Thứ 2, 23/12/2024, 18:16[GMT+7]

Đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp

Thứ 2, 29/05/2017 | 08:46:37
2,613 lượt xem
Thời gian qua, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp nhằm tạo quỹ đất sạch, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư thứ cấp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 5 khu công nghiệp (KCN), 12 cụm công nghiệp (CCN) có nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng và 3 CCN có nhà đầu tư đang thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư kinh doanh hạ tầng.

Nhà máy sản xuất sợi OE của Công ty TNHH Thương mại Dệt may An Nam (cụm công nghiệp Tây An, Tiền Hải).

Ông Phạm Ngọc Kế, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Kết quả trên thể hiện sự cố gắng nỗ lực của tỉnh cũng như các địa phương trong việc thu hút đầu tư, tạo mặt bằng sạch cho các doanh nghiệp cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều khó khăn. Đối với các KCN được UBND tỉnh phê duyệt hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư hiện chỉ có KCN Phúc Khánh đã hoàn thành đầu tư, hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong KCN, thu hút được 23 dự án thứ cấp đầu tư, tỷ lệ lấp đầy 100%, có 21 dự án hoạt động sản xuất ổn định, 2 doanh nghiệp đang xây dựng nhà xưởng. Còn một số KCN khác đều xây dựng chậm do khó khăn về nguồn vốn. Điển hình như KCN Sông Trà do Công ty Cổ phần Khu công nghiệp TBS Sông Trà làm chủ đầu tư với vốn đầu tư đăng ký 583 tỷ đồng, đến nay đã cơ bản đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN nhưng một trong những hạng mục quan trọng nhất là hệ thống xử lý nước thải tập trung lại chưa xây dựng. Mặc dù từ năm 2013 Công ty đã nghiên cứu xây dựng trạm xử lý nước thải công suất 5.000m3/ngày đêm, tuy nhiên, đến nay chưa triển khai do khó khăn về vốn đầu tư. Hay ở KCN Cầu Nghìn do Công ty IDICO làm chủ đầu tư hiện đã hoàn thành giải phóng mặt bằng giai đoạn I 43ha, đồng thời đang triển khai san lấp mặt bằng để thu hút nhà đầu tư thứ cấp, xây dựng hoàn trả kênh tiêu nước. Tuy nhiên, đến nay tiến độ vẫn chậm do khó khăn về vốn đầu tư và thu hút đầu tư chậm. Hiện đơn vị đang xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung, dự kiến quý II/2017 đi vào hoạt động.

Đối với các CCN đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Điển hình như CCN thị trấn Vũ Thư (Vũ Thư) có diện tích quy hoạch 35,61ha, đất công nghiệp 20,3ha, đất thu hồi 30,57ha, có 5 doanh nghiệp thuê 8,58ha. Trước đây, CCN này do UBND huyện Vũ Thư là chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN, sử dụng vốn ngân sách tỉnh đầu tư xây dựng một số tuyến đường quy hoạch. Từ năm 2010, UBND tỉnh giao liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Đông Đô và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Z16 đầu tư kinh doanh hạ tầng đã thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng khoảng 80% khối lượng công việc của phần diện tích được giao. Nhưng hiện tại đến nay còn 5.619,9m2 đất 5% của xã Song An đã tổ chức kiểm đếm và lên phương án giải phóng mặt bằng để thu hồi nhưng chưa thực hiện do khó khăn trong việc giải quyết tài sản trên đất của một hộ dân xây dựng trên đất thuê. Hay như CCN Tam Quang (Vũ Thư) do Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen làm chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng trên diện tích đất quy hoạch là 39,51ha, đã thực hiện thu hồi đất 7,39ha và hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng CCN trên diện tích này, nhưng hiện tại nhà đầu tư đang xin giãn tiến độ thực hiện dự án.

Máy khăn ở cụm công nghiệp Thái Phương (Hưng Hà).

Cũng theo ông Kế, ngoài vốn, công tác giải phóng mặt bằng, các nhà đầu tư còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục đầu tư do còn nhiều chồng lấn, chất lượng việc tư vấn, hướng dẫn, giải quyết các thủ tục cho nhà đầu tư chưa cao. Ngoài ra, một phần là do nhà đầu tư hạ tầng chưa kêu gọi được nhiều nhà đầu tư thứ cấp, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài vì cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ. Một số nhà đầu tư hạ tầng là doanh nghiệp mới kinh doanh lần đầu nên chưa có nhiều kinh nghiệm trong triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, các CCN chủ yếu nằm ở địa bàn nông thôn, hạ tầng kinh tế - xã hội xung quanh còn chưa phát triển nên chi phí đầu tư hạ tầng lớn, các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN vì hiệu quả thấp.

Để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, trước mắt cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa thu hồi đất trong các khu, cụm công nghiệp để phát triển công nghiệp, làm tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để kêu gọi thu hút nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp bằng việc xây dựng, bổ sung các cơ chế, chính sách tạo điều kiện để doanh nghiệp được hưởng các cơ chế, chính sách của nhà nước và tỉnh.

 Thu Thủy