Thứ 6, 22/11/2024, 20:16[GMT+7]

Người nữ quản trang tận tình

Thứ 6, 28/04/2017 | 18:58:44
1,818 lượt xem
9 năm qua, bất kể mưa hay nắng có một cựu chiến binh vẫn ngày ngày cần mẫn trông nom, quét dọn, hương khói cho các đồng đội tại nghĩa trang liệt sĩ khu Nam huyện Tiền Hải, đó là bà Trương Thị Lá ở thôn Trung Đồng, xã Nam Trung (Tiền Hải).

Mặc dù đã hơn 65 tuổi, với dáng người nhỏ nhắn nhưng bà Lá vẫn giữ được tác phong nhanh nhẹn của người lính thông tin năm xưa. 

Trong khuôn viên trang trọng, xung quanh là bồn cây xanh tốt, lối vào sạch sẽ của nghĩa trang liệt sĩ, bà Lá chia sẻ: Bà nhập ngũ năm 1972, là lính thông tin thuộc Sư đoàn 272, Tiểu đoàn 226, Đại đội 24, tham gia chiến trường Lào, thuộc đường dây 559. Trong kháng chiến chống Mỹ đường dây thông tin là cầu nối quan trọng nên luôn là mục tiêu đánh phá hàng đầu của địch. Những người lính thông tin thường xuyên phải khắc phục sự cố đường dây, dò sóng liên lạc vô tuyến điện để những mệnh lệnh đặc biệt, hỏa tốc từ đơn vị chỉ huy ra tiền tuyến được bảo đảm tốt nhất. Chính vì thế, dù khó khăn đến mấy bà Lá cùng đồng đội cũng quyết tâm hoàn thành bằng mọi giá để góp phần làm nên những chiến công vang dội của đồng đội trên các mặt trận. 

Trải qua gian khổ trong chiến tranh, bà Lá hiểu được giá trị của hòa bình, sự hy sinh anh dũng của đồng đội là điều thiêng liêng bất diệt. Ngay khi trở về quê hương bà Lá vẫn canh cánh nỗi niềm được cống hiến cho công cuộc xây dựng quê hương, đất nước. 

Nói về lý do nhận trông coi và chăm sóc phần mộ liệt sĩ, bà Lá cho biết: Mặc dù mang trong mình chất độc da cam, sức khỏe giảm sút nhưng việc trông coi nghĩa trang liệt sĩ như là một định mệnh đối với tôi. Những đêm trái gió trở trời, trong mơ hình ảnh đồng đội kiên cường trước mưa bom, bão đạn của kẻ thù, những giọt nước mắt và cả niềm vui chiến thắng vẫn trở về trong tâm thức. 

Năm 2009, bà Lá nghỉ chế độ về quê tiếp nhận công việc trông coi nghĩa trang liệt sĩ từ người mẹ đã già yếu. Khi nhận việc, bà chỉ mong góp một phần công sức nhỏ bé của mình để tri ân đối với những người đồng đội đã không tiếc máu xương giành độc lập cho dân tộc. Vào những ngày lễ, chính quyền và nhân dân các địa phương đến thắp hương đều cảm động trước sự chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ tận tình, chu đáo của bà Lá. Đặc biệt, những thân nhân, đồng đội của các liệt sĩ đều cảm thấy ấm lòng hơn khi thấy phần mộ người thân của mình được sạch đẹp, hương khói chu đáo. 

Bằng việc làm thiết thực, bà Trương Thị Lá được chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận, là tấm gương sáng của người lính Cụ Hồ trong thời bình.




Ông Lê Trung Sơn, Chủ tịch Hội CCB xã Nam Trung

Bà Trương Thị Lá là hội viên CCB, gia đình có truyền thống cách mạng, luôn gương mẫu chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Khi được giao trông coi, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ khu Nam của huyện Tiền Hải, bà Lá đã phát huy truyền thống, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tiếp tục cống hiến sức lực chăm sóc phần mộ các anh hùng liệt sĩ với lòng tri ân, thành kính.


Bà Đặng Thị Sợi, thôn Ái Quốc, xã Nam Trung

Chồng tôi là liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, hiện nay phần mộ được quy tập tại nghĩa trang liệt sĩ khu Nam Tiền Hải. Chứng kiến việc làm của bà Trương Thị Lá khi được giao chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ đã không đòi hỏi quyền lợi, coi đây như một sự tri ân đối với những đồng đội đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc, gia đình tôi rất yên tâm, mong chính quyền các cấp quan tâm hơn nữa đối với bà Lá và hỗ trợ kinh phí để tu bổ nghĩa trang bảo đảm sạch đẹp, tôn nghiêm, bề thế.



Ông Nguyễn Mạnh Cần, thôn Trung Đồng, xã Nam Trung

Tôi thấy việc làm của bà Trương Thị Lá rất thiết thực, hàng ngày vẫn nhang khói, lau chùi từng tấm bia mộ và dọn cỏ trong khuôn viên liệt sĩ. Ngoài ra, trong nhiều năm qua bà Lá rất tích cực tham gia công tác xã hội, đặc biệt là các phong trào của Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã. Là cá nhân tiêu biểu trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không đổ rác thải ra đường, tham gia vệ sinh đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, được bà con trong thôn yêu mến.



Hồng Hạnh