Chủ nhật, 24/11/2024, 07:14[GMT+7]

Cần chấp hành nghiêm lịch thời vụ trong sản xuất vụ mùa

Thứ 2, 24/07/2017 | 09:31:29
1,243 lượt xem
Vụ mùa năm 2017 được dự báo diễn ra trong điều kiện thời tiết biến đổi cực đoan, trái quy luật. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, việc chấp hành nghiêm lịch thời vụ là một trong những yếu tố quan trọng để hạn chế thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp.

Nông dân Đông Hưng chăm sóc lúa mùa mới cấy.

Lúa vụ xuân năm 2017 được thu hoạch sớm hơn cùng kỳ nhiều năm từ 7 - 10 ngày vì vậy nông dân các địa phương có điều kiện vệ sinh đồng ruộng và làm đất, bên cạnh đó, thời tiết đầu vụ tương đối thuận lợi cho gieo cấy các trà lúa. Tuy nhiên, lượng mưa và số ngày mưa từ cuối tháng 6 đến nay cao hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt do ảnh hưởng của mưa diện rộng kéo dài từ ngày 11 - 19/7 với lượng mưa trung bình toàn tỉnh trên 180mm đã làm ngập úng cục bộ một số diện tích lúa và ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy cũng như sinh trưởng, phát triển của cây trồng. 

Theo đề án sản xuất vụ mùa, toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành gieo cấy xong trước ngày 20/7, tuy nhiên do ảnh hưởng của thời tiết, hết ngày 20/7, toàn tỉnh mới gieo cấy được khoảng 95% diện tích. Sản xuất trong điều kiện thời tiết bất thuận, khả năng rủi ro cao vì thế gieo thẳng không được ngành Nông nghiệp khuyến cáo áp dụng trong vụ mùa. Nhưng do tập quán canh tác, thiếu hụt lao động thời vụ mà nhiều địa phương trong tỉnh áp dụng gieo thẳng vào sản xuất vụ mùa. 

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích gieo thẳng vụ mùa năm nay là 16.180ha, chiếm 20,18% tổng diện tích gieo cấy, trong đó, huyện Kiến Xương có tỷ lệ diện tích gieo thẳng 39,8%, huyện Thái Thụy 29%, huyện Vũ Thư 24,6%, các huyện còn lại tỷ lệ từ 8 - 14,5%. Diện tích lúa gieo thẳng ở một số địa phương không theo quy hoạch, không chủ động được tiêu nước; một số nơi nông dân chưa chấp hành lịch thời vụ của tỉnh (thời vụ gieo thẳng từ 20/6 - 5/7), còn gieo muộn (sau ngày 5/7). Hệ quả là trên 600ha diện tích gieo thẳng sau ngày 10/7 do ảnh hưởng mưa kéo dài gây chết cục bộ và phải gieo cấy lại khi việc gieo cấy lúa mùa chưa hoàn thành.

Là vụ đầu tiên áp dụng rộng rãi gieo thẳng ở vụ mùa với khoảng 60% diện tích gieo cấy, nông dân xã Hồng Tiến (Kiến Xương) tập trung vãi từ ngày 7 - 8/7. Mưa lớn đã làm cho gần 20ha lúa gieo thẳng cuối lịch không có khả năng phục hồi. 

Ông Phạm Quang Hiệu, Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến cho biết: Tuy được khuyến cáo không gieo thẳng trong vụ mùa song đã quen với phương thức gieo thẳng nên người dân vẫn áp dụng. Sau khi gieo vãi gặp mưa lớn gây ngập úng, tạo điều kiện cho ốc bươu vàng cắn phá khiến cho gần 20ha lúa mùa bị thiệt hại phải cấy lại. UBND xã đã chỉ đạo HTX khẩn trương bằng mọi biện pháp thực hiện tiêu thoát nước nhanh đồng thời tận dụng tối đa lượng mạ dư thừa cấy lại diện tích không thể phục hồi, những vùng bị ảnh hưởng nông dân cần khẩn trương tỉa dặm, bảo đảm mật độ phù hợp. Hiện, bà con đang tập trung khắc phục diện tích bị thiệt hại do mưa úng bằng lượng mạ dư thừa và mạ dự phòng, dự kiến đến ngày 25/7 sẽ hoàn thành.

Vụ mùa vừa mới bắt đầu nhưng những hệ quả từ việc không tuân thủ lịch thời vụ cũng như đề án sản xuất đã thấy rõ ở đầu vụ gieo cấy. Sản xuất không đúng lịch thời vụ vừa gây khó khăn cho công tác điều tiết nước, vừa không thuận lợi về điều kiện thời tiết, cây sinh trưởng và phát triển kém, nhất là ảnh hưởng thời tiết xấu do mưa, lũ gây thiệt hại. Khi bị thiệt hại, mất mùa rất khó khăn trong việc đề nghị hỗ trợ thiệt hại. Do đó, các địa phương cần tích cực giải thích, hướng dẫn nông dân thực hiện nghiêm túc, tránh việc gieo cấy theo thói quen, tập quán canh tác thiếu khoa học, rủi ro cao, không tuân thủ lịch thời vụ.

Cuối tháng 7 ở thời điểm chăm sóc lúa mùa, ngành Nông nghiệp khuyến cáo các địa phương tập trung cao độ cho việc tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn chăm sóc lúa mùa. Nông dân cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sớm và phòng, trừ diện hẹp các đối tượng dịch hại như ốc bươu vàng, chuột, ngộ độc hữu cơ, lùn sọc đen, sâu cuốn lá nhỏ...

Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày