Thứ 6, 22/11/2024, 20:56[GMT+7]

Cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn với công tác “Đền ơn đáp nghĩa”

Thứ 6, 07/07/2017 | 08:16:47
2,216 lượt xem
Sau 2 lần nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị và mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang), thương binh Phạm Ngọc Sơn ở xã Phú Châu (Đông Hưng) trở về quê hương, mang trên mình thương tật 62%.

Cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn (người bên trái) cùng công nhân tại xưởng sửa chữa ô tô của Xí nghiệp.

Người thương binh, cựu chiến binh ấy luôn tâm niệm một điều “Mình đã may mắn trở về thì phải có trách nhiệm với đồng chí, đồng đội và với cả những người đã hy sinh”. Chính điều này đã thôi thúc ông tích cực tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” của địa phương, tạo việc làm cho các thương binh, bệnh

Năm 1996, cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn thành lập Xí nghiệp Vận tải 27/7 Đông Hưng. Những khó khăn về vốn liếng, nhân lực trong thời gian đầu khởi nghiệp không làm ông nản chí. Với bản lĩnh của người lính vận tải Trường Sơn, ông đã chèo lái đưa Xí nghiệp phát triển lớn mạnh, từ 20 xe lên trên 100 xe, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 200 lao động là thương binh, bệnh binh, bộ đội xuất ngũ, con em các gia đình chính sách. 

Cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn tâm sự: Hiện nay, trong tỉnh còn rất nhiều cựu chiến binh có cuộc sống khó khăn cần được giúp đỡ. Bản thân tôi khi cuộc sống gia đình đã ổn định, trong suy nghĩ luôn muốn làm một điều gì đó giúp đồng đội, người thân của đồng đội vơi bớt khó khăn để vươn lên trong cuộc sống, vì vậy tôi đã lấy tên Xí nghiệp Vận tải 27/7 để luôn nhắc nhở mình cần quan tâm đến các thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng.

Đến thôn Cốc, xã Phú Châu hỏi về hoàn cảnh của cựu thanh niên xung phong Trần Thị Tỳ ai cũng thương cảm. Tuổi xuân lỡ dở nơi chiến trường, bà trở về quê hương với gánh nặng trên vai là 2 người em nửa khôn nửa dại. Không vốn liếng, không việc làm, cuộc sống của 3 chị em rơi vào cảnh túng thiếu, bấp bênh. Với sự hỗ trợ của cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn, giờ đây chị em bà đã có ngôi nhà kiên cố để ở, có đôi lợn làm vốn. 

Cựu thanh niên xung phong Trần Thị Tỳ tâm sự: Biết gia đình tôi khó khăn, bác Sơn tặng cho đôi lợn giống, cho tiền làm nhà lại còn cho cám nuôi lợn, những lúc ốm đau cũng thường xuyên sang hỏi thăm, động viên. Ngoài gia đình tôi, bác Sơn còn giúp đỡ rất nhiều người nghèo trong xã để họ vượt qua khó khăn, tìm thấy niềm vui trong cuộc sống.

Hiện tại, với cương vị là Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyện Đông Hưng, cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn luôn tích cực vận động các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của địa phương. Năm 2015, ông đã huy động trên 150 triệu đồng xây nhà cho 2 gia đình người có công. Năm 2016 và năm 2017 ông trích từ thu nhập cá nhân trên 30 triệu đồng xây dựng nhà bia liệt sĩ; trao tặng hàng trăm suất quà với tổng giá trị trên 150 triệu đồng cho các đồng chí thương binh, bệnh binh, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, vợ liệt sĩ, nạn nhân chất độc hóa học trong các dịp lễ, tết, ngày Thương binh - Liệt sĩ...

Nói về những đóng góp của cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn đối với quê hương, ông Phạm Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Phú Châu chia sẻ: Cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn là người rất năng nổ, nhiệt tình, sống có nghĩa, có tình. Với địa phương, ông luôn ủng hộ các phong trào từ công tác an ninh trật tự, thể dục thể thao của các cháu thiếu niên nhi đồng và nhất là phong trào tình nghĩa với đồng đội, hội  cựu chiến binh. Ông là một trong những người gương mẫu lên tiếng ủng hộ cùng với địa phương huy động nguồn vốn xã hội hóa xây dựng nhà bia liệt sĩ của xã.

Bằng những hành động nhỏ bé nhưng thiết thực, cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn đã góp phần động viên, giúp đỡ các đồng chí, đồng đội vơi bớt khó khăn, tri ân công lao của những người đã khuất và xoa dịu nỗi đau của những người ở lại.

Nguyễn Cường