Thứ 7, 23/11/2024, 08:32[GMT+7]

Cơ giới hóa các khâu sản xuất: Khi hợp tác xã vào cuộc

Thứ 2, 10/07/2017 | 09:38:18
2,228 lượt xem
Thay vì cách làm “đánh kẻng, chấm công” như trước kia, hiện nay, một số HTXNN trên địa bàn huyện Vũ Thư đã năng động, nhạy bén đầu tư máy móc phát triển dịch vụ nông nghiệp, góp phần phục vụ nông dân và nâng cao thu nhập cho HTX.

HTXNN Vũ Hội (Vũ Thư) thực hiện dịch vụ cấy lúa bằng mạ khay cho nông dân.

Nông dân và HTX đều có lợi

HTXNN Vũ Hợp, xã Duy Nhất (Vũ Thư) hiện có tổng diện tích gieo cấy 180ha lúa. Trước đây, ở các khâu thu hoạch lúa và làm đất, nông dân phụ thuộc hoàn toàn vào các chủ máy gặt, máy cày bừa tại địa phương hoặc ở tỉnh ngoài đến làm dịch vụ. Tình trạng các chủ máy liên kết với nhau để nâng giá dịch vụ thu hoạch lúa từ 120.000 đồng/sào lên 140.000 đồng/sào, hay bỏ gặt diện tích lúa của một hộ nào đó, làm đất ẩu, tiến độ làm đất chậm… thường xuyên diễn ra. 

Ông Trần Mạnh Thức, Giám đốc HTXNN Vũ Hợp cho biết: Từ đầu vụ xuân năm 2017, HTX mạnh dạn đầu tư kinh phí mua 1 máy cày 50 mã lực tổ chức dịch vụ làm đất; riêng khâu thu hoạch lúa, HTX hợp đồng liên kết với 1 đội máy gặt đập liên hợp của tỉnh Nam Định thực hiện thu hoạch lúa cho nông dân. Dù làm dịch vụ nhưng HTX lấy mục tiêu bảo đảm chất lượng và phục vụ xã viên là cốt lõi, tạo được uy tín với bà con. Nhờ có máy cày, máy gặt đập của HTX trực tiếp xuống đồng cạnh tranh lành mạnh, các chủ máy khác không thể nâng giá dịch vụ làm đất, thu hoạch lúa; chất lượng dịch vụ và tinh thần phục vụ của các chủ máy thay đổi rõ rệt; tiến độ sản xuất được đẩy nhanh, nông dân rất phấn khởi. Đặc biệt, nhờ làm dịch vụ, HTX tạo thêm nguồn kinh phí quay vòng đầu tư nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX và cải thiện thu nhập cho các thành viên.

Mạnh dạn đề nghị và được hỗ trợ 2 máy cấy từ một dự án, từ năm 2016 đến nay, HTXNN Vũ Hội thực hiện dịch vụ cấy lúa bằng mạ khay cho nông dân. 

Ông Vũ Đình Phùng, Giám đốc HTXNN Vũ Hội cho biết: Vũ Hội là xã đa nghề, lực lượng lao động rất thiếu, vì vậy khi máy cấy xuống đồng, nông dân rất phấn khởi. Để thực hiện, từ trước khi vào vụ, HTX tổ chức cho nông dân đăng ký diện tích cấy, hợp đồng với doanh nghiệp sản xuất, cung ứng mạ khay. Tính cả chi phí sản xuất mạ và công cấy, HTX chỉ thu mức phí 230.000 đồng/sào, trong khi đó, thông thường bà con thuê lao động cấy thủ công đã mất 250.000 đồng/sào. Máy cấy đạt tiến độ trung bình từ 4 - 5 mẫu ruộng/ngày, gấp khoảng 30 - 40 lần so với lao động thủ công, nhờ đó tiết kiệm lao động và chi phí đầu tư. Đặc biệt kỹ thuật bảo đảm, vì vậy diện tích lúa cấy máy thường ít bị sâu bệnh so với lúa cấy thủ công. Với nhiều ưu điểm nên ở vụ xuân năm 2016 là vụ đầu tiên triển khai, nông dân Vũ Hội chỉ đăng ký 10 mẫu ruộng cấy máy, đến vụ mùa 2016 tăng lên 30 mẫu, vụ xuân năm 2017 tăng lên 40 mẫu, vụ mùa năm nay, đạt hơn 100 mẫu. 

Ông Mai Văn Cường, thôn Bình An chia sẻ: Gia đình ông có gần 4 sào ruộng nhưng vợ ông đau yếu, chỉ có mình ông là lao động chính. Các vụ trước, cứ đến mùa cấy, ông lo lắng, sốt ruột vì tìm thuê người cấy rất khó khăn, chi phí lại cao, ông phải vất vả nhổ mạ và phục vụ cơm nước cho thợ cấy. Từ ngày HTX đưa máy cấy về, ông đăng ký cấy 100% diện tích. Thửa ruộng gần 4 sào của gia đình ông, máy chỉ cấy trong khoảng 1 giờ là hoàn thành, nhanh gọn và tiết kiệm chi phí, ông rất hài lòng.

Với xu hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại, cơ giới hóa đồng ruộng là tất yếu, nhất là trong điều kiện lao động nông nghiệp ngày càng thiếu và già hóa thì nhu cầu đưa máy móc xuống đồng ruộng ngày càng cao. Nhờ lợi thế am hiểu đồng đất địa phương, có trình độ, kỹ thuật, tạo được uy tín với thành viên, các HTX khá thuận lợi trong việc đầu tư mua hoặc hợp đồng liên kết với các đơn vị khác để đưa máy móc xuống đồng ruộng thực hiện các dịch vụ sản xuất, không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân mà còn tạo nguồn thu nhập ổn định, chính đáng cho các HTX, nhất là trong điều kiện các HTX ngày càng phải bảo đảm tự chủ về tài chính như hiện nay.

Còn nhiều khó khăn

Mặc dù có nhiều lợi ích thiết thực nhưng trong tổng số 41 HTXNN trên địa bàn huyện Vũ Thư, hiện mới có 2 đơn vị là HTXNN Vũ Hợp (xã Duy Nhất) và HTXNN Vũ Hội có máy xuống đồng làm các dịch vụ sản xuất, còn nhiều HTXNN mong muốn đầu tư máy triển khai các dịch vụ này nhưng gặp khó khăn, rào cản chưa thể thực hiện. 

Lý giải điều này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc HTXNN Song Lãng cho rằng: Hiện nay các HTXNN gặp khó khăn lớn trong đầu tư vốn mua máy móc như máy gặt, máy cày, máy cấy, máy lên luống… Thông thường 1 chiếc máy cấy có giá từ 90 - 100 triệu đồng, máy gặt đập liên hợp có giá khoảng 600 triệu đồng, máy cày có giá vài trăm triệu đồng... Với nguồn kinh phí lớn như vậy, các HTX phải huy động nguồn vốn vay của các ngân hàng. Tuy nhiên, để được vay vốn ngân hàng, cá nhân chủ tịch hội đồng quản trị hoặc giám đốc HTXNN phải đứng tên vay vốn, thế chấp bằng tài sản của chính gia đình mình, do đó xảy ra trường hợp nhiều người thân như vợ, con của họ không đồng tình, như vậy, HTXNN không thể thực hiện hợp đồng vay vốn. Ngoài ra, các chính sách ưu đãi tín dụng, ví dụ như chính sách vay mua máy, thiết bị được ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất tối đa 3 năm theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp chưa được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nên nhiều HTX chưa nắm bắt được để áp dụng. Một số cơ chế, chính sách còn gây khó cho HTX, điển hình cơ chế hỗ trợ một phần kinh phí mua máy móc, thiết bị nông nghiệp nhưng chỉ hỗ trợ cho các hộ gia đình, cá nhân chứ không hỗ trợ cho tập thể nên các HTX không được hưởng hỗ trợ này. Ngoài ra, việc HTX huy động nhân lực, quản lý, điều hành máy móc thiết bị để kinh doanh dịch vụ sao cho hiệu quả, tránh rủi ro, thua lỗ cũng là vấn đề không dễ… Với rất nhiều khó khăn nên nếu không có quyết tâm cao, không có sự hỗ trợ, giúp sức của các cấp, các ngành thì việc đầu tư máy móc triển khai dịch vụ của các HTX sẽ không thể thực hiện được. Riêng HTXNN Song Lãng rất mong muốn đầu tư mua máy gặt đập liên hợp hoặc máy cày nhưng chưa tháo gỡ được khó khăn để triển khai.

Không chỉ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh có lợi cho nông dân, việc đưa máy móc xuống đồng ruộng để kinh doanh dịch vụ sản xuất của các HTX còn góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết khó khăn về tài chính, tạo sự năng động, nhạy bén và tăng hiệu quả công tác điều hành, quản lý của HTX trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng hiện nay đang trông chờ sự vào cuộc quyết liệt hơn của các HTX.

 Quỳnh Lưu