Thứ 3, 30/04/2024, 17:47[GMT+7]

Ông Cách cách mạng đồng ruộng

Thứ 6, 26/05/2017 | 08:34:52
1,912 lượt xem
Là một trong những người đi tiên phong trong tích tụ đất sản xuất nông nghiệp, ông Tô Văn Cách ở thôn Nam, xã Tây Giang (Tiền Hải) đã tận dụng tốt tiềm năng về đất đai và áp dụng khoa học kỹ thuật cấy lúa trên diện tích 10ha, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Phòng, trừ sâu bệnh trên lúa xuân.

Có mặt tại cánh đồng “thẳng cánh cò bay” của gia đình ông Cách, khó ai có thể tin những diện tích của các hộ nông dân khó khăn trong sản xuất trước đây được ông Cách mượn lại để cải tạo cấy lúa nay đã trở nên màu mỡ mang lại thu nhập ổn định. 

Mặc dù đã 70 tuổi nhưng ông Cách vẫn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ đối với nông dân: “Sản xuất nông nghiệp phải toàn diện, sản xuất thóc là chính đồng thời phải coi trọng hoa màu, cây nông nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi, thả cá và nghề phụ”. Không ngại gian khó trong lao động, ông Cách hàng ngày vẫn nhanh nhẹn, cần mẫn trên cánh đồng chăm sóc, bảo vệ lúa để có những mùa vụ bội thu. 

Ông Cách tâm sự: Khi xuất ngũ trở về đời thường, hoàn cảnh kinh tế gia đình lúc bấy giờ gặp nhiều khó khăn, bản thân tôi loay hoay làm nhiều nghề mưu sinh để nuôi gia đình. Nhưng được cái vợ chồng đồng lòng, cùng quyết tâm lao động, vượt qua đói nghèo. Gắn bó với ruộng đồng từ lúc trẻ, ông Cách thấu hiểu nỗi vất vả của người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. 

Với suy nghĩ không chỉ cứ ly hương hay ly nông mới thành công, do đó, khi Đảng, Nhà nước thực hiện đổi mới quản lý nông nghiệp, ông đã quyết tâm làm giàu trên những thửa ruộng của gia đình với diện tích lúc bấy giờ là 2 mẫu. Để tích tụ được 10ha cấy lúa như ngày nay, thời gian đầu ông đã phải bỏ ra không ít công sức để gây dựng nên những thửa ruộng trù phú. Khó khăn ban đầu về vốn, kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất… khi những mảnh ruộng được các hộ dân cho mượn không đồng đều, chuột phá hại, cấy lúa không hiệu quả. Không nản lòng, rút kinh nghiệm sau nhiều vụ sản xuất, ông Cách nhận ra rằng mình gặp nhiều khó khăn là do lạc hậu trong sản xuất, chưa vận dụng hết khả năng của mình cũng như tiềm năng của đất. Mạnh dạn thay đổi từ tư duy đến hành động, gia đình ông bỏ vốn thuê máy móc về cải tạo diện tích ruộng để thuận lợi cho sản xuất. Ngoài ra, các buổi tập huấn khoa học kỹ thuật của HTX tổ chức ông đều có mặt để tiếp thu, ngoài ra ông còn học hỏi kinh nghiệm của nông dân trong xã. Khi tỉnh có chủ trương đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, ông Cách đã bàn với vợ mua máy cày, máy gặt đập liên hợp để thuận tiện cho việc canh tác và phục vụ bà con trong xã. Đồng ruộng được cải tạo, kinh nghiệm sản xuất được áp dụng và đầu tư máy móc sản xuất trên diện tích lớn đã mang lại hiệu quả trong gieo cấy lúa. Toàn bộ diện tích được cấy cùng một giống lúa, quy trình chăm sóc đồng bộ nên sản lượng và chất lượng lúa đều tăng.

Đến nay, kinh tế của gia đình ông Cách đã phát triển khá vững chắc, tổng thu nhập mỗi vụ từ 2 máy cày, 1 máy gặt đập liên hợp và 10ha cấy lúa gần 500 triệu đồng.

Theo ông Cách, trong quá trình sản xuất nông nghiệp, nông dân muốn làm giàu phải năng động, biết cập nhật, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần giảm chi phí và tăng hiệu quả mới là hướng đi đúng trong sản xuất lúa hàng hóa. Đồng thời, nhờ canh tác với diện tích lớn, cái lợi lớn nhất là thuận tiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Ông Cách cũng mong khi tỉnh triển khai chính sách tích tụ đất nông nghiệp chính quyền địa phương và các hộ nông dân tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cũng như cá nhân muốn đầu tư vào sản xuất lúa được mượn, thuê để có diện tích lớn, giúp việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật dễ dàng hơn, góp phần tăng lợi nhuận trong sản xuất. 


Mạnh Thắng