Các địa phương, đơn vị chủ động phòng chống cơn bão số 2
* Vũ Thư
Ngay sau khi nhận được tin báo về cơn bão số 2, 7h sáng ngày 16/7, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Vũ Thư đã khẩn trương tổ chức họp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tiểu ban; liên tục ban hành các công điện khẩn chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động, khẩn trương triển khai ngay các biện pháp để đối phó với cơn bão. Dự kiến do ảnh hưởng của bão, trên địa bàn huyện sẽ có mưa lớn, huyện chỉ đạo các địa phương chú trọng công tác phòng chống úng để bảo vệ lúa và hoa màu.
Đồng chí Phạm Đồng Thụy, Bí thư Huyện ủy Vũ Thư kiểm tra công tác phòng chống úng trên cánh đồng Hà Chóc (Xuân Hòa), cánh đồng thấp trũng nhất huyện Vũ Thư. Ảnh: Quỳnh Lưu
Theo báo cáo nhanh của huyện, Vũ Thư hiện có 8.025 ha lúa mùa, trong đó diện tích gieo thẳng là 1.975ha; 1.589 ha cây màu. Hiện tại mực nước ngoài sông đang ngang bằng và lớn hơn mực nước trong đồng do đó chưa tiêu ngang được; Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Vũ Thư đã giao nhiệm vụ cho cán bộ thường trực tại các cống dưới đê, khi mực nước sông thấp hơn mực nước trong đồng sẽ tiến hành mở cống để tiêu ngang.Vừa qua, đợt mưa ngày 11- 15/7 làm nhiều diện tích lúa, nhất là lúa gieo thẳng trên địa bàn ngập úng, một số ít diện tích ở các vùng úng cục bộ như Sòi Chóc (Hiệp Hòa), Hà Chóc (Xuân Hòa) đã bị hỏng, không thể khắc phục được. Nếu không làm tốt công tác tiêu úng, lượng mưa lớn trong cơn bão số 2 sẽ làm thiệt hại nặng nề diện tích gieo sạ ở các địa phương.
Trước tình hình đó, huyện Vũ Thư đã chỉ đạo các địa phương bằng mọi biện pháp huy động lực lượng giải tỏa dòng chảy trên các sông trục, sông tiêu, đến chiều ngày 16/7, cơ bản đã giải tỏa đảm bảo thông thoáng mặt sông.
Huyện chỉ đạo vận hành các trạm bơm tiêu úng như Nguyên Tiến Đoài, Cự Lâm, Nguyệt Lãng 24/24h để tiêu rút nước đệm trong đồng. Đối với 8 vùng úng trọng điểm, cục bộ, huyện chỉ đạo các địa phương hoành triệt bờ vùng, vận hành hợp lý các trạm bơm tiêu úng, kết hợp với tuyên truyền vận động nhân dân chuẩn bị sẵn sàng máy bơm dầu để sử dụng bơm tiêu nước chống úng.
Trạm bơm tiêu úng Nguyên Tiến Đoài (Nguyên Xá) được vận hành để chủ động phòng chống úng. Ảnh: Quỳnh Lưu
Cùng với bảo vệ lúa và hoa màu, huyện chỉ đạo các địa phương tập trung nhanh, triển khai ngay các phương án ứng phó, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Qua khảo sát, huyện Vũ Thư hiện còn 1.402 ngôi nhà yếu, dễ đổ, sập, 2.391 người già cả, neo đơn cần sơ tán khi có bão lớn xảy ra. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai huyện và các xã, thị trấn đã huy động các lực lượng, đoàn thể sẵn sàng hỗ trợ người dân di dời khi cần thiết. Đặc biệt, huyện có gần 100 lồng cá nuôi thả trên sông, giá trị kinh tế lớn, vì vậy, các đồng chí lãnh đạo huyện và các địa phương đã trực tiếp tuyên truyền, vận động các chủ hộ không chủ quan mà tiến hành chằng néo kỹ lồng bè để không bị ảnh hưởng của mưa, bão. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, trường học đã nhanh chóng huy động lực lượng chằng buộc cửa, chống thấm dột tại các công trình trụ sở, trường học để bảo vệ tài sản của đơn vị.
Xí nghiệp Khai thác Công trình thủy lợi huyện Vũ Thư huy động nhân lực giải phóng dòng chảy sông, kênh để thuận lợi cho việc tiêu thoát nước chống úng. Ảnh: Quỳnh Lưu
Chủ hộ nuôi cá lồng hoàn thành việc chằng néo lồng bè trước bão. Ảnh: Quỳnh Lưu
* Quỳnh Phụ
Chiều ngày 16/7, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Quỳnh Phụ đã tổ chức họp triển khai phương án ứng phó với cơn bão số 2.
Trước ảnh hưởng của cơn bão số 2, trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ đã xảy ra mưa, lượng mưa đo được trên địa bàn huyện nhiều nhất đến thời điểm 11 giờ ngày 16/7 tại trạm Cao Nội là 20mm. Theo báo cáo của Xí nghiệp KTCTTL huyện, mực nước đo được tại trạm Đại Nẫm là 0,62m, trạm Cao Nội là 0,55m, tại Cống Neo là 0,4m và tại thị trấn Quỳnh Côi là 0,72m, hiện tại đang tiếp tục thực hiện tiêu nước tại cống Trà Linh.
Hiện tại, hệ thống đê, kè, cống trên địa bàn Quỳnh Phụ tương đối ổn định, vật tư phục vụ phòng chống thiên tai do Hạt Quản lý đê điều huyện quản lý bảo đảm về số lượng, chất lượng. Toàn huyện có 1.098 hộ với 1.982 nhân khẩu đang sinh sống trong nhà không bảo đảm an toàn. Quỳnh Phụ đã gieo cấy 11.000/ 11.700 ha lúa mùa; còn 1.000 ha cây màu hè; 301 lồng cá tập trung tại Quỳnh Ngọc, Quỳnh Hoa, Quỳnh Hoàng. Hiện tại, toàn bộ diện tích lúa, hoa màu trên địa bàn huyện chưa xảy ra ngập, úng.
Huyện Quỳnh Phụ thực hiện tiêu nước tại Cống Hiệp (Quỳnh Giao) ứng phó với cơn bão số 2. Ảnh: Trịnh Cường
Trước diễn biến của bão số 2, huyện Quỳnh Phụ đã hoãn kỳ họp thứ 4 HĐND huyện khóa XIX, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã ra công điện yêu cầu các địa phương tăng cường lực lượng ứng trực theo quy định, chuẩn bị sẵn sàng các lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để chủ động ứng cứu với các tình huống khi cần thiết theo phương châm “Bốn tại chỗ”.
Hạt Đê điều huyện chuẩn bị phương tiện, vật tư sẵn sàng tại 9 địa điểm đê, kè và 2 kho tập kết của huyện. Lực lượng xung kích, ứng trực tại 4 cụm PCTT&TKCN, đặc biệt tại các điểm xung yếu đê, kè, cống Đại Nẫm; đê Quỳnh Ngọc; đê, kè An Khê, An Mỹ.
Xí nghiệp Khai thác Công trình thủy lợi huyện chỉ đạo công nhân thường trực 24/24 giờ, tổ chức bơm tiêu kịp thời tại trạm bơm Quỳnh Hoa, Cao Nội, Đại Nẫm và các trạm bơm do xí nghiệp quản lý, giải phóng dòng chảy trên các trục sống.
Các hộ nuôi cá lồng xã Quỳnh Hoàng (Quỳnh Phụ) chằng buộc lồng bè ứng phó với bão số 2. Ảnh: Trịnh Cường
Các địa phương thực hiện tiêu nước trên mặt ruộng và hệ thống sông trục do xã, thị trấn quản lý, đóng các cống tưới, mở các cống tiêu để tiêu nước đệm đề phòng mưa lớn gây ngập úng, bảo vệ lúa mùa, hoa màu. Chủ động chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây, huy động lực lượng thực hiện di tản các hộ dân sinh sống trong nhà không bảo đảm an toàn, các hộ nuôi trồng thủy sản ngoài đê chính, các hộ nuôi cá lồng… vào nơi tránh trú an toàn hoàn thành trước 17 giờ ngày 16/7.
Tăng cường công tác tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, xe lưu động để nhân dân biết về diễn biến của cơn bão và chủ động phòng, chống, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả do cơn bão gây ra.
* Đông Hưng
Trước diễn biến của bão số 2, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Đông Hưng đã thành lập các đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống bão tại các xã, thị trấn; đồng thời chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện, các phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo kiểm tra, rà soát, đôn đốc việc cắt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện và các lồng bè, trang trại nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản ven sông, di dời các hộ dân sống ngoài đê chính, kiểm tra các nhà dân, nhà tập thể, bệnh xá, trường học xung yếu, kiên quyết di chuyển dân đến nơi an toàn. Các công việc hoàn thành trước 17h ngày 16/7.
Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình, Xí nghiệp Khai thác thủy lợi Đông Hưng, các xã, thị trấn bằng mọi biện pháp tiêu nước triệt để trên mặt ruộng và các sông tiêu, đóng các cống tưới, mở các cống tiêu để tiêu nước đệm nội đồng đề phòng mưa lớn, gây ngập úng lúa, hoa màu; kích hoạt các trạm bơm tiêu, chuẩn bị mạ và thóc giống dự phòng để khắc phục sau bão...
Bên cạnh đó, Đài Truyền thanh, truyền hình huyện, đài truyền thanh các xã liên tục thông tin về tình hình bão và phổ biến nội dung chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện để mọi người dân biết, chủ động phòng, chống, tránh tư tưởng chủ quan trước bão.
Các đồng chí lãnh đạo huyện Đông Hưng kiểm tra công tác phòng, chống bão số 2 tại cống Thuyền Quan, xã Đông Lĩnh (Đông Hưng). Ảnh: Phương Chi
Tàu, thuyền đã vào nơi trú ẩn an toàn tại cống Thuyền Quan. Ảnh: Phương Chi
* Thành phố
Đến nay, toàn thành phố đã gieo trồng được 1.500/2.000ha lúa mùa và 600ha cây màu các loại. Qua rà soát, trên địa bàn thành phố có 491 nhà yếu không an toàn, 231 hộ dân với 562 người dân cần di dời.
Để chủ động đối phó với cơn bão số 2 và giảm tới mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 2, thông tin đến toàn thể cán bộ và nhân dân trên địa bàn biết để chủ động phòng, chống, bảo đảm an toàn cho người và tài sản của Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp. Khẩn trương cắt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, trường học, bệnh viện… Đôn đốc, vận động các hộ dân cần di dời đến nơi an toàn. Chỉ đạo đóng các cống tưới, mở các cống tiêu, bằng mọi biện pháp triệt để tiêu nước đệm trên hệ thống sông trục, tiêu cạn nước mặt ruộng đề phòng mưa lớn gây ngập úng lúa mùa mới cấy, hoa màu, vùng nuôi thủy sản. Khơi thông hệ thống thoát nước đô thị, chủ động thực hiện các biện pháp tiêu nước đề phòng ngập úng tại khu, cụm công nghiệp, khu vực dân cư, đô thị. Duy trì và bảo đảm lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Các đơn vị có công trình đang thi công chuẩn bị các phương án bảo đảm an toàn cho người, tài sản và phương tiện, không để việc thi công công trình làm ảnh hưởng đến tiêu thoát nước tại khu vực.
* Hưng Hà
Chủ động phòng, chống bão số 2, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Hưng Hà đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị trên địa bàn kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án di dời các hộ dân đang sinh sống trong các nhà yếu không bảo đảm an toàn.
Nhân viên Điện lực Hưng Hà kiểm tra hệ thống thiết bị điện bảo đảm cấp điện an toàn. Ảnh: Mai Thư
Đôn đốc nhân dân chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây, huy động lực lượng tháo dỡ vật cản trên sông, khơi thông dòng chảy, đồng thời phân công lực lượng trực bảo vệ các công trình trọng điểm như đê, kè, cống xung yếu. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư để ứng phó kịp thời khi cần thiết. Duy trì lực lượng thường trực cứu hộ, cứu nạn để xử lý, ứng cứu và khắc phục hậu quả do bão gây ra.
Yêu cầu Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Hưng Hà chủ động huy động lực lượng, kiểm tra hoạt động của các trạm bơm, sẵn sàng phục vụ tiêu úng. Chỉ đạo Điện lực Hưng Hà kiểm tra hệ thống điện bảo đảm cấp điện an toàn, nhất là cho các trạm bơm tiêu trong mọi tình huống.
Các đơn vị, địa phương tiến hành khơi thông dòng chảy phòng chống ngập úng. Ảnh: Mai Thư
Các địa phương bằng mọi biện pháp tiêu triệt nước đệm trên hệ thống sông trục, tiêu cạn nước mặt ruộng. Đối với các vùng thấp trũng như xã Hồng Minh, Minh Hòa, Kim Trung, Cộng Hòa… huy động lực lượng trục vớt bèo bồng, khơi thông dòng chảy hệ thống kênh mương nội đồng nhằm phòng chống ngập úng khi có mưa to xảy ra, bảo vệ an toàn cho sản xuất.
* Kiến Xương
Trước nguy cơ bão số 2 sẽ gây mưa lớn làm ngập úng và gây thiệt hại cho hàng nghìn héc-ta lúa, hoa màu, thủy sản, huyện Kiến Xương đã khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó nhằm giảm tới mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Trạm bơm An Quốc được vận hành để tiêu nước đệm chủ động chống úng cho các xã An Bình, Quốc Tuấn (Kiến Xương). Ảnh: Khắc Duẩn
Ông Đặng Ngọc Oánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương cho biết: Đến ngày 16/7, toàn huyện đã gieo cấy được hơn 10.000ha lúa mùa; ngoài ra còn có trên 600ha rau màu vụ hè và hơn 200ha thủy sản. Theo dự báo, bão số 2 khả năng gây mưa với lượng mưa từ 150 – 200 ly, điều này sẽ rất nguy hiểm cho sản xuất nông nghiệp do ngập úng bởi Kiến Xương nằm trong vùng trũng của tỉnh. Xác định được những nguy cơ và khó khăn đó, để bảo vệ sản xuất, ngay khi có Công điện số 1 của tỉnh chỉ đạo về công tác phòng chống thiên tai, huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng phó với bão số 2.
Nông dân xã Vũ An khơi thông dòng chảy chống úng cho diện tích hoa màu vụ hè. Ảnh: Khắc Duẩn
Đối với công tác chống úng cho lúa và hoa màu, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã chỉ đạo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) huyện phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức tiêu nước nhanh trong hệ thống.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Xí nghiệp KTCTTL huyện cho biết: Xí nghiệp đã phân công cán bộ trực 24/24 giờ tại các công trình, tổ chức đóng tất cả các cống tưới, mở cống tiêu để tiêu nước trong hệ thống sông đơn vị quản lý xuống mức thấp nhất nhằm tạo điều kiện cho các địa phương tiêu nước tự chảy rút cạn nước mặt ruộng và hệ thống kênh, mương, sông cấp 3. Do việc tiêu tự chảy bằng cống qua đê chậm, sáng ngày 16/7, Xí nghiệp tiếp tục chỉ đạo cán bộ vận hành tất cả các trạm bơm chống úng để tiêu nước bằng động lực cho các vùng trũng. Hiện, toàn bộ hệ thống thủy lợi của huyện đã được tháo cạn để ứng phó với nguy cơ ngập úng nếu có mưa to kéo dài xảy ra.
Song song với công tác tiêu nước chủ động chống úng, các xã, thị trấn của Kiến Xương cũng tập trung chỉ đạo nông dân bảo vệ mạ dự phòng và tổ chức tỉa lúa trên diện tích gieo sạ dự trữ để cấy bù vào những diện tích lúa có thể chết do ngập úng sau bão số 2. Đối với diện tích hoa màu, tuyên truyền, vận động nông dân khẩn trương thu hoạch những diện tích có thể thu hoạch được nhằm giảm bớt thiệt hại. Các hộ nuôi trồng thủy sản gấp rút gia cố bờ bao và có biện pháp che chắn tránh thủy sản thất thoát vì ngập úng.
Nhiều HTX SXKD DVNN chỉ đạo nông dân tỉa lúa gieo sạ dự trữ cấy bù diện tích lúa nếu bị chết do ngập úng. Ảnh: Khắc Duẩn
Không chủ quan trước bão số 2, với quyết tâm bảo vệ an toàn tính mạng của người dân, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tại và Tìm kiếm cứu nạn huyện Kiến Xương chỉ đạo các địa phương rà soát, thống kê các hộ già cả, ốm đau, neo đơn sinh sống trong các nhà xung yếu, ở ngoài đê chính và tổ chức di dời đến nơi an toàn; liên lạc, kêu gọi người và tàu thuyền đang hoạt động trên sông, trên biển khẩn trương vào bờ tránh trú vào nơi an toàn; chuẩn bị tốt nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” và sẵn sàng bảo vệ các công trình đê điều, nhất là các điểm xung yếu đã được xác định từ trước khi bước vào mùa mưa, bão.
Bão số 2 đổ bộ vào ngày nghỉ nên có nguy cơ dẫn đến người dân và cán bộ cơ sở chủ quan, lơ là trong công tác chỉ đạo; Kiến Xương chỉ đạo 37 xã, thị trấn dừng tất cả các cuộc họp không cấp thiết, tập trung lực lượng triển khai các giải pháp ứng phó; đồng thời cử cán bộ huyện xuống bám nắm cơ sở, trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhân dân chủ động các biện pháp phòng chống thiên tai.
Được biết, ngay trong sáng ngày 16/7, Kiến Xương huy động nhân lực, máy móc, phương tiện gia cố các điểm xung yếu trên hệ thống đê, kè, cống không để sự cố bất ngờ gây thiệt hại về người và của trước, trong, sau bão số 2.
* Tiền Hải
Tàu thuyền ngư dân Tiền Hải neo đậu tại bến cá Cửa Lân xã Nam Thịnh (Tiền Hải). Ảnh: Mạnh Thắng
Để chủ động phòng chống cơn bão số 2 huyện Tiền Hải đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra toàn bộ hệ thống đê sông, đê biển, các trọng điểm xung yếu trên hai tuyến đê 5 và 6; hệ thống phai dự phòng các cống dưới đê. Tổ chức rà soát tàu thuyền trên địa bàn, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú bão an toàn. Yêu cầu các xã chỉ đạo các chủ hộ nuôi trồng thủy sản thực hiện nghiêm không để các lao động trông coi tại các chòi canh ngao, đầm nuôi trồng thủy hải sản trước khi bão gây ảnh hưởng vào khu vực. Đồng thời các ngành, đơn vị liên quan có kế hoạch điều tiết nước, khơi thông dòng chảy, giải phóng vật cản, đề phòng mưa lớn gây ngập úng lúa, hoa màu, vùng nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, bảo đảm hệ thống thông tin liên lạc nhằm đáp ứng nhiệm vụ chỉ huy của các cấp, các ngành.
* Thái Thụy
Trước diễn biến phức tạp của bão số 2, huyện Thái Thụy đã cấm biển từ 12 giờ ngày 16/7. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện phối hợp với các địa phương tổ chức giải phóng dòng chảy, bằng mọi biện pháp tiêu nước triệt để trên mặt ruộng và các tuyến sông trục, kênh mương nội đồng đề phòng mưa lớn gây ngập úng cho lúa và hoa màu. Đẩy mạnh tuyên truyền cán bộ, nhân dân chặt tỉa cành cây, chủ động chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện. Sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, trong các nhà yếu không bảo đảm an toàn, số lao động nuôi trồng thủy sản, các hộ dân sinh sống vùng ven đê, hoàn thành trước 16 giờ ngày 16/7. Đồng thời, thực hiện các phương án bảo vệ các công trình đê, kè, cống xung yếu và các công trình đang thi công. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu và khắc phục hậu quả do bão gây ra.
Đến 15 giờ ngày 16/7, toàn bộ 556 tàu, thuyền/1.814 lao động của huyện đã vào nơi neo đậu, tránh trú bão an toàn; 213/219 lao động nuôi trồng thủy sản, 389/1.247 lao động sinh sống ngoài đê chính đã vào bờ.
* Công ty Điện lực Thái Bình
Công nhân Điện lực Quỳnh Phụ kiểm tra hệ thống điện bảo đảm an toàn trước bão số 2. Ảnh: Mạnh Thắng
Trước diễn biến của cơn bão số 2, Công ty Điện lực Thái Bình đã chủ động chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra các đường dây và trạm biến áp; phát quang hành lang tuyến, tình trạng cột, để phát hiện và xử lý kịp thời các khiếm khuyết, thiết bị trạm nhằm ngăn ngừa sự cố.
Phân công nhiệm vụ các tổ đội giám sát chặt chẽ trạm biến áp bảo đảm hoạt động cung cấp điện an toàn cho các trạm bơm tiêu úng. Lập phương án cấp điện cho các trạm bơm tiêu úng khi có sự cố xảy ra. Chủ động sẵn sàng về vật tư thiết bị dự phòng, phương tiện, nhân lực để chủ động, nhanh chóng khắc phục khi có sự cố về lưới điện, khôi phục cung cấp điện trở lại trong thời gian sớm nhất sau khi sự cố xảy ra.
Nhóm phóng viên
Tin cùng chuyên mục
- Kết quả bàn thắng Bayern Munich vs Augsburg: 3-0 (Vòng 11 Bundesliga 2024/25) 23.11.2024 | 08:23 AM
- Kết quả bàn thắng PSG vs Toulouse: 3-0 (Vòng 12 Ligue 1 mùa giải 2024/25) 23.11.2024 | 08:23 AM
- Kỷ niệm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam 23/11Phát huy vai trò của tổ chức xã hội nhân đạo 23.11.2024 | 08:23 AM
- Nỗ lực xóa nhà tạm, nhà dột nát 23.11.2024 | 08:24 AM
- Cách làm càng ghẹ rang me siêu ngon tại nhà 22.11.2024 | 19:07 PM
- Kiến Xương: Tổng kết công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân năm 2024 22.11.2024 | 19:04 PM
- Thành phố: Tăng cường bảo đảm trật tự xây dựng, trật tự đô thị, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường 22.11.2024 | 19:06 PM
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương 22.11.2024 | 18:11 PM
- VFF đặt mục tiêu giành 2 suất dự World Cup trong năm 2025 22.11.2024 | 17:10 PM
- Hội thi rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức về phòng, chống tác hại thuốc lá 22.11.2024 | 17:06 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh