Thứ 6, 22/11/2024, 20:41[GMT+7]

Nhất cáy

Thứ 2, 05/06/2017 | 08:47:58
5,252 lượt xem
Nuôi cua thì nhiều nông dân đã làm nhưng nuôi cáy để làm giàu thì có lẽ anh Hoàng Văn Nhất ở thôn Trực Tầm, xã Trà Giang (Kiến Xương) là trường hợp đặc biệt. Không chỉ có khát vọng làm giàu, anh Nhất còn muốn giữ gìn hệ sinh thái được bền vững.

Những con cáy giàu dinh dưỡng hiện đang được người tiêu dùng ưa chuộng.

Vùng đất bãi ven sông Trà Lý được xã Trà Giang quy hoạch xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung của xã. Không giống như các hộ nông dân tập trung đào ao nuôi cá kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, anh Nhất chỉ đào kênh rạch, lấy đất đắp bờ bao ngăn nước sông Trà để nuôi cáy. 

Nhớ lại những ngày đầu ra lập nghiệp ở bãi sông, anh Nhất tâm sự: Gia đình đấu thầu 12 mẫu đất để làm gia trại, toàn bộ diện tích này trước đây bị bỏ hoang, cỏ lác mọc um tùm. Nhiều người thấy tôi nhận diện tích này lắc đầu ngao ngán, chẳng biết có làm nên cơ nghiệp? Mới đầu, tôi cũng định thuê máy móc về cải tạo đào ao nuôi cá nhưng khi lội vào “rừng cỏ” thấy có rất nhiều cáy trú ngụ nên nảy sinh ý tưởng chuyển hướng từ nuôi cá sang nuôi cáy, vừa cho giá trị kinh tế cao vừa đỡ tốn chi phí cải tạo và giữ nguyên được hệ sinh thái tự nhiên sẵn có, không ảnh hưởng đến dòng chảy thoát lũ và bảo vệ công trình đê điều. 

Trước khi bắt tay vào quy hoạch ruộng nuôi cáy, anh Nhất đã đi khắp nơi tìm mua sách hướng dẫn kỹ thuật nuôi cáy nhưng không có, anh vào mạng internet tìm hiểu và hỏi những người cao tuổi trong làng về đặc tính của loài đặc sản này. 

Anh Nhất chia sẻ: Cáy là loài giáp xác sống hoang dã, có sức sống mãnh liệt, sinh sản khỏe, ít bị bệnh nên nuôi rất dễ; cái khó là tạo ra môi trường tự nhiên để cáy sống, trú ẩn và tránh bị thất thoát do chúng bỏ đi. Từ những kiến thức cơ bản đó, anh đã làm 2 ruộng nuôi với tổng diện tích 4 mẫu, xung quanh ruộng đào mương sâu để chống cáy bò ra và tận dụng nuôi cá; diện tích còn lại anh cải tạo làm vườn trồng đinh lăng và chuối.

Gọi là nuôi cáy nhưng thực chất anh Nhất chỉ duy trì cho cỏ tự nhiên mọc làm thức ăn cho cáy và đến kỳ thu hoạch thì đặt bẫy bắt mang đi tiêu thụ. Vì con giống không phải mua, không tốn chi phí thức ăn nên anh gọi con cáy là lộc trời cho gia đình làm giàu. Với năng suất 40kg cáy/sào, mỗi năm anh Nhất thu hoạch 1,6 tấn cáy, bán với giá 80.000 đồng/kg anh được 128 triệu đồng. Việc tiêu thụ cáy đối với anh cũng rất dễ dàng vì con cáy giàu dinh dưỡng lại sạch nên nhiều nhà hàng đặt mua.

Mùa thu hoạch cáy vào thời kỳ nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 9 âm lịch; cuối mùa thu, cáy bắt đầu vào hang ngủ đông. Anh Nhất cho biết: Vùng đất này cũng rất thích hợp cho con rươi sinh trưởng nên khi kết thúc mùa cáy, tôi lấy nước vào ruộng để nuôi rươi, nhờ đó, sau thu hoạch cáy khoảng 1 tháng, gia đình lại tiếp tục thu hoạch rươi. Một năm hai vụ rươi và một vụ cáy, gia đình thu lãi hơn 300 triệu đồng mà không tốn một khoản chi phí nào.

Ngoài thu nhập từ cáy và rươi, mỗi năm anh Nhất còn thu thêm gần 300 triệu đồng từ bán cá, tôm tự nhiên ở kênh rạch, chuối và đinh lăng. Nhiều năm liền anh được bình xét là hộ nông dân tiêu biểu, năm 2016 được Hội Nông dân tỉnh khen thưởng hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Khắc Duẩn