Thứ 7, 23/11/2024, 07:25[GMT+7]

Chuyện thợ gặt

Thứ 5, 06/07/2017 | 08:12:07
3,345 lượt xem
Đã thành quen thuộc, khi cánh đồng phủ một màu vàng no ấm, không hẹn mà gặp, những chiếc máy gặt từ các tỉnh lại theo chân từng tốp thợ về xóm nhỏ chuẩn bị cho một vụ thu hoạch mới. Sau tiếng máy hối hả reo vang trên đồng lúa chín vàng mang niềm vui về cho bà con nông dân là những câu chuyện đời, chuyện nghề của những người thợ gặt.

Ảnh minh họa.

Giữa cánh đồng Dục Linh, xã An Ninh (Quỳnh Phụ), mặc cho nắng nóng gay gắt buổi trưa hè, 2 chiếc máy gặt cùng đội thợ vẫn cần mẫn với những đường gặt như con thoi dệt cửi. 

Tiếp chuyện tôi dưới một tán cây xanh, quệt vội những giọt mồ hôi trên trán, anh Nguyễn Văn Nam, chủ máy gặt đến từ xã Hồng Dụ, huyện Ninh Giang (Hải Dương) chia sẻ: Gia đình tôi trước làm nghề mộc, thấy địa phương ít máy gặt nên tôi mạnh dạn đầu tư, lúc đầu gặt trong xã, trong huyện sau đi các tỉnh. Một năm, đội thợ gần chục người của anh Nam đi gặt 4 - 5 tháng từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa… rồi Thái Bình, Bắc Giang… Trung bình mỗi tỉnh đội máy sẽ đứng chân gặt tầm nửa tháng, tùy vùng cấy nhiều giống lúa khác nhau thời gian gặt sẽ dài thêm, có nhiều vùng cấy 1 giống gặt 1 tuần là hết. Vay ngân hàng, mượn thêm người thân, anh Nam đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua 2 chiếc máy gặt đập liên hợp. “Trung bình công gặt 140.000 đồng/sào lúa không đổ, lúa đổ thì thu thêm, lúa không đổ ngày gặt được 10 - 12 mẫu, trừ chi phí lãi 80.000 đồng/sào, một vụ chạy liên tục phải kiếm trên 200 triệu đồng mới có lãi” - anh Nam nhẩm tính. Để quen việc và dễ làm ăn, thành viên của đội máy gặt thường là anh em, họ hàng, bất đắc dĩ, khi thiếu thợ mới phải thuê người ngoài, chủ yếu là phải thuê thêm người đóng thóc vào bao khi gặt rộ. 

Khéo léo điều khiển vô lăng, căn từng đường chạy trên những thửa ruộng chín vàng, Nguyễn Văn Cường, con trai anh Nam vẫy tay chào tôi. Cường mới 22 tuổi, để lại người vợ mới cưới làm giáo viên mầm non ở quê nhà rong ruổi theo bố qua từng vụ gặt. Sáng dậy sớm bảo dưỡng máy, trưa tranh thủ bóng râm trên đồng ăn cơm cặp lồng, uống vội chai nước rồi lại cần mẫn làm việc. “Làm nghề gì cũng phải có tâm, ngoài tính đúng diện tích, đội thợ phải chờ nắng lên tan sương mới gặt, chất lượng hạt thóc thu hoạch sẽ cao hơn, gặt không bỏ sót, thóc đóng bao gọn gàng… bà con mới tin yêu, vụ sau còn thuê tiếp” - Nguyễn Văn Cường chia sẻ thêm về nghề.  

Thử đứng cùng lái chính trên khoang điều khiển, dưới trời nắng gần 40 độ và công việc luôn tay mới thấy sự khắc nghiệt của nghề thợ gặt. Trên cánh đồng thôn Dụ Đại 3, xã Đông Hải (Quỳnh Phụ), mồ hôi thấm đẫm bộ quần áo lao động bạc màu, Lê Văn Đông, chủ máy gặt cười nói với tôi: Bà con vất vả quanh năm, giờ gặt hái mùa vàng, mình cố một tý lòng cũng vui. Tôi đi gặt qua nhiều tỉnh, thấy lúa Thái Bình năm nay đẹp lắm. Ngoài việc sắm máy gặt tốt, chủ máy phải có quan hệ xã hội với nhiều vùng, mỗi vùng có một người dẫn ruộng để liên hệ ruộng trước, đến vụ chỉ đưa máy về làm. Sắm máy ra, ngoài biết lái phải hiểu biết về máy móc, nhiều khi đang chạy bỗng hỏng xích, đứt dây cu roa… cả đội lại tập trung vào sửa. Nhiều vùng gặt đến gần nửa đêm mới xong nhưng đội máy gặt vẫn phải dậy từ 5 giờ sáng bảo dưỡng, nổ thử máy. Ưu điểm của gặt máy là hiệu suất làm việc vượt trội, rút ngắn thời gian thu hoạch, tiết kiệm công sức, chi phí cho người nông dân. Tuy nhiên, làm thợ gặt như đi làm dâu thiên hạ, khó trăm bề, lúa chín là phải có mặt ngay để gặt, nếu không sẽ mất mối làm ăn. Khác với Thái Bình, nhiều địa phương chưa dồn điền đổi thửa, ruộng manh mún, thợ phải bê cầu, chuyển máy nhiều, tốn thời gian và chi phí bảo dưỡng máy, có chủ ruộng khai bớt diện tích để bớt tiền công, đòi hỏi khắt khe… cũng buồn nhưng thường thợ gặt vui vẻ bỏ qua để lấy chỗ đi lại những vụ sau. 

Quê anh Đông tận xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), vợ làm giáo viên mầm non dạy cách nhà 80km, con gái mới 7 tháng tuổi phải mang gửi ông ngoại trông giúp, nhớ nhà, nhớ con, anh dự định đẩy nhanh tiến độ gặt ở Thái Bình sẽ tranh thủ về thăm nhà xong lại đi Hưng Yên cho kịp vụ.

Tranh thủ ngày mùa, Nguyễn Trần Công, hiện làm công nhân của Công ty Nhôm Đak Nông cắt phép cùng em trai ra Bắc gặt thuê. Nhà Công có 3 anh em trai, bố mẹ đều làm nông dân ở huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Cả nhà chạy vạy, vay thêm tiền ngân hàng mua được 1 chiếc máy gặt đi gặt thuê ở địa phương, trong quê không đủ tiền lãi, Công thuê xe chở máy gặt ra Bắc hy vọng kiếm thêm. Vụ đầu mấy anh em xa nhà đi gặt, cậu em trai Nguyễn Trần Lý còn bỡ ngỡ nên Công phải tự đi liên hệ ruộng và thu tiền công gặt giúp em. Mới làm, chưa quen người, quen ruộng, ngoài việc bị o ép nhiều về giá, anh em Công còn bị một số chủ máy hăm dọa, giành địa bàn. Ra Hải Phòng rồi về xã Đông La (Đông Hưng) gặt được 2 thôn xong hết ruộng lại phải đưa máy về, tiền thuê xe vận chuyển máy hết gần 20 triệu đồng, chưa kể các chi phí khác, vụ này với anh em Nguyễn Trần Công coi như lỗ. 

Công tâm sự: Đầu tư máy gặt là đánh đổi cả gia tài, vụ này lúa Thái Bình chín đẹp và được mùa, chỉ tiếc là em chưa liên hệ được nhiều ruộng nên coi như đi gặt thuê thất thu. Nhưng các vụ sau nhà em vẫn phải tiếp tục, bố mẹ em ở quê đã già, trót vay tiền ngân hàng mua máy giờ phải cố vun vén trả nợ.  

Mỗi người thợ gặt là mỗi câu chuyện vui buồn khác nhau nhưng họ như những con ong chăm chỉ trên những cánh đồng, mang trọn vẹn mùa vàng về với nông dân. Nâng hạt thóc căng tròn trên tay, có công sớm tối tảo tần hai sương một nắng, có mùi bùn nâu… và đâu đó còn thấm đẫm vị mặn chát mồ hôi của những người thợ gặt.

Minh Hưng