Thứ 6, 22/11/2024, 09:16[GMT+7]

Con đường không nguôi nỗi nhớ

Thứ 2, 05/06/2017 | 08:53:07
1,008 lượt xem
Trận chiến giằng co không cân sức, để chặn đứng quân địch tràn lên điểm cao chiếm đất, Nguyễn Bá Lại nhảy lên chiến hào dùng súng AK bắn xối xả vào chúng, một tên địch lao đến cách anh 5 mét rút chốt lựu đạn, nhanh như cắt anh chĩa súng bắn gục hắn, quả lựu đạn xì khói lăn vào hầm chỉ huy, không ngần ngừ anh lao tới nằm đè lên quả lựu đạn...

Bà Phạm Thị Hồng bên ngôi nhà mới xây dựng.

Gà chưa kịp cất tiếng gáy đón bình minh, núi rừng còn mờ sương đêm, từ bên kia biên giới, quân xâm lược liên tục nã pháo tàn phá làng bản, ruộng nương, giết hại người già, trẻ nhỏ, phụ nữ…, ào ạt xua quân tràn qua sông Hồng vào đất Việt. Trong chốc lát, núi rừng yên ả đã ngập khói lửa chiến trường. 

Với cương vị Trung đội trưởng tự vệ Đoàn địa chất 305, kỹ sư Nguyễn Bá Lại chỉ huy anh em bình tĩnh đưa 300 người già, trẻ nhỏ, phụ nữ vào sâu trong núi tránh đạn còn mình và đồng đội bám trận địa chiến đấu. Trận chiến giằng co không cân sức, để chặn đứng quân địch tràn lên điểm cao chiếm đất, Nguyễn Bá Lại nhảy lên chiến hào dùng súng AK bắn xối xả vào chúng, một tên địch lao đến cách anh 5 mét rút chốt lựu đạn, nhanh như cắt anh chĩa súng bắn gục hắn, quả lựu đạn xì khói lăn vào hầm chỉ huy, không ngần ngừ anh lao tới nằm đè lên quả lựu đạn.

Hành động anh hùng của người Trung đội trưởng tự vệ, kỹ sư địa chất tròn 30 tuổi đời Nguyễn Bá Lại đã tiếp thêm ý chí cho 6 anh em Trung đội tự vệ Đoàn địa chất 305 còn lại trong căn hầm chỉ huy lao lên chiến hào chiến đấu, bảo vệ hồ sơ, thiết bị máy móc của Đoàn địa chất 305 Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Lào Cai). Địch không thể chiếm cao điểm vào đất Việt, ngược lại chúng còn bị đánh bật ra khỏi bờ cõi nước Nam bằng những đòn giáng trả quyết liệt, quật cường của quân và dân ta.

Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Bá Lại sinh ngày 15/4/1949 trong một gia đình nông dân nghèo có truyền thống cách mạng ở thôn Thượng, xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy. Chị gái Nguyễn Bá Lại là chiến sĩ thi đua du kích toàn quốc năm 1951 - 1953. Noi gương chị, hai người anh của Nguyễn Bá Lại gia nhập quân ngũ và đã hy sinh anh dũng tại chiến trường. Nguyễn Bá Lại là học sinh xuất sắc, kết quả tốt nghiệp phổ thông loại ưu nên được chọn đi học tại Liên Xô (cũ). Vốn yêu thích các môn tự nhiên nên Nguyễn Bá Lại theo đuổi ngành mỏ địa chất. Sau bảy năm dùi mài kinh sử, tốt nghiệp loại xuất sắc, dù được giữ lại làm việc tại Liên Xô nhưng anh cương quyết xin về nước cống hiến sức trẻ của mình. 

Với mong ước tìm cho được tài nguyên, khoáng sản làm giàu cho Tổ quốc, Nguyễn Bá Lại tình nguyện vào làm việc tại Đoàn địa chất 5 (sau đổi thành Đoàn địa chất 305), Liên đoàn Địa chất 3, Tổng cục Mỏ và Địa chất, Bộ Công nghiệp nặng, làm công việc thăm dò khai khoáng tại huyện Bát Xát, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Lào Cai). 

Dòng lưu bút chứa chan tình cảm của ông Tạ Việt Dũng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Kỹ thuật (Tổng cục Địa chất), nguyên Trưởng đoàn địa chất 5: Đã bao năm trời Đoàn địa chất 5 gắn bó với dãy Hoàng Liên Sơn, phải vượt qua biết bao khó khăn về ăn, ở, điều kiện làm việc để hoàn thành nhiệm vụ thăm dò tài nguyên, làm giàu cho đất nước. Kỹ sư Nguyễn Bá Lại còn rất trẻ, tốt nghiệp ở Liên Xô về là người rất say sưa với nghề địa chất và yên tâm ở miền rừng núi này lâu dài, khao khát được đóng góp cho công tác chuyên môn. Thời gian đầu chúng tôi bố trí Lại công tác ở kho lưu trữ của phòng kỹ thuật, anh tranh thủ học tập, ghi chép những số liệu, kết quả nghiên cứu của các đồng nghiệp đi trước. Anh em trong Đoàn rất mừng vì thấy Lại có kiến thức chuyên môn vững vàng, làm việc có trách nhiệm cao. Thời kỳ Nguyễn Bá Lại làm tổ trưởng đội tìm kiếm ở Pìn Ngan Chải, mặc dù chưa hết thời gian tập sự anh vẫn mạnh dạn nhận trách nhiệm chủ biên một công trình nghiên cứu. Anh sống chan hòa với mọi người, cùng anh em vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Có hôm anh đi làm về đã hơn 4 giờ chiều, bầu trời âm u, sương mù dày đặc, căn nhà của đội lợp bằng cỏ tranh bị mủn dột thế là Lại rủ mấy anh em đi cắt lá cọ về rồi tự mình cặm cụi lợp chỗ dột cho đến 9 giờ tối mới xong. Có ngày chủ nhật, Lại lặng lẽ mang dao ra phát quang bụi rậm ở quanh lán trại của đội để chống vắt cắn. Nguyễn Bá Lại có ý chí phấn đấu vươn lên rất rõ. Anh sống có bản lĩnh, ham học hỏi và cầu tiến bộ. Trong thời gian bảy năm công tác, Lại cố gắng trau dồi nghiệp vụ chuyên môn, vừa luyện tiếng nước ngoài vừa học tiếng đồng bào Dao địa phương. 

Bà Hạnh Nhu, nguyên phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam là bạn học cấp III với Nguyễn Bá Lại tâm sự: Tôi và Lại học cùng với nhau mấy năm cấp III, tính Lại ít nói, trầm tĩnh, không ồn ào, chăm học, thông minh - nhất là các môn Toán, Vật lý. Những giờ chữa bài tập ở lớp, bài nào khó thầy giáo đưa mắt nhìn về phía Lại, thế là Lại lên bảng giải các bài tập một cách chính xác. Khi nhận được giấy báo ra nước ngoài học, Lại bẽn lẽn cho chúng tôi biết tin ấy. Dường như Lại suy nghĩ rất nhiều bởi giữa lúc bạn học cùng có người chuẩn bị đi bộ đội thì Lại vinh dự được đi học ở nước ngoài. Bẵng đi mấy năm chúng tôi không nhận được tin tức gì của Lại, khi nghe tin Lại hy sinh một số bạn bè chúng tôi cùng lớp với Lại gặp nhau không nén nổi niềm thương nhớ, cảm phục. 

Còn cựu kỹ sư Trần Dư, 1 trong 6 người chiến đấu trong hầm chữ A ngày 17/2/1979 cùng Nguyễn Bá Lại không cầm được nước mắt: Lại hy sinh để chúng tôi được sống, chúng tôi càng thương nhớ học tập những đức tính quý báu của anh. Anh làm việc rất nghiêm túc, khẩn trương, sống tình nghĩa, thủy chung với anh em bạn bè. Lại đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng Đoàn địa chất 305, anh liên tục là chiến sĩ thi đua. Đầu năm 1979, biết tin vợ ở quê sinh con trai, Lại chuẩn bị nghỉ phép nhưng tình hình biên giới căng thẳng, mọi người vừa công tác vừa sẵn sàng chiến đấu, Lại là Trung đội trưởng tự vệ, anh đã hủy chuyến đi phép ở lại cùng anh em.

Bà Phạm Thị Hồng, vợ liệt sĩ Nguyễn Bá Lại giờ tóc đã điểm sương, những nếp nhăn hằn năm tháng vất vả, cực nhọc thay chồng nuôi con thấm đẫm dòng nước mắt đã cạn khô trên gương mặt khắc khổ nghẹn ngào kể: Tôi và anh Lại xây dựng với nhau năm 1973, cả hai quá nghèo phải đi ở nhờ nên ba năm sau mới sinh cháu gái đầu lòng. Năm 1976, nhờ sự giúp đỡ của gia đình bên ngoại mới có đất dựng túp nhà tranh. Cơn bão cuối năm 1978 xô đổ ngôi nhà, anh Lại dựng tạm rồi vội về đơn vị, bước chân trên đoạn đường làng gập ghềnh, anh ngoái lại động viên tôi: “Anh đi qua tết rồi về dựng lại cho mẹ con em nếp nhà”. Ai ngờ, lần ấy là lần cuối, anh Lại đi mãi không về. 

Giờ thì con đường làng gập ghềnh lưu dấu chân Nguyễn Bá Lại đã được Đảng bộ và nhân dân Thụy Trình xây dựng to đẹp, trải nhựa phẳng phiu, dài 1,65km, rộng 10m với kinh phí gần 6,5 tỷ đồng. Con đường trải dài nỗi nhớ không nguôi về người trí thức, liệt sĩ anh hùng không tiếc máu xương bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc sẽ mang tên Nguyễn Bá Lại.


Ông Tạ Đồng Thùy, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy


Liệt sĩ Nguyễn Bá Lại là người con quê hương Thụy Trình, xuất thân trong một gia đình nghèo có bề dày truyền thống cách mạng. Lớn lên, anh là người con ngoan, trò giỏi, có thành tích học tập xuất sắc, được cử sang Liên Xô tu nghiệp. Là một trí thức yêu nước, anh đã kiên cường chiến đấu cùng đồng đội tiêu diệt 500 tên địch, thu nhiều vũ khí, bảo vệ 300 cụ già, em nhỏ, bảo vệ đồng đội, bảo vệ tài liệu, hồ sơ Đoàn địa chất 305 và đã anh dũng hy sinh, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Ba, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1996.

Ông Tạ Đồng Sảng, nguyên Chủ tịch UBND xã Thụy Trình, Bí thư Chi bộ thôn Thượng, xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy

Năm 1979, biết tin Nguyễn Bá Lại hy sinh anh dũng bảo vệ biên cương Tổ quốc tôi rất xúc động và vô cùng thương tiếc. Hồi còn là học sinh cấp I + II, Nguyễn Bá Lại là Liên đội trưởng Liên đội Thiếu niên tiền phong thôn Thượng mang tên Điện Biên Phủ dẫn đầu phong trào thi đua “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ” toàn xã. Khi tốt nghiệp ở nước ngoài về, mặc dù được chọn làm việc tại Hà Nội nhưng Nguyễn Bá Lại vẫn xung phong lên miền núi thăm dò khai thác mỏ làm giàu cho đất nước. Anh đã anh dũng hy sinh bảo vệ mỏ đồng Sinh Quyền. 17 năm sau, UBND xã Thụy Trình đã long trọng tổ chức lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Nguyễn Bá Lại tại quê nhà.  

Ông Nguyễn Công Sảo, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy

Nguyễn Bá Lại là một trí thức đầy nhiệt huyết cách mạng, kế thừa truyền thống yêu nước của gia đình, anh đã anh dũng hy sinh bảo vệ biên cương Tổ quốc. Gia đình anh hiện nay có hai Bà mẹ Việt Nam anh hùng là bà mẹ thân sinh Nguyễn Bá Lại; bà mẹ thân sinh chị Phạm Thị Hồng (vợ anh Lại) và anh Lại được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, chúng tôi rất khâm phục.


Lê Quang

  • Từ khóa