Thứ 7, 23/11/2024, 11:19[GMT+7]

Thợ cấy vào mùa

Thứ 7, 15/07/2017 | 09:24:07
2,085 lượt xem
Đến hẹn lại lên, cứ vào vụ cấy là trên các cánh đồng của huyện Đông Hưng nhiều tổ thợ lại tất bật với việc cấy thuê, dù vất vả nhưng họ sẽ có thêm nguồn thu đáng kể.

Tổ cấy của chị Hà Thị Thái (xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà) cấy thuê tại xã Hoa Lư (Đông Hưng).

Mới tờ mờ sáng mà chợ lao động ở đầu cầu Lựa, xã Hoa Lư (Đông Hưng) đã đông người tập trung để chờ đi cấy thuê, họ đi thành từng nhóm và di chuyển bằng xe máy. Hầu hết là lao động nữ đến từ huyện Hưng Hà và một số xã lân cận. 

Chị Nguyễn Thị Nhung, xã Mê Linh (Đông Hưng) cho biết: Nhiều năm nay, vụ cấy nào tôi cũng gieo thẳng cho nhanh để đi cấy thuê cho các gia đình ở Hợp Tiến, Hoa Lư, Phong Châu. Tôi dậy từ 3 giờ sáng, hoàn tất công việc nhà rồi đến chợ lao động ở Hoa Lư, chờ các chủ ruộng ra thuê, được giá là xuống đồng cấy luôn. Bây giờ nhiều người có nhu cầu thuê thợ cấy nên không lo bị ế như trước. Cứ xong mùa vụ tôi có một khoản tiền kha khá để lo cho gia đình. 

Cũng đi cấy thuê nhưng tổ của chị Hà Thị Thái, xã Hồng Minh (Hưng Hà) hàng ngày không phải đến chợ lao động ở Hoa Lư để tìm việc. Chị Thái cho biết: Tổ cấy của tôi có 7 chị em, đi cấy thuê đã 10 năm nay, các chủ ruộng quá quen nên cứ tới mùa vụ là họ gọi điện, hẹn ngày đến cấy, người nọ giới thiệu cho người kia, những ngày cao điểm còn không dám nhận. Cứ 5 giờ sáng là chị em xuất phát từ nhà đi, tối mịt mới về, tiền công 250.000 đồng/sào. Bình quân mỗi ngày cả tổ cấy được 1 mẫu. Tuy công việc vất vả, chỉ diễn ra trong thời gian ngắn (khoảng 10 - 15 ngày) nhưng tiền công cũng khá nên xong vụ cấy mỗi người kiếm được một khoản tiền thêm vào cho con ăn học. 

Chị Phạm Thị Thắm, thôn Khuốc Đông, xã Phong Châu (Đông Hưng) cho biết: Vụ này nhà tôi cấy 8 sào. Chồng con đều đi làm công nhân, tôi còn phải trông cháu nhỏ nên phải thuê người cấy. Tôi thuê 4 người, cấy trong một ngày, còn lại bao nhiêu thì đổi công cho em dâu cấy xong vào ngày hôm sau. Cuối vụ tìm người dễ, tiền thuê cấy rẻ hơn nhưng cấy đầu vụ lại chủ động hơn về nước và giống nên nhiều gia đình có tư tưởng giống chị Thắm dù mất thêm tiền vẫn cấy đầu vụ nên việc tìm người cũng không đơn giản. May mà có người cho số điện thoại của tổ cấy thuê ở các xã khác nên cuối cùng chị cũng tìm được thợ. “So với nghề nông, khoản tiền thuê người cấy mất cả triệu đồng cũng khá xót nhưng đổi lại họ cấy đúng yêu cầu, mình lại bảo đảm được khung thời vụ” - chị Thắm chia sẻ thêm. 

Vài năm gần đây, khi một số địa phương tích cực đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, máy cấy cũng dần lên ngôi. Ông Nguyễn Như An, xã Nguyên Xá (Đông Hưng) cho biết: Từ năm 2015, mô hình cấy mạ khay được HTX DVNN xã triển khai tại địa phương, gia đình đã được tỉnh hỗ trợ mua máy cấy mạ khay. Vụ đầu, bà con thấy kỹ thuật này mới lạ nên ít người thuê nhưng tới nay, từ thời điểm gieo mạ họ đã đến nhờ, vì muốn cấy được máy phải làm chuẩn từ khâu gieo mạ mới bảo đảm chất lượng. Khung thời vụ thì ngắn, một ngày 4 thợ và 2 máy cấy ra đồng từ tờ mờ sáng đến sẩm tối cấy được khoảng 5 - 6 mẫu, một vụ khoảng 50 - 60 mẫu. Vì cấy cẩn thận, bảo đảm chất lượng nên ngày càng nhiều người đến thuê cấy càng nhiều mà chỉ có 2 máy nên tôi chỉ dám nhận 60 mẫu/ vụ để bảo đảm khung thời vụ cho các gia đình. 

Ông Nguyễn Trọng Khu, xã Nguyên Xá cho biết: Cấy bằng máy giảm được một nửa giống, một nửa tiền công (chỉ từ 90.000 - 100.000 đồng/sào), bảo đảm thời vụ, năng suất vẫn cao nên mấy vụ nay tôi đều thuê máy cấy cho trên 3 sào ruộng của gia đình. 

Ở các vùng nông thôn hiện đang thiếu lao động sản xuất nông nghiệp, nhất là vào mùa vụ nên công việc cấy thuê của các thợ cấy được coi là một trong những giải pháp tạm thời để bảo đảm khung thời vụ. Song với tiền công cấy như trên cộng với các khoản chi phí khác như giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… thì cấy lúa không có lãi. Vì vậy, xu hướng tất yếu để phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả là phải đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, quy vùng sản xuất hàng hóa, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, từ đó mới nâng cao được giá trị trên một đơn vị canh tác, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún và thiếu lao động mùa vụ như hiện nay. 

Trung Hiếu