Thứ 6, 22/11/2024, 22:50[GMT+7]

Lần đầu thực hiện nội soi gắp dị vật đường tiêu hóa trên bệnh nhi

Thứ 3, 27/06/2017 | 11:40:38
4,052 lượt xem
Thay vì phải chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên, Bệnh viện Nhi Thái Bình đã thực hiện thành công ca nội soi cấp cứu gắp dị vật đường tiêu hóa trên bệnh nhi 20 tháng tuổi. Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Nhi thực hiện kỹ thuật này và đã thành công.

Bác sĩ Trần Trọng Kiểm khám bệnh cho bé Nguyễn Anh Kiệt.

11 giờ ngày 20/6, cháu Nguyễn Anh Kiệt, 20 tháng tuổi được gia đình đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi do nuốt phải một vật bằng sắt, hình tròn. Ngay lập tức, cháu Kiệt được đưa đi chụp X.quang và được xác định có 1 dị vật ở thực quản, to khoảng bằng đồng xu, nằm ở vị trí ngang đốt sống D3 và D4.

Bệnh nhi được nhập Khoa Tiêu hóa và theo dõi sát sao sức khỏe, đường đi của dị vật. Đồng thời xác định nếu dị vật không xuống dạ dày, bệnh nhi cần được xử lý lấy dị vật ra bằng đường nội soi. Bác sĩ cũng đồng thời dặn gia đình không cho cháu ăn uống bất cứ thứ gì phòng tình huống bị trào ngược vào phổi.

Qua theo dõi, chụp X.quang song nhiều tiếng sau thấy dị vật vẫn mắc nguyên ở vị trí ban đầu. Các bác sĩ chỉ định bệnh nhi cần được nội soi cấp cứu lấy dị vật ra, tránh tình trạng dị vật làm tổn thương thực quản. Kíp thực hiện kỹ thuật được thành lập gồm có 5 bác sĩ, kỹ thuật viên, bác sĩ Trần Trọng Kiểm làm trưởng kíp. 21 giờ cùng ngày, các bác sĩ tiến hành nội soi lấy dị vật. Vì bệnh nhi mới 20 tháng tuổi liên tục giẫy giụa quấy khóc, các bác sĩ đã phải thực hiện gây mê toàn thân bệnh nhi và hỗ trợ thở máy. Sau 30 phút tính từ lúc gây mê, dị vật là một long đen bằng sắt, đường kính 3cm đã được nội soi gắp ra khỏi người bệnh nhi thành công và không làm chảy máu thực quản và đường thở. Ngay khi tỉnh lại, bệnh nhi đã nhanh chóng hồi phục. Qua hai ngày theo dõi, đến chiều ngày 22/6, bệnh nhi đã được ra viện trong niềm vui, phấn khởi của gia đình. 

Anh Nguyễn Như Thiện, bố bệnh nhân chia sẻ: Khi cháu nuốt phải dị vật, gia đình đã rất bối rối và lo lắng đến tính mạng của cháu. Khi đến Bệnh viện Nhi, được các bác sĩ thăm khám khẩn trương, quan tâm, trách nhiệm, sát sao theo dõi từng giờ từng phút và thực hiện kỹ thuật, lấy được dị vật ra khỏi cơ thể cháu thành công. Gia đình vô cùng biết ơn các y bác sĩ Bệnh viện Nhi Thái Bình. Mong Bệnh viện tiếp tục phát triển thêm nhiều kỹ thuật mới, giúp bệnh nhân được cứu chữa kịp thời ngay tại tỉnh mà không phải chuyển tuyến trên; giúp người nhà bệnh nhân chúng tôi bớt hoang mang, lo lắng. Đồng thời tiết kiệm được chi phí, tránh được phiền hà khi phải đưa con đi cấp cứu ở các bệnh viện tuyến trên...

Bác sĩ Trần Trọng Kiểm, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Thái Bình cho biết: Có nhiều trường hợp trẻ em nuốt dị vật được đưa đến Bệnh viện Nhi cấp cứu, trong đó có những trường hợp trẻ nuốt phải những dị vật sắc nhọn, nguy hiểm như đinh, chìa khóa, pin... Các bác sĩ thường theo dõi, xử lý để dị vật có thể trôi xuống dạ dày, đào thải theo phân. Nếu dị vật không di chuyển mà mắc cố định một chỗ, bệnh nhi sẽ được chuyển cấp cứu lên các bệnh viện tuyến trên. Song đó là trước kia khi máy móc thiết bị y tế của Bệnh viện còn thiếu đồng bộ, trình độ y bác sĩ còn hạn chế. Từ đầu năm 2017, Khoa Tiêu hóa đã được bổ sung một số thiết bị y tế hiện đại, trong đó có hệ thống nội soi tiêu hóa hiện đại nhất hiện nay. Các y bác sĩ, kỹ thuật viên sau một thời gian được cử đi đào tạo ngắn hạn, dài hạn ở các bệnh viện lớn tuyến trung ương cũng đã tự tin làm chủ nhiều kỹ thuật mới. Hiện Khoa Tiêu hóa đã thực hiện tốt các kỹ thuật chẩn đoán các bệnh lý thực quản, dạ dày, tá tràng, các bệnh lý đại trực tràng, cắt phô líp, nội soi gắp dị vật, cầm máu xuất huyết đường tiêu hóa...

Nhân trường hợp này, bác sĩ Trần Trọng Kiểm cũng khuyến cáo đối với các phụ huynh có con nhỏ: Trẻ nuốt phải dị vật rất nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy phải lưu ý tránh để những vật dụng, những đồ chơi có hình dạng nhỏ xung quanh bé, phòng trường hợp bé ngậm và nuốt. Nếu trẻ bị hóc dị vật, tuyệt đối không dùng tay móc họng cho trẻ ói ra, tránh tình trạng trào ngược chất ói, dẫn đến có thể tử vong. Nhiều khi tự dùng tay móc dị vật còn làm trầy xước vùng họng, gây phù nề cũng có thể làm trẻ khó thở hơn. Khi cho trẻ ăn những loại trái cây có hạt thì phải lưu ý lấy hết hạt ra trước, đồng thời nhắc trẻ ăn từ từ, cẩn thận. Khi trẻ chẳng may nuốt phải dị vật phải lập tức đưa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ theo dõi cứu chữa kịp thời.

Hà Dung