Thứ 3, 23/07/2024, 04:34[GMT+7]

Tiếng máy trên đồng

Thứ 4, 21/06/2017 | 09:13:59
693 lượt xem
Tiếng máy gặt nổ giòn tan trên cánh đồng Chùa. Bà con xã viên HTX í ới gọi nhau ra đón nhận những bao thóc vàng đầy ắp vừa gặt xong từ những thửa ruộng của nhà mình.

Ảnh: Trần Tuấn

Vừa vác thóc lên xe, ông Toàn vừa cười nói hể hả: Mới ngày nào còn thu hoạch bằng liềm, hái, bó từng lượm, gánh đội oằn cả xương sống mà bây giờ đã có máy gặt thay người, sướng ơi là sướng...Từ ngày có máy về làng, vụ nào cũng chỉ thu hoạch 5 - 7 ngày là xong hết. Máy gặt đi thì máy cày đến. Vụ xuân này được trời “phù hộ”, vừa gặt buông tay là trời đổ mưa như trút nước. Nhân dân quanh vùng giữ nước, HTX vận hành các trạm bơm “té nước theo mưa”. Thế là hầu hết các xứ đồng đều có đủ nước cày bừa ngả. Xã viên vui lòng hả dạ. Ruộng đất ở xã viên. Máy gặt, máy cày ở các chủ hộ gia đình quản lý. Tại sao HTX vụ nào cũng thu hoạch nhanh gọn và cày cấy đúng thời vụ? Đó là bài học chỉ đạo sản xuất, ai cũng muốn học tập. Bài học ấy được đúc kết ở ba chữ: “Đắc nhân tâm”, nghĩa là được lòng người. Người chủ ruộng cũng vui vẻ, người chủ máy cũng hân hoan. Muốn làm được như vậy thì HTX đứng ra làm trọng tài, hướng dẫn các hộ xã viên ký kết hợp đồng với các chủ máy. Giá bao nhiêu tiền/sào? Chất lượng khâu thu hoạch, làm đất phải bảo đảm ra sao và thời gian phải hoàn thành công việc khi nào? Với cách làm ấy, chủ máy coi việc thu hoạch và làm đất cho xã viên như của nhà mình nhờ vậy tránh được tình trạng chờ đợi, trách cứ lẫn nhau bừa dối, bừa kỹ, trang gạt không bằng phẳng…  Và đặc biệt, không có tình trạng các chủ máy tranh giành địa bàn của nhau gây mất đoàn kết. Thế là vụ nào cũng có tiếng máy reo vui trên khắp các cánh đồng, kể cả lúc làm đất hay khi thu hoạch.

Ngọc Hồ
(Hồng An, Hưng Hà)