Thứ 7, 18/01/2025, 10:02[GMT+7]

Hồng Tiến chủ động phòng, chống lụt, bão

Thứ 3, 04/07/2017 | 18:09:02
2,212 lượt xem
Để ứng phó kịp thời với những diễn biến phức tạp của thời tiết trong mùa mưa, bão năm 2017, UBND xã Hồng Tiến (Kiến Xương) đã chủ động triển khai công tác phòng, chống lụt, bão với mục tiêu giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do mưa, bão gây ra.

Do nguồn kinh phí hạn hẹp nên nhiều đoạn đê trên địa bàn xã Hồng Tiến đã xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa.

Hồng Tiến là xã duyên giang nằm trong cụm phòng, chống lụt, bão của huyện Kiến Xương. Với chiều dài 22km đê bối và hệ thống kè, cống trải dài theo triền đê sông Hồng và sông Cốc Giang, hàng năm, UBND xã luôn chủ động xây dựng kế hoạch, giao cho các thôn tu bổ đê điều, nâng cấp, hoành triệt các đoạn đê xung yếu… Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên hiện nay một số đoạn đê trên địa bàn xã nền yếu, thẩm lậu, cống bị hư hỏng chưa được tu bổ, sửa chữa, nếu gặp tổ hợp bão, lũ và triều cường sẽ gây nguy hiểm. Trước mùa mưa, bão năm 2017, xã đã hoàn tất việc kiểm tra, xử lý mạch sủi trên các tuyến đê do địa phương quản lý. Bên cạnh đó, các thôn cũng hoành triệt các phai, bi lấy nước không cần thiết.

Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-UBND của UBND tỉnh về việc giải tỏa, chống lấn chiếm, sử dụng trái phép trong phạm vi hành lang công trình bảo vệ cầu, cống, đường thủy nội địa, công trình thủy lợi và đê điều trên địa bàn tỉnh, UBND xã đã tổ chức kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm Luật Đê điều, công trình thủy lợi, rà soát hiện trạng hệ thống đê, kè, cống và công trình thủy lợi để từ đó xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai sát với điều kiện thực tiễn địa phương. Bên cạnh đó, địa phương cũng huy động lực lượng giải tỏa dòng chảy, tháo dỡ các vật cản trên sông như đăng đó, vó bè, bèo bồng…

Ông Phạm Quang Hiệu, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hồng Tiến có diện tích tự nhiên khoảng 818ha với 6.163 nhân khẩu, được chia thành 6 thôn, trong đó thôn Cao Bình người dân chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt thủy hải sản. Với đặc điểm tình hình đó, trước khi bão xuất hiện trên biển Đông, UBND xã sẽ tuyên truyền để người dân nắm được, đồng thời kêu gọi các tàu thuyền về nơi tránh, trú an toàn. Khi bão đổ bộ vào đất liền, UBND xã xây dựng phương án để 64 tàu thuyền của ngư dân neo đậu, tránh trú tại sông Gốc đến cống Tân Lập; 19 tàu thuyền neo đậu tại xã Nam Hồng và Nam Thịnh (Tiền Hải); 24 tàu thuyền neo đậu tại Hải Phòng. Đối với 54 hộ dân ở vùng nuôi trồng thủy sản ngoài đê ngăn mặn, 12 hộ dân được cấp đất làm nhà ngoài đê Hồng Hà và 101 hộ dân của thôn Cao Bình, UBND xã có kế hoạch cụ thể, đến từng gia đình vận động, ký cam kết để người dân chủ động chằng, chống nhà cửa, di chuyển tài sản vào phía trong đê khi xảy ra bão, lũ. Trong trường hợp các tuyến đê xảy ra sự cố, địa phương sẽ huy động mọi nguồn lực để cứu hộ và bảo vệ đê theo phương châm “4 tại chỗ”. Ngoài ra, UBND xã cũng đã chuẩn bị 12 thuyền và 5 xe ô tô để chở nhân dân sơ tán tại các xã Bình Định và Bình Thanh trong trường hợp đê bị vỡ, nước dâng cao. Công tác phòng, chống và tiêu úng cũng được xã thực hiện nghiêm với phương châm “tháo cạn lòng sông, tưới nông mặt ruộng”. Trong thời gian tới, địa phương đề nghị các cấp, các ngành chức năng bố trí kinh phí để khắc phục kịp thời các sự cố tại điểm xung yếu. Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, bão để kịp thời xử lý hiệu quả các tình huống nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Với tinh thần chủ động và sẵn sàng ứng phó trước mọi tình huống bất ngờ của thời tiết, tin tưởng rằng, cùng với các cấp, các ngành và các địa phương trong toàn tỉnh, Hồng Tiến sẽ hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa, bão năm 2017, góp phần ổn định đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Phạm Hưng