Thứ 2, 23/12/2024, 22:27[GMT+7]

Ngân hàng Thái Bình cùng nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững

Thứ 5, 04/05/2017 | 09:14:11
2,121 lượt xem
Nhân kỷ niệm 66 năm ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam (6/5/1951 - 6/5/2017), phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với ông Đinh Ngọc Thạch, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Thái Bình về những đóng góp tích cực của ngành Ngân hàng trong việc đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, năm 2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Phóng viên: Xin ông cho biết một số kết quả đầu tư tín dụng của ngành góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh?

Ông Đinh Ngọc Thạch: Bám sát chỉ đạo của NHNN Việt Nam, mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, thời gian qua, hệ thống Ngân hàng Thái Bình đã tích cực đầu tư cho vay, góp phần quan trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Đến ngày 31/3/2017, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 52.805 tỷ đồng, tăng 2,6% so với 31/12/2016, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2016. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng góp phần quan trọng giúp cho nhiều doanh nghiệp, cá nhân, hộ sản xuất trên địa bàn tháo gỡ khó khăn, mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. 

Cụ thể, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55 của Chính phủ đạt 13.066 tỷ đồng, chiếm 34,6% tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn với hơn 118.000 khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay hộ nghèo, học sinh sinh viên, cho vay nước sạch, vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động đạt 2.495 tỷ đồng, chiếm 6,6%.

Phóng viên: Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn do tỉnh tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh vai trò của ngành Ngân hàng tạo thành một mắt xích trong chuỗi liên kết khép kín “5 nhà”. Vậy xin ông cho biết thời gian qua ngành Ngân hàng đã triển khai thực hiện những giải pháp gì trong đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn?

Ông Đinh Ngọc Thạch: Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã tích cực cho vay các chương trình tín dụng ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN Việt Nam, của tỉnh như: cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên, cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, cho vay hỗ trợ nhà ở, cho vay nước sạch nông thôn, cho vay chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp... Đến ngày 31/3/2017, dư nợ cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên với lãi suất thấp đạt 8.650 tỷ đồng với 68.900 khách hàng còn dư nợ, chiếm 22,9% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn; cho vay hỗ trợ nhà ở đối với 698 khách hàng, dư nợ cho vay đạt 178 tỷ đồng; cho vay 22 dự án nước sạch nông thôn theo Quyết định số 19 của UBND tỉnh với tổng số tiền cam kết 292 tỷ đồng, đã giải ngân 245 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 198 tỷ đồng. Đối với cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định số 67 của Chính phủ, toàn ngành quyết liệt triển khai thực hiện, chủ động tiếp cận cho vay 8 chủ tàu với số tiền đã giải ngân 111,5 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 109 tỷ đồng. 

Đến nay, 8/8 tàu ngân hàng cho vay vốn đã đi vào hoạt động với lãi suất vay trung, dài hạn 7%/năm, trong đó ngân sách nhà nước cấp bù 4 - 6%/năm. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng còn chủ động tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhằm giúp các doanh nghiệp ổn định, duy trì phát triển sản xuất. Toàn ngành đã thực hiện giảm lãi suất cho vay (phổ biến ở mức 7 - 9%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 9 - 11%/năm đối với cho vay trung và dài hạn), điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ, miễn giảm lãi tiền vay cho khách hàng vay vốn. 3 tháng đầu năm 2017, toàn ngành đã thực hiện gia hạn nợ cho trên 600 khách hàng, miễn, giảm lãi tiền vay cho khách hàng hơn 2 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng còn tích cực phối hợp với các sở, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức các hội nghị đối thoại, hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc giúp các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Ngoài ra, tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn do tỉnh tổ chức, hệ thống ngân hàng còn trao biên bản ghi nhớ tài trợ vốn, thỏa thuận nguyên tắc và hợp đồng tín dụng cho 10 dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền hơn 3.059 tỷ đồng.

Phóng viên: Xin ông cho biết giải pháp hoạt động chính của ngành trong thời gian tới góp phần để nông nghiệp, nông thôn của tỉnh phát triển bền vững?

Ông Đinh Ngọc Thạch: Năm 2017 và những năm tiếp theo, ngành Ngân hàng phấn đấu hoàn thành một số mục tiêu chính đó là: nguồn vốn huy động tăng từ 18 - 20%, dư nợ tăng 18% so 31/12/2016, nợ xấu <3% tổng dư nợ, doanh số thanh toán tăng 15% so năm 2016. 

Để đạt được mục tiêu trên, NHNN Chi nhánh tỉnh tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo điều hành hoạt động ngân hàng trên địa bàn, trọng tâm là triển khai cơ chế, chính sách mới như Quyết định số 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017 của NHNN Việt Nam về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 7/3/2017 của Chính phủ; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường cho vay nền kinh tế tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh (tập trung đầu tư vốn cho các lĩnh vực trọng tâm, đột phá trong nông nghiệp của tỉnh như đầu tư nuôi tôm giống và tôm công nghệ cao, nuôi ngao, nông nghiệp sạch, chương trình nước sạch nông thôn...); kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, tăng cường xử lý nợ xấu; phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương, các sở, ngành liên quan, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh kịp thời tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn; kiến nghị NHNN Việt Nam kịp thời tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, góp phần khơi thông nguồn vốn tín dụng ngân hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh và phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Hương

(thực hiện)


Ông Dương Đình Quyền, Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội Chi nhánh Thái Bình


Mặc dù mới thành lập và đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh được hơn 3 năm nhưng Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) Chi nhánh Thái Bình đã khẳng định được uy tín và vị trí trên thị trường, nỗ lực cung cấp những sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại nhất cho khách hàng, từ đó phục vụ tốt nhất nhu cầu của khách hàng trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong công tác huy động vốn, Chi nhánh thực hiện đa dạng hóa các hình thức huy động, tích cực tuyên truyền để người dân tin tưởng và gửi tiền tại Chi nhánh. Đến ngày 31/3, tổng nguồn vốn huy động của Chi nhánh đạt 818,4 tỷ đồng, tăng 1,05% so với thời điểm 31/12/2016, tăng 40,3% so với cùng kỳ năm 2016. Trong hoạt động cho vay, Chi nhánh chủ động tìm kiếm khách hàng mới, ưu tiên nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng ưu tiên theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của tỉnh như cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55 của Chính phủ, cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên…, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để khách hàng nhanh chóng có vốn phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Đến ngày 31/3, tổng dư nợ cho vay của Chi nhánh đạt 904,1 tỷ đồng với 700 khách hàng đang vay vốn, trong đó cho vay nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 1,18%, cho vay công nghiệp, xây dựng chiếm 41,33% và cho vay dịch vụ chiếm 57,49% tổng dư nợ.

Triển khai có hiệu quả các giải pháp kinh doanh, năm 2016, Chi nhánh vinh dự được UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ông Đoàn Công Chất, Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ Tín dụng nhân dân Thụy Dương (Thái Thụy)


Được thành lập từ tháng 6/1996, trong điều kiện hoạt động còn gặp nhiều khó khăn nhưng Quỹ Tín dụng nhân dân Thụy Dương (Thái Thụy) đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và quy mô hoạt động. Từ việc chỉ hoạt động trên địa bàn xã Thụy Dương với hơn 400 thành viên ban đầu, đến nay, Quỹ đã mở rộng địa bàn hoạt động ra 3 xã Thụy Dương, Thụy Phúc và Thụy Hưng với tổng số gần 2.100 thành viên. Đến ngày 31/3, tổng nguồn vốn huy động của Quỹ đạt 98,87 tỷ đồng, tăng 10,07% so với thời điểm 31/12/2016. Tổng dư nợ cho vay đạt 86,08 tỷ đồng, trong đó cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 35,5%, cho vay kinh doanh dịch vụ chiếm 16% và cho vay tiêu dùng phục vụ sinh hoạt chiếm 48,5%. Hoạt động của Quỹ không chỉ giúp các thành viên có vốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển nghề và làng nghề, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn mà còn góp phần không nhỏ giúp các địa phương hoàn thiện và giữ vững các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Vũ Huy Đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Damsan


Trong hơn 10 năm kể từ khi thành lập đến nay, Công ty Cổ phần Damsan đã không ngừng phấn đấu vươn lên và trưởng thành. Từ một đơn vị có doanh thu chỉ đạt 100 tỷ đồng/năm thì đến năm 2016 doanh thu của Công ty đã đạt hơn 1.500 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 50 triệu USD, lợi nhuận đạt khoảng 35 tỷ đồng, tạo việc làm cho 900 lao động với thu nhập bình quân 5,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài sợi cotton và khăn bông, Công ty còn mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là các dự án xây dựng nhà ở xã hội với 1 tòa nhà 18 tầng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2015 (quy mô 256 căn, trị giá 134 tỷ đồng), 1 tòa nhà 15 tầng dự kiến quý II/2017 sẽ bàn giao (quy mô 289 căn, trị giá 157 tỷ đồng). Công ty có được sự phát triển như hôm nay không thể thiếu được sự đóng góp của ngân hàng. Doanh nghiệp với ngân hàng được ví như “cá với nước”, nhất là đối với một doanh nghiệp kinh doanh đa lĩnh vực (gồm sợi cotton, khăn bông và bất động sản) như Damsan thì lại càng không thể duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh nếu thiếu vốn của ngân hàng. Trong mối quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp, ngân hàng hoạt động rất tích cực, minh bạch và nghiêm túc, gắn bó nhiệt tình với doanh nghiệp, tạo nhiều cơ hội cho sự phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, các tổ chức tín dụng cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt các thủ tục vay vốn đồng thời tích cực đổi mới phong cách giao dịch nhằm hướng tới sự hài lòng của khách hàng.


Ông Nguyễn Sỹ Tem, thôn Ba Vì, xã Liên Giang (Đông Hưng)


Tôi thấy việc mở rộng địa bàn hoạt động của các tổ chức tín dụng về tới các xã đặc biệt là mô hình hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (TDND) thực sự rất cần thiết đối với người dân vùng nông thôn nhất là những xã ở vùng sâu, vùng xa. Nếu không có hệ thống quỹ TDND thì người nông dân rất khổ, phải vay vốn với lãi suất cao, rất nhiều gia đình đã phải tan cửa nát nhà do nạn cho vay nặng lãi. Chính vì thế, tôi rất mong cấp ủy, chính quyền các cấp tạo điều kiện để hệ thống quỹ TDND hoạt động được thuận lợi, hiệu quả, từ đó xóa đi nạn cho vay nặng lãi ở các địa phương. Riêng đối với Quỹ TDND Liên Giang (Đông Hưng), từ khi thành lập đến nay, Quỹ như “bà đỡ”, niềm nở, chu đáo, thủ tục vay đơn giản, nhanh chóng, lãi suất cho vay phù hợp. Nhờ Quỹ tạo điều kiện, tôi đã được vay 50 triệu đồng vừa nuôi hai con học đại học vừa phát triển chăn nuôi với quy mô 2 con lợn nái, 10 con lợn thịt và 30 con gà, từ đó cuộc sống gia đình đã dần được nâng cao.

Ngân Hà