Thứ 6, 22/11/2024, 10:54[GMT+7]

Các anh vẫn còn sống mãi

Thứ 2, 17/07/2017 | 08:55:09
1,987 lượt xem
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Sư đoàn 3 Sao Vàng anh hùng của chúng tôi có tới hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại mặt trận Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, trong đó có hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ là con em quê hương Thái Bình. Gương chiến đấu và hy sinh anh dũng của các anh sống mãi với đồng đội và tất cả mọi người.

Sư đoàn 3 Sao Vàng hành quân thần tốc vào giải phóng Ninh Thuận, tháng 4/1975. Ảnh tư liệu

10 giờ ngày 28/6/2017, từ thành phố Vinh (Nghệ An), Đại tá Phan Nho Đường điện thoại hỏi tôi: “Mình có nhớ ngày hôm nay là ngày gì không?”.

- Quên làm sao được - tôi trả lời Phan Nho Đường. Cách đây vừa tròn 50 năm, ngày 28/6/1967, đơn vị ta (Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 62, Sư đoàn 3 Sao Vàng) chiến đấu và chiến thắng lữ đoàn 3 sư đoàn kỵ binh bay của Mỹ trên bãi biển thôn 10, thôn 11, xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định và cũng là ngày 3 người bạn thân nhất của tôi và Phan Nho Đường ra đi không bao giờ trở lại.

Nguyễn Trung Thành, con một đồng chí chỉ huy binh chủng hóa học, quê ở Hưng Yên, cùng vào Nam chiến đấu với tôi từ cuối năm 1966. Tôi về tiểu đoàn bộ Tiểu đoàn 6 còn Thành được bổ sung cho Đại đội 62 (cùng một tiểu đoàn). Thân nhau từ ngày còn ở Bắc nên vào chiến trường, khi có thuận lợi, Thành hay lên tiểu đoàn bộ thăm tôi và quen và thân cả với Phan Nho Đường (trợ lý chính trị Tiểu đoàn). 

Ngày 28/6/1967, sau những loạt pháo từ biển, từ các trận địa, pháo dã chiến của địch bắn cấp tập, nhiều đợt vào nơi đóng quân của Tiểu đoàn 6. Tiếp đến là các tốp máy bay Mỹ (F105, F4) thi nhau trút bom xuống trận địa của chúng tôi. Cả hai thôn 10 và 11 không còn một nóc nhà, hàng trăm cây dừa xanh trĩu quả ngã gục. Khói pháo, khói bom bốc cao, nghi ngút. 

Tầm 10 giờ sáng, quân Mỹ bắt đầu đổ bộ bằng máy bay trực thăng xuống bãi cát ven làng. Tưởng đã tiêu diệt được chúng tôi bằng hỏa lực, chúng dàn hàng ngang tiến vào làng, vừa đi vừa nổ súng về phía trước. Cả trận địa của Tiểu đoàn 6 vẫn im lặng. Đợi quân địch vào cách các ụ chiến đấu 15 mét, quân ta mới đồng loạt xông lên đánh vỗ mặt. Đội hình của địch rối loạn, chúng lùi ra xa hơn, để lại nhiều xác chết. Không ít lính Mỹ bị thương, quằn quại kêu la thảm thiết... 

Trong thời gian từ 10 giờ sáng đến 15 giờ chiều, Mỹ đổ thêm quân, tổ chức phản công nhiều đợt nhưng đều thất bại. Chúng lại cầu cứu máy bay ném bom và các loại pháo đổ đạn vào trận địa của chúng tôi. Trung đội thông tin của Tiểu đoàn cứ nối được đường dây liên lạc này lại đứt đoạn khác, phải chạy bộ truyền lệnh của chỉ huy cho các đại đội. Bộ phận tham mưu của chúng tôi vừa chiến đấu vừa theo dõi sát diễn biến tình hình. Thông tin liên lạc không còn người truyền lệnh, Tiểu đoàn trưởng Hoàng Xuân Dĩnh sang hầm tham mưu lệnh cho tôi phải xuống ngay Đại đội 62 truyền lệnh sẵn sàng đánh xe tăng địch. Qua hào của Nguyễn Trung Thành, anh vẫn còn cười, phô ra hàm răng trắng bóng. Vừa tới hầm chỉ huy Đại đội 62, tôi nghe tiếng máy bay bổ nhào rít trên đầu, tiếp đó là tiếng nổ không lớn nhưng một quả cầu lừa bốc lên từ hào chiến đấu của Nguyễn Trung Thành. Quân dã man - tôi nói, nó dùng bom na-pan để hủy diệt rồi. Như một bó đuốc lớn, Thành bật ra khỏi công sự kêu thét, lăn lộn trên cát rồi lại vùng lên chạy về hướng hầm chỉ huy Đại đội. Tự nhiên Thành khựng lại, đổi hướng chạy về phía quân Mỹ. Tôi nghĩ, Thành biết mình hy sinh không thể cứu được nên anh tránh chất cháy na-pan lan sang đồng đội. Anh vật xuống cháy đen trước mặt kẻ thù. Tôi nghe thấy tiếng ai đó trong chiến hào: Phải trả thù cho Nguyễn Trung Thành.

Càng về chiều, cuộc chiến đấu của chúng tôi càng diễn ra ác liệt. Quân Mỹ điều thêm nhiều xe tăng, xe bọc thép gầm rú, chạy đi chạy lại nhả đạn vào trận địa ta. Thấy không thể đánh bật quân ta ra khỏi làng, trời lại đã gần tối, bất lợi, địch điều trực thăng đưa dây thép gai lò xo vây làng thành nhiều vòng, nằm phía ngoài phục kích.

Theo lệnh chỉ huy, tôi được phân công cùng với Nguyễn Văn Lương, quê Hải Dương (tiểu đội trưởng liên lạc) và Nguyễn Sĩ Du, quê Hà Tĩnh (tiểu đội phó liên lạc) chờ mặt trời tắt hẳn tìm cách vượt qua hàng rào, bám địch để đưa đơn vị vượt eo biển về núi Chóp Chài (xã Mỹ Đức). Ba anh em ngụy trang bò trên cát. Địch có thể phán đoán hướng rút quân của ta, cho quân mai phục. Nguyễn Sĩ Du hy sinh tại chỗ. Tôi bò lại chỗ Nguyễn Văn Lương, anh chưa chết, thều thào với tôi: Đồng chí quay lại, đưa đơn vị rút theo hướng khác. Không lỡ bỏ mặc anh, tôi đang chần chừ thì Lương dùng sinh lực còn lại đạp tôi phải rời anh ngay rồi vĩnh viễn ra đi.

Đưa đơn vị vượt eo biển về xóm Hang, xóm Cửa, xã Mỹ Đức an toàn, tôi quay lại nơi Lương và Du hy sinh. Thủy triều càng về khuya càng cao, chẳng thấy thi thể đồng đội, tôi vô cùng buồn bã, chắc con sóng đã đưa các anh ra xa rồi...

Tổng kết trận đánh, Tiểu đoàn 6 của chúng tôi đã tiêu diệt 272 lính Mỹ, bắn cháy 2 xe tăng, 1 máy bay H.U1A của địch. Ngoài ba anh Thành, Lương và Du, đơn vị của chúng tôi còn 10 người khác hy sinh, một số bị thương nhẹ.

Mùa khô năm 1966, 1967, từ thế giằng co, quân và dân toàn miền Nam chuyển sang thế phản công. Đơn vị chúng tôi chủ động mở các trận đánh lớn. Trong chiến thắng không thể tránh khỏi tổn thất, nhiều đồng đội của chúng tôi đã ra đi. Anh Hòa, anh Loát người cùng quê Vũ Phúc (thành phố Thái Bình) đã nằm lại đất dừa. Trước khi nhắm mắt, anh Hòa còn dặn tôi: Đồ dùng cá nhân của Hòa để ở chỗ tập kết, hãy lấy mà dùng. Anh Loát, Phó Đại đội trưởng Đại đội 63, trước khi tình nguyện lên mở đường máu cho đơn vị thoát khỏi vòng vây ở cửa ngõ thành phố Quy Nhơn bảo tôi: Nếu còn sống về được quê hương nhớ ngày này là ngày giỗ để báo cho bố mẹ, anh em Loát. Cùng tâm trạng, các chiến sĩ trước giờ hy sinh đều dặn lại đồng đội đôi điều. Ông Bằng quê ở Đông Hoàng (Tiền Hải) bảo tôi nhớ báo cho vợ ông là công nhân Xí nghiệp Bánh kẹo Thái Bình biết nơi ông ngã xuống. Còn anh Chiêm (Vũ Sơn, Kiến Xương), anh Gián (phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình) gửi lời đồng đội chào tôi trước khi nhắm mắt...

Tháng 7 năm nay là tháng hoạt động mạnh “Đền ơn đáp nghĩa”. Tôi viết bài này để tri ân những người đồng đội đã hy sinh anh dũng và hứa với các anh sẽ sống xứng đáng để đáp lại tình cảm của các anh với tôi và với tất cả mọi người.

Hoàng Duy
(Thành phố Thái Bình)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày