Thứ 7, 23/11/2024, 05:25[GMT+7]

Nhọc nhằn thu gom rác thải nông thôn

Thứ 2, 29/05/2017 | 08:42:08
3,176 lượt xem
Nay về các vùng quê, ai cũng cảm nhận được đường làng ngõ xóm phong quang, sạch sẽ. Tuy nhiên, ít ai biết được đằng sau những tuyến đường ấy là nỗ lực lớn của những người thu gom rác thải nông thôn đã vượt qua nhọc nhằn, thiệt thòi để có được cảnh quan ấy.

Công việc của thành viên các tổ thu gom rác thải rất vất vả, độc hại.

Vất vả, độc hại

13 giờ, khi cái nắng hè gay gắt, mọi người còn đang nghỉ trưa, chị Phạm Thị Thu, thành viên tổ thu gom rác thải thôn La Nguyễn, xã Minh Quang (Vũ Thư) lặng lẽ kéo xe ba gác đến từng nhà để thu gom rác. Những bọc lớn, bọc bé bốc mùi hôi thối được xếp gọn gàng lên xe. Có hộ thải ra cả một bao tải rác vừa to vừa nặng, chị phải gắng sức, loay hoay mãi mới đưa lên xe được. Khi chiếc xe đã đầy rác, chị Thu gò lưng kéo đi đổ tại bãi rác của thôn cách khu dân cư khoảng 2km. 

Gạt những giọt mồ hôi trên trán, chị Thu chia sẻ: Thu gom rác thải là công việc rất nặng nhọc và độc hại vì thường xuyên phải hít thở mùi hôi thối, tiếp xúc với ruồi nhặng, dòi bọ, vi khuẩn. Tuy vậy, do hoàn cảnh khó khăn, sống đơn thân, lại nuôi mẹ già nên mấy năm nay chị vẫn cần mẫn làm công việc thu gom rác thải của thôn, mỗi tháng có thêm hơn 1 triệu đồng để trang trải cuộc sống.

Không có hoàn cảnh khó khăn như chị Thu nhưng bà Ngô Thị Thành, thành viên tổ thu gom rác thải xã Vũ Hội (Vũ Thư) vẫn gắn bó với nghề thu gom, xử lý rác thải ngót 10 năm nay. 

Bà Thành chia sẻ: Vũ Hội là xã đông dân nên lượng rác thải sinh hoạt rất lớn, mỗi ngày xã thu gom khoảng 8 - 10 xe ô tô rác. Tổ thu gom xử lý rác thải của xã có 6 thành viên, 4 người trẻ tuổi đi thu gom còn lại tôi và bà Khánh ở bãi rác để phân loại rác. Ngày nào tôi cũng sống chung với bãi rác từ sáng sớm đến tối mịt. Ngày nắng thì mùi hôi thối nồng nặc bốc lên, ngày mưa thì ruồi nhặng đậu kín người, bãi rác ngập nước, màu đen như nước cống vẫn phải lội vào để làm việc. Không ít lần tôi dùng cào bổ vào bọc nilon rác không may dòi bắn tung tóe cả vào người, tôi phải bỏ về tắm rửa rồi mới ra làm tiếp được. Không biết có phải vì ở lâu với bãi rác, độc hại quá mà tôi thường bị viêm phổi, có đợt nằm viện cả tháng. Gia đình ai cũng phản đối, bắt tôi phải bỏ nghề nhưng tôi nghĩ ai cũng sợ khổ, sợ bẩn thì lấy đâu ra người làm.

Không riêng chị Thu, bà Thành mà 100% thành viên các tổ thu gom rác thải nông thôn trên địa bàn huyện Vũ Thư đều làm việc trong điều kiện vất vả, ô nhiễm, độc hại. Qua khảo sát, toàn huyện hiện có 165 tổ thu gom, xử lý rác với trên 400 thành viên tại 27 xã, thị trấn. Ước tính trung bình mỗi ngày toàn huyện phát sinh trên 100 tấn rác thải, nhưng ngoài 7 chiếc ô tô hỗ trợ công tác vận chuyển rác còn lại tất cả rác được các thành viên thu gom thủ công thông qua việc sử dụng xe thu gom đẩy tay. 

Ở một số địa phương, quãng đường mà các thành viên tổ thu gom rác phải đi bộ, kéo xe mỗi ngày lên tới hơn chục ki-lô-mét, rất vất vả. Công việc xử lý rác còn thô sơ như dùng cào, xẻng để phân loại rác, việc chôn lấp, đốt rác chưa hiệu quả sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của những người thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với rác như thành viên các tổ thu gom, xử lý rác thải.

Những nỗi niềm

Tuy làm việc trong điều kiện vất vả, ô nhiễm, độc hại nhưng chế độ đãi ngộ dành cho người thu gom, xử lý rác thải ở địa bàn nông thôn hầu như chưa có. 

Bà Phạm Thị Gái, thành viên tổ thu gom rác thải xã Minh Quang cho biết: Tôi làm việc thu gom rác thải từ năm 2002 nhưng hai năm gần đây mới được xã hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, ngoài ra không có chế độ gì khác. Bộ quần áo bảo hộ lao động được cấp từ mấy năm trước đã sờn rách nhưng cũng chưa được cấp bộ khác. Các dụng cụ như cào cuốc, xẻng hoặc đồ bảo hộ như ủng, găng tay tôi đều phải tự sắm sửa. Riêng cái xe đẩy bị hỏng nhưng chưa có kinh phí sửa chữa nên tôi tạm thời dùng xe lôi của gia đình để đi thu gom rác... 

“Công việc nặng nhọc, ngày công thấp, không có chế độ gì nên thông thường chỉ có người trung tuổi, gia đình hoàn cảnh khó khăn mới tham gia tổ thu gom rác thải, không có thanh niên nào chịu đi làm nghề rác. Nhiều người làm một thời gian, vất vả, thu nhập thấp quá hoặc lo sợ bị nhiễm bệnh vì tiếp xúc với ô nhiễm rác thải thường xuyên nên đã bỏ việc. Tôi già rồi nên cũng đành liều vậy” - ông Cao Văn Tiến, thành viên tổ thu gom rác thải xã Việt Hùng chia sẻ.

Ông Nguyễn Đức Thiện, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vũ Thư cho biết: Nhờ hoạt động hiệu quả của các tổ thu gom, xử lý rác thải mà ước tính 87% lượng rác thải trên địa bàn huyện được thu gom, xử lý, góp phần tích cực bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe người dân. Tuy có vai trò quan trọng nhưng đến nay điều kiện làm việc và chế độ đãi ngộ dành cho thành viên các tổ thu gom rác thải còn hạn chế. Toàn bộ thành viên các tổ thu gom rác thải đều là lao động nông nghiệp tại các địa phương, được thôn, xã hợp đồng, thuê khoán thời vụ hoặc trả kinh phí theo ngày công lao động. Kinh phí chi trả cho các thành viên phụ thuộc vào số hộ dân và mức thu từng địa phương, tuy nhiên thu nhập của người làm công tác thu gom, xử lý rác thải hầu hết đều ở mức dưới 3 triệu đồng/tháng. Chế độ đãi ngộ dành cho các thành viên của tổ thu gom, xử lý rác thải cũng hầu như chưa có gì. Đến nay, một số địa phương đã quan tâm hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người thu gom, xử lý rác thải, tuy nhiên mới chỉ chiếm số ít. 

Ngoài thị trấn Vũ Thư, các địa phương còn lại đều chưa hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội cho các thành viên tổ thu gom, xử lý rác thải. Kinh phí hỗ trợ đầu tư quần áo bảo hộ, dụng cụ trang thiết bị phục vụ việc thu gom, xử lý rác thải chưa thực sự được quan tâm. Đối với huyện, từ năm 2011 đến nay đã hỗ trợ 213 xe đẩy, 4 xe ô tô, xây dựng 9 khu xử lý rác giúp các địa phương thu gom, xử lý rác, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi giải phóng sức lao động cho người thu gom, xử lý rác. Tuy nhiên, để bớt những nhọc nhằn, thiệt thòi của những người làm “nghề rác” thì cần có sự quan tâm đồng bộ của chính quyền các cấp và sự sẻ chia, hỗ trợ của cả cộng đồng.


Ông Đỗ Hữu Khiêm, Chủ tịch UBND xã Vũ Đoài

Xã hội phát triển, lượng rác thải lớn, vai trò của tổ thu gom rác thải ở địa phương rất quan trọng. Kinh nghiệm cho thấy cứ địa bàn nào có các tổ thu gom rác thải và hoạt động hiệu quả thì đường làng ngõ xóm rất sạch sẽ, ngược lại khu vực nào chưa hình thành các tổ thu gom rác thải thì phát sinh rất nhiều điểm xả rác tự phát gây ô nhiễm môi trường. Tuy vậy, kinh phí địa phương dành cho công tác môi trường còn rất eo hẹp nên chế độ đãi ngộ dành cho các thành viên tổ thu gom rác thải cũng khó khăn.


Bà Đỗ Thị Khánh, thành viên tổ thu gom, xử lý rác thải xã Vũ Hội

Tuy công việc vất vả là vậy nhưng thực tế là 4 năm nay tôi mới được cấp 1 bộ quần áo bảo hộ lao động, ngoài ra không có gì thêm. Tôi chỉ mong sao chính quyền các cấp quan tâm hỗ trợ để thu nhập của các thành viên tổ thu gom, xử lý rác thải xứng đáng với sức lao động họ bỏ ra; ngoài ra, chúng tôi cần hỗ trợ định kỳ về trang phục bảo hộ lao động, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để yên tâm, gắn bó với công việc.


Quỳnh Lưu