Thứ 6, 27/12/2024, 12:08[GMT+7]

Chuyện phơi thóc, đốt rơm rạ

Thứ 3, 20/06/2017 | 08:56:22
2,482 lượt xem
Ngày mùa, những con đường to đẹp bỗng chốc bị thu hẹp một cách bất ngờ do một phần mặt đường đã bị người dân tạm thời “trưng dụng” làm nơi tuốt lúa, phơi thóc, phơi rơm. Đây là nguy cơ rất cao tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Tại các tuyến tỉnh lộ ĐT 454, ĐT 463 hay các tuyến đường liên xã, liên thôn trên địa bàn huyện Vũ Thư, nhiều nông dân vô tư tuốt lúa, phơi thóc, phơi rơm ngay trên mặt đường giao thông. Những hôm trời nắng nóng, nông dân mang thóc ra đường phơi càng nhiều. Một số hộ còn trải những tấm bạt rộng hàng chục mét vuông ra đường để phơi thóc cho sạch. Cẩn thận hơn, họ còn buộc những hòn gạch to ở góc bạt để không bị gió bay, hất tung thóc. Đường giao thông vô hình chung đã trở thành sân phơi riêng của nhiều gia đình. Các phương tiện giao thông qua lại trên đường vừa phải tránh không đè vào thóc, va chạm vào người phơi vừa phải tránh không để xe đâm vào những hòn gạch to buộc giữ bạt. Mặt khác, khi hành lang giao thông và phần đường dành cho xe thô sơ bị chiếm hết chỗ, người tham gia giao thông phải đi vào phần đường dành cho xe cơ giới thì tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào. 

Người nông dân có rất nhiều lý do biện minh cho việc lấn chiếm lòng đường làm sân phơi như nhà không có sân phơi, tiện mặt đường nên phơi luôn... Bà Phạm Thị Bắc ở xã Hòa Bình (Vũ Thư) cho biết, phơi thóc, phơi rơm trên đường nhanh khô hơn, nếu được nắng thì chỉ cần một ngày là có thể đóng vào bao cất đi. Mọi người cũng tranh thủ thôi, mùa thu hoạch thì chỉ 2 - 3 ngày là xong rồi trả lại đường thông, hè thoáng.

Những câu trả lời thật hồn nhiên đã cho thấy nhận thức hạn chế của một bộ phận người dân về Luật Giao thông đường bộ và các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tai nạn giao thông trên các tuyến đường luôn tiềm ẩn và chỉ tính bằng giây, bằng phút. 

Anh Phan Thế Anh, hãng taxi Mai Linh cho biết, ngày 14/6, khi đang đi trên tuyến đường liên thôn của xã Tự Tân (Vũ Thư), anh điều khiển xe đi qua một đoạn đường phơi dày rơm rạ, không còn chỗ tránh, buộc phải đi vào và bị rơm cuốn bó chặt lấy bánh trước gây chết máy. Anh phải điện về trung tâm sửa chữa để được hỗ trợ khẩn cấp.

Chính quyền các địa phương đã chỉ đạo các thôn bố trí điểm phơi hợp lý như sân nhà văn hóa thôn, sân trường học... để bà con có nơi phơi thóc, phơi rơm. Đồng thời, công an xã phân công lực lượng công an viên thường xuyên tuần tra, nhắc nhở người dân tuyệt đối không phơi thóc, phơi rơm dưới lòng đường, trước hết là bảo vệ an toàn cho chính mình, sau nữa là bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của những người tham gia giao thông.

Nhiều năm nay, cứ đến mùa gặt là người dân lại phải sống trong cảnh “sương mù nhân tạo”. Khói từ việc đốt rơm rạ với khối lượng lớn không chỉ gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe người dân mà còn là nguyên nhân gây mất an toàn giao thông. 

Trong khói đốt rơm rạ có các hạt bụi nhỏ, bồ hóng muội than, khí CO, CO2, SO2, NO2... Khói rơm rạ có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng khiến người hít phải dễ bị ho, hắt hơi, buồn nôn, ngạt thở... Khói do đốt rơm rạ thường cháy không thành ngọn lửa nên sinh ra rất nhiều khí CO. Đây là loại khí rất độc, có thể gây chết người. Người hít nhiều và kéo dài có thể biến đổi cấu trúc của bộ máy hô hấp, gây dễ mắc nhiễm trùng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi... Đã có nhiều bệnh nhi nhập viện sau mùa gặt mà nguyên nhân cũng từ khói đốt rơm rạ của bà con nông dân. 

Các chuyên gia nông nghiệp đã khuyến cáo, đốt rơm rạ tại đồng không chỉ gây ô nhiễm mà đó còn là sự lãng phí lớn. Đốt bỏ rơm rạ cũng có nghĩa là đã bỏ đi một lượng phân bón, chất dinh dưỡng cần thiết cho lúa, nên xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ để bón. Đồng thời, việc đốt rơm rạ tại đồng còn tiêu diệt các loại thiên địch có ích, làm mất cân bằng sinh thái, một trong những nguyên nhân gây phát sinh sâu bệnh trên đồng ruộng. Đặc biệt, trong điều kiện sinh hoạt hiện nay lượng phân chuồng bón ra ruộng rất ít, chủ yếu sử dụng phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật.

Các phương tiện thông tin đại chúng và mỗi địa phương ở Vũ Thư, Hưng Hà đã tuyên truyền tới người nông dân cách vừa tận dụng nguồn rơm rạ làm phân vừa không gây độc cho lúa và môi trường như phun phân bón hữu cơ sinh học AT xử lý rơm rạ, bón phân vi sinh đa chủng đa chức năng Azotobacterin, các chế phẩm sinh học... Tuy nhiên, một phần vì chưa hiểu thấu đáo, một phần vì chỉ thấy cái lợi trước mắt nên người nông dân vẫn chưa áp dụng nhiều. Do đó, việc đốt rơm rạ vẫn tái diễn sau mỗi mùa vụ cũng như việc nông dân biến lòng đường thành sân phơi của gia đình mỗi khi vào mùa gặt đã trở thành câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

“Điều 12, Mục 2, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ nêu rõ: phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ”.

Thanh Vân - Hà Thanh - Xuân Sinh

(Cộng tác viên)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày