Thứ 4, 08/01/2025, 11:31[GMT+7]

55 năm từ báo chí truyền thống đến báo chí - truyền thông kỷ nguyên số (kỳ 2)

Thứ 5, 08/06/2017 | 09:13:25
2,875 lượt xem
Hoạt động báo chí - truyền thông đang đứng trước những thách thức gay gắt và những cơ hội lớn. Thách thức về cạnh tranh với mạng xã hội và truyền thông xã hội đòi hỏi thay đổi tư duy và phong cách hành nghề cũng như mô thức tổ chức tòa soạn; thách thức về kinh tế báo chí - truyền thông khi thị phần và công chúng báo chí thu hẹp; thách thức về vai trò, vị thế và năng lực tác động xã hội,...

Ảnh minh họa.

Nếu cơ quan báo chí nào thành công trong việc vươn ra chiếm lĩnh, chi phối công chúng và thị phần thì đồng nghĩa với việc thành công trong phát triển kinh tế báo chí - truyền thông và làm tốt nhiệm vụ chính trị; nếu không thì “xôi hỏng, bỏng không”. Những thách thức này đặt ra cho hoạt động đào tạo nguồn nhân lực báo chí - truyền thông.

1. Môi trường truyền thông thay đổi, báo chí đang thay đổi
Có thể khẳng định rằng, Khoa Báo chí là đơn vị đưa vào chương trình đào tạo đại học môn học Lý thuyết truyền thông sớm nhất toàn quốc - từ năm 1999, chỉ sau 2 năm Việt Nam quyết định tham gia mạng toàn cầu internet. Internet đã và đang làm thay đổi rất nhanh chóng về mọi mặt của đời sống xã hội đương đại, từ nhận thức, tư duy đến phong cách và hành xử của con người và xã hội nói chung.

Kỹ thuật và công nghệ truyền thông số - nền tảng tạo ra mọi chuyển động đã và đang làm thay đổi về mọi mặt và đòi hỏi báo chí phải thay đổi. Trong môi trường truyền thông công nghệ số, có thể gọi là môi trường truyền thông số, đã tạo ra khả năng siêu kết nối trên phạm vi rộng lớn đang tạo ra nền báo chí kết nối mà ở đó mỗi tòa soạn báo chí cần phải là một trung tâm kết nối xã hội; mỗi nhà báo phải là mỗi nhà kết nối.

2. Định hướng đào tạo báo chí trong kỷ nguyên truyền thông số
Trên phương diện góp phần đào tạo nguồn nhân lực báo chí - truyền thông trong bối cảnh và môi trường truyền thông số, theo chúng tôi, cần chú trọng mấy vấn đề sau đây:

Một là, nhà báo chuyên nghiệp cần phải được đào tạo căn bản, dù đào tạo ban đầu hay đào tạo nâng cao, đào tạo bổ sung. Quá trình đào tạo này cần tránh hai khuynh hướng rất dễ xảy ra: thiên về hàn lâm hoặc thiên về dạy nghề bắt tay chỉ việc.

Đào tạo nguồn nhân lực báo chí - truyền thông trong môi trường truyền thông số là cung cấp và hướng dẫn người học khai thác các nguồn kiến thức để làm phong phú hệ kiến thức nền tảng, cung cấp phương pháp tiếp cận và giải quyết vấn đề, cách thức thuyết phục công chúng và dư luận xã hội để họ có khả năng thích ứng rộng sau khi ra trường; không nên chỉ đào tạo chuyên môn hẹp trên nền kiến thức mỏng sẽ làm khó cho người học thích ứng trong môi trường xã hội thay đổi và môi trường truyền thông số biến động nhanh.

Hai là, trong môi trường truyền thông số, khái niệm “báo chí kết nối” đang hình thành, cần chú trọng đào tạo vừa thu hẹp vừa mở rộng. Thu hẹp quy mô đào tạo nhà báo chuyên nghiệp để tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng đào tạo. Cần thay đổi quan niệm từ đào tạo người viết báo thành đào tạo người vừa viết bài tốt vừa biết làm báo - có ý tưởng và biết tổ chức, kết nối nguồn lực xã hội. Cần quan tâm đào tạo đội ngũ nhà báo chuyên trách có hệ kiến thức và kỹ năng, phương pháp chuyên sâu - như báo chí điều tra, báo chí chính luận, báo chí chính trị, báo chí môi trường, báo chí - truyền thông với quản lý và ứng xử với truyền thông trong khủng hoảng...

Ba là, cần quan tâm cập nhật kiến thức và kỹ năng làm việc chuyên nghiệp cho các nhà báo, nhà truyền thông chuyên nghiệp theo hướng chuyên sâu, nhất là kiến thức pháp luật và kiến thức, phương pháp chuyên đề lĩnh vực đề tài cũng như phương pháp tác nghiệp; đặc biệt chú trọng đào tạo kiến thức, năng lực thiết kế và quản trị chiến dịch truyền thông, chiến lược và kế hoạch truyền thông, cũng như tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí chuyên biệt. Xét trên phương diện kinh tế báo chí - truyền thông, vừa có khả năng bảo đảm chi phối thị trường bình dân vừa chiếm lĩnh thị trường ngách.

Bốn là, cần có chính sách đào tạo, phát triển đội ngũ nhà báo chính luận và nhà báo điều tra... cùng với đào tạo, tập huấn bảo đảm kiến thức, phương pháp làm việc và tính chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý cơ quan báo chí từ ban biên tập đến các phòng, ban chức năng. Có thể nói, đó là những binh chủng đặc biệt cần bảo đảm tính chuyên nghiệp và tinh nhuệ của nghề nghiệp báo chí - truyền thông; bảo đảm họ là những nhà văn hóa, nhà kinh tế, nhà chính trị - xã hội luôn giương cao ngọn cờ tư tưởng và đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực và góp phần làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội.

Năm là, Khoa Báo chí cần xây dựng, tích hợp và thích ứng với các khối việc lớn. Một là, đào tạo theo chương trình chuẩn từ trình độ đại học, thạc sĩ đến tiến sĩ trên cơ sở các chuẩn mực được nêu ra trong chương trình, bảo đảm chất lượng mong đợi của nghề nghiệp, nhất là bảo đảm tiêu chuẩn đầu ra. Hai là, cần trở thành trung tâm tập huấn đào tạo lại nguồn nhân lực báo chí - truyền thông theo các tiêu chuẩn chức danh tòa soạn, theo nhu cầu xã hội, đáp ứng nhu cầu tư vấn, kiến tạo và triển khai các chiến dịch và kế hoạch báo chí - truyền thông; chú trọng cùng với các đồng nghiệp tổ chức và cấu trúc lại các tòa soạn bảo đảm đổi mới mô hình tổ chức - sản xuất và quản lý cơ quan báo chí và tòa soạn báo chí cũng như các cơ sở truyền thông.

Sáu là, cần thay đổi cung cách quản lý và quản trị quá trình đào tạo, nhất là đào tạo báo chí có nhiều đặc thù; tránh tình trạng biến công tác quản lý thành rào cản hoặc tạo ra những ức chế không cần thiết.

Trong bất cứ môi trường, điều kiện và hoàn cảnh nào, đào tạo báo chí luôn nhận được nhiều sự quan tâm từ những chiều cạnh khác nhau. Có thể nói, đào tạo nhân lực báo chí khó hơn nhiều lĩnh vực khác. Bởi chưa nói đến những khó khăn cố hữu, nó luôn đứng trước những thử thách và sự nhìn nhận khác nhau của công chúng và dư luận xã hội, của các đồng nghiệp.

PGS, TS Nguyễn Văn Dững
(Giảng viên cao cấp Trưởng khoa Báo chí)