Thứ 6, 24/01/2025, 21:52[GMT+7]

"Còn chú nào Bác chưa bắt tay?"

Thứ 5, 18/05/2017 | 09:37:50
5,544 lượt xem
Sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc và trong bất kỳ hoàn cảnh nào Bác Hồ cũng dành tình cảm đặc biệt đối với đồng bào, chiến sĩ cả nước. Từng cử chỉ, lời động viên, khích lệ của Bác là sức mạnh tinh thần to lớn giúp toàn dân, toàn quân ta hăng hái thi đua giành nhiều thắng lợi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đoàn đại biểu Nam Bộ ra chiến khu Việt Bắc báo cáo với Trung ương Đảng và Bác Hồ về quyết định kháng chiến của đồng bào và chiến sĩ miền Nam (tháng 10/1949). Ảnh tư liệu.

Năm 1949, ông Lê Tự Đồng, lúc bấy giờ đang làm Chính ủy Trung đoàn 77, Liên khu 4 được lệnh ra Việt Bắc dự lớp “rèn cán, chỉnh quân” do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp phụ trách.

Một hôm, đoàn đại biểu Liên khu 4 nhận được tin: “Bác Hồ sẽ gặp riêng cả đoàn vào thời gian thích hợp”. Ai cũng vui mừng vì đây là lần đầu tiên được gặp Bác. Từ hôm đó, mọi người trong đoàn tập đi, đứng, thái độ sao cho chuẩn mực, báo cáo với Bác những gì và nếu được hỏi thì hỏi như thế nào?

Vào một buổi tối, liên lạc dẫn đoàn đại biểu Liên khu 4 đi “công tác đột xuất”. Đến trước khu vườn rộng, đoàn được đưa đến bên ngôi nhà sàn, bên trong sáng ánh đèn. Theo hướng dẫn, từng người bước theo thang gác lên nhà thì nhận ra Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang ngồi đợi. Lần đầu được gặp Bác nên ông Lê Tự Đồng và các thành viên đều xúc động, hồi hộp. Bác tươi cười chào hỏi và bắt tay từng người. Khi hết lượt, Bác lại hỏi:

- Còn chú nào mà Bác chưa bắt tay không?

- Báo cáo Bác, hết rồi ạ!

- Bây chừ, chú nào kể chuyện khu 4, chuyện đánh Tây ở Bình - Trị - Thiên cho Bác và chú Văn nghe nào?

Sau khi đồng chí Trần Văn Quang, trưởng đoàn, thay mặt đoàn báo cáo với Bác xong, Bác hỏi:

- Ở Bình - Trị - Thiên, các chú phát triển chiến tranh du kích thế nào?

- Dạ thưa Bác, lúc đầu chúng cháu có sai lầm, cứ tưởng dễ ăn, dàn quân ra đánh trận địa, mặt đối mặt với chúng nó, nhưng đánh không được, tổn thất nhiều. Sau đó đã nhanh chóng rút kinh nghiệm, lại có sự chỉ đạo của Bộ Tổng tư lệnh, chúng cháu đã phát triển chiến tranh du kích khắp 3 tỉnh, khá nhất là Quảng Trị ạ.

- Ừ, thế là tốt. Các chú phải nhớ, sức ta chưa thể đánh trận địa với chúng được.

Sau lời khích lệ của Bác, một đồng chí kể Bác nghe trận đánh “Ôm hè” - tiếng miền Trung nghĩa là “Ôm nhé”. Chuyện là, có nhóm phụ nữ huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, một hôm đi chợ bị toán lính Pháp bám theo trêu ghẹo. Tương kế tựu kế, các chị để cho chúng bám theo, đến một nơi vắng vẻ các chị hô to làm mệnh lệnh “Ôm hè”, nhất loạt các chị còn lại lao vào vật nhau với toán lính Pháp, sau đó tước hết vũ khí, trói tay từng tên, dồn vào một chỗ và rút lui an toàn. Trận đánh tuy nhỏ, không có tiếng súng nổ nhưng lại góp phần cổ vũ phong trào du kích phát triển nhanh và mạnh hơn.

Nghe kể xong, Bác nói:

- Như thế là rất tốt. Thực dân Pháp có vũ khí mạnh, quân lính tinh nhuệ thì ta phải áp dụng chiến tranh du kích để tiêu hao sinh lực địch, buộc chúng phải đánh theo cách của ta. Ta tiến công chúng ở mọi lúc, mọi nơi, bằng những lực lượng, những vũ khí mà chúng không thể ngờ được thì sẽ thắng lớn. Giờ các chú còn có thắc mắc gì thì cứ hỏi, đừng ngại.

Một đồng chí đứng lên hỏi:

- Thưa Bác, cuộc kháng chiến của ta đã được 2 năm. Từ chỗ phải đối phó, bị động, nay ta đang chuyển sang thế chủ động tiến công tiêu diệt địch. Thực dân Pháp đã bị dồn vào thế bị động, đối phó. Nhưng bây chừ Mỹ lại giúp Pháp ngày càng nhiều. Thưa Bác, vậy tương quan lực lượng giữa ta và địch sẽ như thế nào, có thay đổi gì không ạ?

Nghe xong, Bác nói luôn:

- Không! Không tương, không cà, không mắm gì cả! Một thằng Mỹ, chứ nhiều thằng Mỹ giúp Pháp ta cũng quyết đánh, mà đã đánh là phải thắng.

Đoạn Bác quay sang phía Đại tướng Võ Nguyên Giáp bảo:

- Chú Văn này, ngày mai lên lớp, phải nêu vấn đề này và giải thích cặn kẽ cho tất cả anh em trong lớp hiểu nhé.

Đối với ông Lê Tự Đồng (sau này là trung tướng) và đoàn đại biểu Liên khu 4 nói riêng, cả nước nói chung, tình cảm và câu nói đanh thép của Bác là động lực mãnh liệt, thôi thúc mỗi người dân vượt qua mưa bom bão đạn của quân thù, làm nên một Bình - Trị - Thiên khói lửa thời kháng chiến 9 năm và cả những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước sau này.

Trần Nam

(Sưu tầm)