Thứ 6, 22/11/2024, 05:47[GMT+7]

Phản hồi tích cực từ Thông tư số 22

Thứ 3, 25/04/2017 | 08:34:40
1,692 lượt xem
Sau 2 năm thực hiện Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh tiểu học, tháng 9/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 30. Với nhiều điểm mới, Thông tư số 22 đã nhận được sự phản hồi tích cực từ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và phụ huynh các trường tiểu học.

Tủ sách lớp học của Trường Tiểu học Nam Hà (Tiền Hải).

Thông tư số 22 được ban hành dựa trên những điểm cốt lõi của Thông tư số 30 với nhiều điểm mới tạo thuận lợi cho giáo viên và học sinh trong việc đánh giá và tự đánh giá. Một trong những điểm mới quan trọng nhận được sự đồng tình từ phía giáo viên là giảm bớt gánh nặng sổ sách, trong đó sổ theo dõi chất lượng giáo dục sẽ được thay bằng bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục. Về đánh giá chất lượng học tập của học sinh, thay vì 2 mức đánh giá như Thông tư số 30 là hoàn thành và chưa hoàn thành, Thông tư số 22 có 3 mức đánh giá là: hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành. Thông tư số 22 cũng quy định 3 mức đánh giá về năng lực, phẩm chất là: tốt, đạt và cần cố gắng. Một điểm thay đổi quan trọng nữa trong Thông tư số 22 là quy định thêm về các bài kiểm tra định kỳ giữa các kỳ học cho khối lớp 4 và lớp 5 đối với môn tiếng Việt và môn Toán nhằm giúp giáo viên và phụ huynh có thêm thông tin về quá trình học tập của học sinh, đồng thời giúp học sinh làm quen dần với cách thức kiểm tra đánh giá của bậc học tiếp theo.

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Thông tư số 22 được áp dụng tại tất cả các trường tiểu học trong tỉnh từ ngày 6/11/2016. Trước đó, bên cạnh việc tập huấn cho cán bộ, giáo viên, Sở đã yêu cầu các đơn vị thành lập các tổ cốt cán để tư vấn, hỗ trợ giáo viên nắm chắc nội dung Thông tư. Bên cạnh đó, chỉ đạo hiệu trưởng các trường thực hiện nghiêm việc ra đề, coi kiểm tra, chấm bài kiểm tra bảo đảm khách quan, công bằng, phản ánh đúng chất lượng học sinh. Sau một thời gian áp dụng, Thông tư đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh trong tỉnh. Việc thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư mới cho phép giáo viên, cán bộ quản lý, phụ huynh học sinh xác định được mức độ hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh để có giải pháp kịp thời giúp đỡ các em khắc phục hạn chế, phát huy những điểm tích cực. Từ đó, giúp học sinh nhận ra thiếu hụt so với chuẩn kiến thức, kỹ năng hay yêu cầu, mục tiêu bài học để giáo viên, học sinh cùng điều chỉnh hoạt động dạy và học. Bên cạnh đó, phụ huynh sẽ nắm bắt rõ về mức độ đạt được của con mình. 

Đây cũng là chia sẻ chung của rất nhiều phụ huynh khi Thông tư số 22 được áp dụng. Chị Hoàng Thị Mai, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình chia sẻ: Con tôi năm nay học lớp 4, việc đánh giá con bằng điểm số qua bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ khiến tôi hiểu rõ hơn về quá trình học tập của con mình, từ đó có những hình thức giáo dục mới tại nhà cho con.

Tại huyện Thái Thụy, do làm tốt khâu tuyên truyền bằng nhiều hình thức nên phần lớn cán bộ, giáo viên và người dân đã hiểu rõ, thấy được tính nhân văn, hiệu quả của Thông tư số 22. 

Ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Thay đổi căn bản của Thông tư số 22 là đã trao quyền chủ động đánh giá học sinh cho giáo viên trên cơ sở đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, đánh giá định kỳ bằng điểm số kết hợp với nhận xét. Chúng tôi tin tưởng thông tư này sẽ tạo một luồng gió mới trong giáo dục tiểu học. Việc đánh giá thường xuyên của giáo viên có nhiều tác động tích cực đến việc hình thành và phát triển nhân cách của học sinh. Đặc biệt, không so sánh học sinh này với học sinh khác, không gây áp lực nặng nề cho học sinh, giáo viên và phụ huynh. 

Thầy giáo Hoàng Đức Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thụy Hồng (Thái Thụy) chia sẻ: Chúng tôi rất phấn khởi khi Thông tư số 22 ra đời đã giảm được áp lực về làm sổ sách. Việc làm này sẽ giúp giáo viên có thêm thời gian để chuẩn bị bài giảng và chăm sóc học sinh tốt hơn. Tuy nhiên, thầy giáo Nghĩa cũng cho biết thêm về việc chưa thống nhất cách sử dụng học bạ và bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục gây khó khăn cho công tác quản lý.

Thực hiện hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học kỳ II và cuối năm học, các trường sẽ đánh giá học sinh theo nội dung Thông tư số 22, trong đó, bài kiểm tra môn Toán, tiếng Việt giữa học kỳ và cuối học kỳ của học sinh lớp 4, lớp 5 được đánh giá bằng điểm số bởi lớp 4, lớp 5 là các lớp cuối cấp tiểu học có yêu cầu kiến thức, kỹ năng cơ bản ở mức sâu hơn, khái quát hơn. Quan trọng hơn, tạo điều kiện cho học sinh quen dần với cách kiểm tra đánh giá ở cấp trung học cơ sở và các cấp học cao hơn. 

Năm học 2016 - 2017 đang bước vào chặng nước rút đối với giáo viên và học sinh, cũng là năm học đầu tiên thực hiện đánh giá bằng Thông tư số 22. Hy vọng, Thông tư số 22 sẽ là cơ sở để đem lại sự đánh giá khách quan, trung thực đối với mỗi học sinh sau một năm học.

Đặng Anh