Thứ 5, 04/07/2024, 06:30[GMT+7]

Hai con tim một nhịp đập

Thứ 2, 03/07/2017 | 14:31:55
2,726 lượt xem
Hai người con ưu tú của làng Nguyễn, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng đã chiến đấu, lập công xuất sắc và anh dũng hy sinh khi hai con tim tuổi đôi mươi căng tràn nhiệt huyết cách mạng, quyết chiến, quyết thắng quân thù, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Con đường làng in dấu chân anh hùng Nguyễn Đình Chính.

Hai con tim ấy cùng một nhịp đập và đã nhỏ giọt máu thắm đỏ xuống miền Nam yêu thương là liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đình Chính và Nguyễn Chát Xê, một trên trận tuyến đánh đuổi thực dân Pháp, một trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đình Chính sinh năm 1924 tại thôn Bắc Lạng, xã Nguyên Xá, được tổ chức đảng chọn vào Ban công tác I, tiền thân của Biệt động Sài Gòn, trước lúc hy sinh ông bị thực dân Pháp “tặng” hai án tử hình, khi ra pháp trường ông hiên ngang đọc bản điều trần thực dân Pháp bằng tiếng Pháp “Memoi re de Desfence” và đòi thực dân Pháp thực hiện ba điều kiện: một là, được hát quốc ca; hai là, không được bịt mắt; ba là, không được trói tay, khiến kẻ thù khiếp sợ, phải đồng ý cho ông được hát quốc ca và không bịt mắt. 

Còn liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Chát Xê là Đại đội phó Đại đội 5, Đoàn 10 đặc công, Bộ Tư lệnh Miền. Lúc Nguyễn Đình Chính học xong bậc tiểu học rời quê hương về Trường Kỹ thuật thực hành học thì Nguyễn Chát Xê vẫn còn bé nhưng 20 năm sau, hai người con ưu tú của quê hương Nguyên Xá anh hùng lại cùng một địa bàn hoạt động chống quân xâm lược ngay tại đô thành Sài Gòn, người đánh Pháp, người giết giặc Mỹ xâm lăng.

Đầu năm 1944, sau khi tốt nghiệp Trường Kỹ thuật thực hành vào làm công nhân trong nhà máy cơ khí Đáp Cầu (Bắc Ninh) một thời gian, Nguyễn Đình Chính xuống Hải Phòng gia nhập hải quân Pháp, ông được đưa vào Sài Gòn làm lính thợ trong xưởng đóng tàu Ba Son. Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp, Nguyễn Đình Chính đã cùng đội Thăng, người thường bênh vực lính thợ Việt Nam thực hiện kế hoạch đánh chìm chiến hạm Suren của Pháp. Kế hoạch bại lộ, Nguyễn Đình Chính bị địch truy nã và bị bắt, sau đó chúng nhốt ông ở đồn binh Lái Thiêu - Cát Lái rồi tiếp tục đưa ông xuống giam tại Vũng Tàu. Lợi dụng lúc địch sơ hở, ông vượt ngục quay trở lại Sài Gòn tiếp tục hoạt động cách mạng. 

Tại Sài Gòn, ông cùng anh em công nhân liên tục tổ chức bãi công, do vậy mật thám Pháp đã để mắt tới ông. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nguyễn Đình Chính được cách mạng giao nhiệm vụ huấn luyện 2 tiểu đoàn dân quân địa phương để lùng bắt những ổ cướp trong vùng Lộc Ninh, Dầu Tiếng. 

Rồi trận chiến chống thực dân Pháp tại Sài thành buộc ông quay trở lại Lái Thiêu đảm trách nhiệm vụ Trưởng ban quân khí. Một thời gian sau ông được tổ chức giao nhiệm vụ Trưởng Ban công tác I, tiền thân của Biệt động Sài Gòn. Ban công tác I do Nguyễn Đình Chính chỉ huy đánh giặc trong hoàn cảnh thiếu vũ khí, khi có súng không có đạn, lựu đạn tự sản xuất ném không nổ, nhiều trận địch quay lại tấn công gây tổn thất nặng nề. 

Bằng tài trí và lòng dũng cảm của ông cộng với tinh thần chiến đấu kiên cường của toàn Ban, nhiều trận quân ta chiến thắng giòn giã, nhiều chiến công làm nức lòng nhân dân Sài Gòn, khiến kẻ thù khiếp vía kinh hoàng. 

Giữa năm 1946, ông cùng 5 anh em trong Ban đóng giả trí thức thân Pháp đột nhập vào nhà một tên phản động chỉ điểm cho quân Pháp bắt 10 cán bộ cách mạng, tiêu diệt 5 tên phản động. 

Ngày 26/2/1947, trong một chuyến công tác, Nguyễn Đình Chính bị giặc Pháp phục kích bắt sống. Chúng dùng cực hình tra tấn ông. Hai năm trong ngục tử tù giặc Pháp không lung lạc được ý chí sắt son với cách mạng của ông, chúng quyết định xử bắn ông tại pháp trường khám Chí Hòa. Trước lúc hy sinh ông còn cắn ngón tay lấy máu viết huyết thư gửi vị Cha già kính yêu của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong cuộc chiến đấu cam go, gian khổ, mưu trí, dũng cảm của người lính đặc công, liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Chát Xê đã tham gia 18 trận, đánh chìm 12 tàu chiến có trọng tải từ 8.000 - 13.000 tấn, đánh hư hỏng nặng 4 tàu có trọng tải từ 10.000 - 12.000 tấn, phá hủy 15 triệu lít xăng dầu. 

Trong trận đánh đêm ngày 10/5/1971 tại bến cảng Nhà Bè và sông Lòng Tàu, mặc dù lính Mỹ tuần tra gắt gao, ban đêm hệ thống đèn pha cực sáng rọi soi hai mép nước rõ từng ngọn cỏ nhằm ngăn chặn đặc công Việt cộng nhưng với quyết tâm tiêu diệt địch Nguyễn Chát Xê đã cùng tổ đặc công áp sát mục tiêu. Trong khi đang gắn thuốc nổ vào tàu địch thị bị chúng phát hiện. Ngay lập tức địch cho thuyền máy yểm trợ bao vây, bắn như vãi đạn xuống lòng sông và dùng loa phóng thanh kêu gọi đặc công Việt cộng đầu hàng. Biết không thể thoát khỏi vòng vây quân thù, để giữ bí mật Nguyễn Chát Xê bình tĩnh chỉ huy đồng đội rút lui bảo toàn lực lượng còn mình ném lựu đạn thu hút hỏa lực địch, đánh lừa mục tiêu giúp đồng đội thoát khỏi vòng vây. Khi biết đồng đội đã rút lui an toàn, anh cho khối bộc phá nổ tung và anh dũng hy sinh. 

Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Chát Xê sinh năm 1947 tại thôn Trần Phú, xã Nguyên Xá. Tháng 6/1965, anh tình nguyện gia nhập quân đội và được tuyển chọn đào tạo đặc công nước. Anh được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì, hạng Ba; 30 bằng khen, giấy khen; 18 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ đánh giao thông và hai lần được suy tôn là chiến sĩ thi đua.

Hai người con ưu tú Nguyễn Đình Chính và Nguyễn Chát Xê sinh ra và lớn lên trên vùng quê giàu truyền thống yêu nước, cách mạng mà xưa kia chỉ có hương lúa, bờ tre bình dị đã nuôi dưỡng nên ý chí anh hùng của những người con anh hùng. Xin mượn một đoạn trong bức huyết thư của anh hùng Nguyễn Đình Chính gửi vị Cha già kính yêu của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay cho lời kết: “…con, một chiến sĩ ly hương chỉ biết đem xương máu ra phụng sự Tổ quốc. Con đã thi hành hết nhiệm vụ và bổn phận để xứng đáng là trai thời loạn, là con của Cha… gửi tới Cha tất cả lòng kính trọng của đứa con yêu sắp trả xong nợ nước...”.


Ông Nguyễn Hữu Yến, cựu du kích làng kháng chiến Nguyên Xá, nguyên Trung đội trưởng dân quân xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng

Hồi còn ở nhà ông Nguyễn Đình Chính tướng mạo khôi ngô, thông minh khác người. Khi lớn lên chút ít ông Chính lên Đáp Cầu (Bắc Ninh) học trường nghề và đi vào Nam hoạt động. Còn anh Nguyễn Chát Xê là học sinh xuất sắc ở làng. Lúc anh Xê tòng quân chống Mỹ cứu nước tôi là Trung đội trưởng dân quân trực tiếp tiễn anh lên đường. Ông Nguyễn Đình Chính và anh Nguyễn Chát Xê là hai liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và đều là người con ưu tú của quê hương Nguyên Xá chúng tôi. Đây là niềm tự hào to lớn trên quê hương Nguyên Xá giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, đồng thời Nguyên Xá là xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp và hiện nay là xã nông thôn mới.
 

Bà Đỗ Thị Bảo, nguyên Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Trần Phú, nguyên hội viên Hội mẹ chiến sĩ xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng

Hoàn cảnh gia đình liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Chát Xê rất khó khăn, bản thân anh Xê lúc còn là học sinh ở nhà rất ngoan ngoãn, hiếu thảo và là lao động chính trong gia đình. Khi đi bộ đội anh liên tục lập công xuất sắc và được báo công về địa phương. Hội phụ nữ xã, thôn, Hội mẹ chiến sĩ chúng tôi rất vinh dự và tự hào có người con chiến sĩ lập nhiều chiến công xuất sắc trên trận tuyến đánh quân thù bảo vệ đất nước, chúng tôi thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, chung vui với gia đình anh Xê. Ngày 10/5/1971, anh Xê anh dũng hy sinh, chúng tôi coi đó là một tổn thất rất lớn dẫu vẫn biết sự hy sinh anh dũng của anh Xê và bao anh hùng liệt sĩ của chúng ta vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc là vinh quang, cao cả không gì so sánh được.
 

Ông Nguyễn Đình Bảy, em con chú ruột liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đình Chính, thôn Bắc Lạng, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng

Là người trực tiếp thờ cúng liệt sĩ, Anh hùng lực Lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đình Chính, tôi rất tự hào về người anh họ anh hùng của tôi. Thuở ấu nhi, tôi vẫn hay nghe các cụ trong họ tộc kể lại từ lúc còn nhỏ anh Chính thường hay tụ tập, chỉ huy bọn trẻ trong làng đánh trận giả, bơi lặn ở ao chùa Ấm. Khi bị mắng “nô như giặc” anh Chính cười to trả lời “Con sẽ làm tướng đánh giặc” và quả nhiên sau này anh là anh hùng đánh giặc ngoại xâm.



Quang Viện

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày