia vào các ổ nhóm tội phạm chuyên nghiệp. Nhiều vụ án mâu thuẫn xích mích rất nhỏ nhưng các em hành xử với nhau mang tính chất rất côn đồ, sẵn sàng sử dụng dao, kéo đâm chém nhau... 

Cũng theo Thượng tá Mai Thế Vinh, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc gia tăng tình trạng vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh thời gian qua là do tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, một số chuẩn mực đạo đức, lối sống bị xuống cấp. Cùng với việc phát triển của công nghệ thông tin nhất là mạng internet, trò chơi điện tử mang tính bạo lực, cá cược, các phim, ảnh đồi trụy, phản động... ảnh hưởng đến lối sống, hành vi của học sinh, sinh viên. Mặt khác, công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, kinh doanh dịch vụ văn hóa, thông tin truyền thông còn hạn chế, bất cập, chưa có giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội chưa thường xuyên; các tổ chức đoàn, hội chưa thực sự là chỗ dựa, giúp đỡ học sinh, sinh viên khi gặp hoàn cảnh khó khăn; có gia đình còn buông lỏng quản lý, thiếu gương mẫu là điều kiện phát sinh những vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên. Một số cơ sở giáo dục khi vụ việc xảy ra không tự giải quyết được còn trông chờ vào chính quyền và ngành chức năng; chưa chú trọng công tác quản lý, giáo dục, uốn nắn tư tưởng, đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật của giáo viên, học sinh, sinh viên để sớm phát hiện những biểu hiện tiêu cực dẫn tới vi phạm pháp luật. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với học sinh, sinh viên chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, vẫn còn giấu các vụ việc vi phạm pháp luật của học sinh, sinh viên do ảnh hưởng đến thành tích chung của các cơ sở giáo dục.

Theo bà Trần Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thì công tác bảo đảm an ninh trật tự trong ngành Giáo dục là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên đòi hỏi nhà trường, xã hội cần tăng cường quan tâm. Các nhà trường cần phải xác định công tác phòng ngừa là chính, trong đó phải chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức phù hợp, làm cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên nhận thức rõ tình hình, nhiệm vụ của công tác bảo đảm an ninh trật tự nói chung và an ninh học đường nói riêng. Mặt khác cần đề cao vai trò trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên; tạo điều kiện tốt nhất để cùng nhau dạy tốt, học tốt, đào tạo mỗi học sinh, sinh viên trở thành công dân tốt của xã hội.

Nguyễn Tùng