Thứ 6, 22/11/2024, 09:16[GMT+7]

Đỗ Quang Bốn với mô hình nuôi tôm công nghệ cao

Thứ 2, 15/05/2017 | 09:17:19
4,472 lượt xem
Giải thưởng Lương Định Của năm 2006 của Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; bằng khen của UBND tỉnh; được bầu chọn là gương mặt xuất sắc tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ V (năm 2005)..., những điều đó là minh chứng cho sự năng động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm của Giám đốc Doanh nghiệp Phương Nam Đỗ Quang Bốn trên chặng đường đưa ngành nuôi tôm ở huyện Thái Thụy phát triển.

Sinh ra và lớn lên ở xã Thái Thượng (Thái Thụy), ngay từ nhỏ, Đỗ Quang Bốn đã chứng kiến cuộc sống của người dân nơi đầu sóng ngọn gió chủ yếu dựa vào biển. Thế nhưng, điều đó cũng khá bấp bênh, nhất là khi phong trào nuôi tôm sú thu hút bà con nhưng con giống lại không tự sản xuất được mà phải nhập từ miền Nam, miền Trung. Không chỉ giá thành cao mà chất lượng không bảo đảm vì phần lớn tôm sú giống không thuần chủng. Tại sao quê mình không tự chủ giống tôm và các giống thủy sản khác là câu hỏi luôn thường trực trong suy nghĩ của chàng trai Đỗ Quang Bốn, tuổi khi ấy mới ngoài đôi mươi.

Quyết tâm nối nghiệp cha, giúp ngư dân khai thác tốt tiềm năng thiên nhiên ban tặng là động lực thôi thúc Đỗ Quang Bốn thực hiện ý tưởng xây dựng trại sản xuất tôm sú giống ngay tại quê nhà. Cuối năm 2000, đầu năm 2001, được sự động viên của chính quyền địa phương và sự ủng hộ của người thân, gia đình, Đỗ Quang Bốn thuê hơn 9.000mđất bãi bồi ven biển thuộc xã Thái Thượng để xây dựng trại sản xuất tôm sú giống. Anh đã lặn lội vào các tỉnh miền Trung và miền Nam tìm hiểu về kỹ thuật nuôi tôm sú sinh sản, sau đó mời một số giảng viên Đại học Thủy sản Nha Trang về tư vấn kỹ thuật. 

Năm 2005 là  mốc son đánh dấu thành công đầu tiên của anh, tôm sú đẻ với sản lượng lên đến 25 triệu con P15. Niềm vui cùng nhiệt huyết của tuổi trẻ khiến anh tiếp tục đầu tư và học tập kinh nghiệm sản xuất giống tôm he Nhật Bản, rồi giống cá bớp nhân tạo, cua biển, cá vược, phục vụ tốt nhu cầu nuôi trồng thủy sản của người dân trong huyện. Từ khi Doanh nghiệp Phương Nam ra đời đã giải được bài toán nan giải của huyện, đó là chủ động được con giống, kiểm soát được chất lượng, xử lý các dịch bệnh phát sinh và hạ giá thành con giống.

Với phương châm “vừa nghiên cứu, trải nghiệm thực tế vừa không ngừng cải tiến kỹ thuật”, Đỗ Quang Bốn đầu tư mô hình nuôi tôm công nghiệp đạt năng suất trên 6 tấn/ha/năm, các ao nuôi đều đạt năng suất từ 3,5 - 5,5 tấn/ha, doanh thu đạt hàng trăm triệu đồng. 

Đỗ Quang Bốn cho biết: Khởi nghiệp từ nguồn vốn 400 triệu đồng, trong đó 300 triệu đồng đi vay, sau gần 4 năm tìm hướng đi mới tôi đã có trong tay 2 tỷ đồng tạo đà đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. 

Không dừng lại ở thành quả ban đầu, đến năm 2010, Đỗ Quang Bốn tiếp tục nghiên cứu, học hỏi, xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trong nhà bạt. Đến nay mô hình đã áp dụng tại 10 hộ trong huyện với diện tích gần 30ha. 

Dẫn chúng tôi đi tham quan một số mô hình, Đỗ Quang Bốn cho biết thêm: Ưu điểm nổi trội của công nghệ này là tăng thời vụ và sản lượng, hạn chế thấp nhất rủi ro. Nếu như trước đây tôm thẻ nuôi 2 vụ/năm thì với công nghệ nuôi trong nhà bạt có thể nuôi thả 4 - 5 vụ/năm, sản lượng đạt từ 10 - 15 tấn/ha, giá thành lúc rẻ nhất cũng đạt 120.000 - 130.000 đồng/kg, lúc cao điểm lên tới 200.000 - 300.000 đồng/kg mà chỉ trong thời gian 2,5 tháng nuôi thả/vụ. 

Chính mô hình sản xuất mới xuất phát từ sự mạnh dạn, sáng tạo của những doanh nhân như Đỗ Quang Bốn đã góp phần đưa Thái Bình nói chung, Thái Thụy nói riêng trở thành một trong những địa phương đứng đầu miền Bắc về nuôi tôm công nghệ cao.

Chia sẻ về những dự định sắp tới, Đỗ Quang Bốn cho biết: Cùng với giữ vững và phát triển thương hiệu trại sản xuất tôm sú giống, Doanh nghiệp còn tập trung cung cấp giống tôm thẻ chân trắng cho các vệ tinh có liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong tỉnh. Đồng thời, chú trọng chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp người nuôi tôm yên tâm đầu tư, góp phần cùng địa phương mở rộng diện tích nuôi tôm và các loài thủy sản khác, khai thác tốt thế mạnh của một huyện ven biển.

Hiện nay, Doanh nghiệp Phương Nam đạt doanh thu bình quân trên dưới 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động cùng hàng chục lao động khi vào thời vụ, là địa chỉ tin cậy cung cấp giống cho người nuôi trồng thủy sản trong tỉnh.

Lê Lan

(Đài TTTH Thái Thụy)