Thứ 7, 23/11/2024, 05:43[GMT+7]

Nơi tình người không biên giới

Thứ 2, 24/07/2017 | 09:11:04
4,046 lượt xem
Ai có dịp về Lao Khô, bản cao và xa nhất của xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu (Sơn La) nhớ ghé thăm khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào, thăm già làng Tráng Lao Lử để được nghe kể chuyện về Lao Khô. Gần bảy thập kỷ qua, mảnh đất và con người nơi rẻo cao Tây Bắc này đã trở thành biểu tượng cao đẹp cho mối quan hệ hữu nghị thủy chung Việt Nam - Lào.

Kỳ vĩ Lao Khô

Từ thị trấn Yên Châu vượt qua cung đường đèo dốc chừng 50km, tôi có mặt tại trung tâm bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài. Phiêng Khoài mùa này chìm đắm trong màu xanh của núi rừng. Những nương ngô xanh mướt nối tiếp nhau hai bên cung đường ngoằn ngoèo như tấm thảm mịn màng trong ánh nắng chiều khiến tôi nhớ đến những câu thơ trong bài “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng: “…Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/Heo hút cồn mây, súng ngửi trời…”. Cái thăm thẳm, heo hút ấy chỉ còn trong hoài niệm về những năm tháng chiến tranh. Mới ngày nào, những cung đường Tây Bắc còn trùng điệp hiểm nguy, bước chân người lính Cụ Hồ kiên cường đạp núi băng rừng như thế thì nay những con đường về bản làng xa xôi đã được trải nhựa, xe máy, ô tô đi lại dễ dàng hơn. Phiêng Khoài đang từng ngày đổi thay trên con đường nông thôn mới, hai bên đường không còn hoang vu mà thay vào đó là những bản làng các dân tộc Tây Bắc quần cư.

Đặt chân đến bản Lao Khô khi mặt trời gần khuất núi, ghé thăm khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào, tôi được anh Tráng Lao Sò, nhân viên Ban Quản lý khu di tích giới thiệu: Khu di tích được xây dựng trên diện tích hơn 3,5ha với các hạng mục chính như đài tưởng niệm tình hữu nghị Việt Nam - Lào, nhà trưng bày, sân, đài biểu tượng, khuôn viên… Đài tưởng niệm được xây dựng trên đỉnh đồi cao 18m bằng chất liệu đá xanh, được cách điệu cánh hoa sen và hoa chăm pa như sự gắn kết văn hóa, lịch sử và con người của hai quốc gia láng giềng. Ngược lên phía trên đỉnh đồi khoảng 200m là dấu tích căn nhà của cụ Tráng Lao Khô, nơi nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng của ta và nước bạn trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 2012, khu di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.

Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu (Sơn La).

Tỏa sáng mai sau

Tôi tìm đến già làng Tráng Lao Lử, con trai cả của lão thành cách mạng Tráng Lao Khô (1890 - 1990). Căn nhà gỗ 5 gian của già Lử nằm trên đỉnh núi. Ở tuổi 90 nhưng già Lử vẫn minh mẫn. Già bồi hồi kể cho tôi nghe về lịch sử bản Lao Khô: Bản Lao Khô được đặt theo tên của cha tôi. Cụ đã giúp đỡ, nuôi giấu đồng chí Cay xỏn Phôm vi hản (sau này trở thành Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào) và các đồng chí trong Ban Xung phong Lào - Bắc. Trước đây, bản không có tên, nằm phía bên kia dãy núi dưới thung lũng Phiêng Sa. Bản giáp với 4 bản là Lào Khảng, Phiêng Sa, Kéo Nôm, Co Hay của huyện Xiềng Khọ, tỉnh Sầm Nưa (Lào). Đã bao đời nay, bà con các dân tộc của hai nước Việt Nam - Lào cùng chung sống yên vui với nhau.

Nơi ở của cụ Tráng Lao Khô ngày đó nằm trong rừng sâu, đường đi hiểm trở nên được chọn là căn cứ nuôi giấu cán bộ cách mạng của ta và Lào. Năm 1948, Bộ Tổng chỉ huy, Bộ Chỉ huy Liên khu 10 ra chỉ thị thành lập Ban Xung phong Lào - Bắc gồm 14 người, được giao nhiệm vụ liên lạc với Ủy ban Kháng chiến, Tỉnh bộ Việt Minh Sơn La và Ban Xung phong Trung Dũng định kỳ sinh hoạt để thống nhất hoạt động, gây dựng cơ sở trong đất địch, phát động phong trào du kích và đào tạo cán bộ địa phương. Dần dần, bản không tên ấy được mang tên tiền bối cách mạng của người Mông Tráng Lao Khô. Từ nơi này, Ban Xung phong Lào - Bắc đã xây dựng vùng căn cứ cách mạng mở rộng trên địa bàn tỉnh Sơn La, hướng sang vùng đất thượng Lào. Cũng theo già Lử, cha ông sinh được 4 người con trai, tất cả đều thấm nhuần lý tưởng cách mạng của Đảng, tích cực tham gia cách mạng và đều là những người có uy tín trong vùng. “Những năm tháng cụ Cay xỏn Phôm vi hản hoạt động cách mạng ở đây tôi mới 10 tuổi, có thời gian được gần gũi với cụ. Cụ Cay xỏn Phôm vi hản là người sống tình cảm, giản dị, gần gũi với mọi người. Tôi vẫn thường giúp cha làm liên lạc, đưa cơm cho cán bộ cách mạng…” - già Lử kể lại.

Trung dũng, kiên cường trong gian khó, vững vàng đi lên trên con đường đổi mới, từ 4 gia đình, đến nay bản Lao Khô đã quần cư hơn 100 hộ. Nhờ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, các giống cây trồng mới có năng suất cao được trồng ở Phiêng Khoài như cây sơn tra, cây cam Cao Phong (Hòa Bình)... Nhiều năm liền, bản đạt danh hiệu “Bản văn hóa”, không có tệ nạn ma túy. Bà con hai bên biên giới đều coi gia đình già Lử là tấm gương, là người có uy tín mẫu mực của bản. “90 tuổi rồi nhưng mắt vẫn tinh lắm, chân đi nương chưa mỏi. Khi có việc như cưới hỏi, ma chay tôi vẫn sang các bản của Lào. Ở đây chúng tôi không phân biệt người Lào, người Việt đâu. Có công việc gì là giúp đỡ nhau luôn. Được bộ đội biên phòng hai nước tuyên truyền, vận động, không có gia đình nào trồng cây thuốc phiện, tích cực bảo vệ rừng đầu nguồn…” - già Lử cho biết.

Người Lao Khô là thế, sống tình cảm, giản dị như cái cây trong rừng, đoàn kết với nhau để cùng xây dựng bản trở thành “địa chỉ đỏ” cách mạng, có vai trò quan trọng, gắn kết chặt chẽ với các giá trị văn hóa và truyền thống đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào. Cái cây rồi cũng phải mục, con chim đến lúc mỏi cánh, già Lử cũng không thể sống mãi với núi rừng Phiêng Sa nhưng tình cảm anh em giữa các dân tộc Việt Nam - Lào trên dải đất biên cương này sẽ mãi mãi trường tồn. Lao Khô luôn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống hữu nghị để đời đời con cháu cụ Hồ, cụ Cay xỏn Phôm vi hản nhắc nhở nhau nhớ về nguồn cội tình hữu nghị.

Chia tay Lao Khô khi nắng chiều dần tắt, tôi chợt nhớ đến những câu thơ của Bác Hồ kính yêu: “Thương nhau mấy núi cũng trèo/Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/Việt - Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.


Thượng úy Kiều Văn Thọ, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Keo Muông, Đồn Biên phòng Chiềng On, huyện Yên Châu

Đồn Biên phòng Chiềng On kiểm soát đường biên giới từ cột mốc 219 đến cột mốc 236. Hai bên biên giới bà con sống hòa thuận, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Nhiều gia đình dân tộc Mông ở xã Phiêng Khoài có con kết hôn với các gia đình nước bạn. Bà con cũng thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, tình hình an ninh trật tự, hoạt động tội phạm trong khu vực biên giới cho đơn vị biên phòng hai bên kịp thời xử lý. Nhiều năm trở lại đây, các phong tục cổ hủ của bà con đã được xóa bỏ, thay vào đó là nếp sống văn hóa mới.


Em Nguyễn Duy Tuấn, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã (Sơn La)

Qua những hình ảnh tư liệu, hiện vật trưng bày tại đây, em cũng như bạn bè có thêm nhiều thông tin bổ ích về lịch sử, mối quan hệ Việt Nam - Lào. Ngoài ra, em cũng khám phá được nhiều nét văn hóa của người H’Mông ở bản biên giới Lao Khô. Em sẽ giới thiệu để nhiều bạn bè, người thân đến đây không chỉ tham quan du lịch mà còn tìm về cội nguồn dân tộc, cội nguồn tình cảm thiêng liêng của Việt Nam chúng ta với nước bạn Lào.


Em Tráng Thị Thu Hằng, học sinh Trường Tiểu học Lao Khô 1

Là thế hệ cháu chắt của cụ Tráng Lao Khô, em được ông bà, bố mẹ kể nhiều về truyền thống cách mạng của gia đình, quê hương. Em rất vui và tự hào khi quê hương mình có khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào, được coi là biểu tượng về tình hữu nghị đặc biệt của hai nước. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để trở thành hướng dẫn viên du lịch để giới thiệu về truyền thống cách mạng của quê hương, mảnh đất và con người Lao Khô đến bạn bè thế giới.


Tất Đạt