Thứ 5, 28/11/2024, 05:56[GMT+7]

Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Thứ 5, 27/07/2017 | 16:59:17
2,428 lượt xem
Ngày 27/7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thảo luận, cho ý kiến về báo cáo dự thảo Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Thái Bình đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; thảo luận, tham gia vào dự thảo Đề án “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả” của Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6.

Đồng chí Phạm Văn Sinh, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Tâm

Đồng chí Phạm Văn Sinh, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị. 

Các đồng chí: Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh; bí thư các huyện ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy dự hội nghị.

Buổi sáng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Thái Bình đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo dự thảo Quy hoạch: Thái Bình là tỉnh thuộc vùng du lịch đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, có nhiều tiềm năng và điều kiện để phát triển du lịch. Mục đích của việc lập quy hoạch là xây dựng hệ thống quan điểm, mục tiêu phát triển ngành du lịch tỉnh Thái Bình phát triển một cách toàn diện về kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và môi trường phù hợp với nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Dự báo các chỉ tiêu cụ thể, đề xuất các định hướng và giải pháp phát triển du lịch làm cơ sở để lập các kế hoạch trung hạn và ngắn hạn, các quy hoạch chi tiết và các dự án phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2025, 2030 bảo đảm tính khả thi, cân đối cung - cầu, khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch, phát huy thế mạnh, tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù, góp phần đưa du lịch tỉnh Thái Bình phát triển trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng ở địa phương.

Phát biểu thảo luận, các đại biểu đề nghị đơn vị tư vấn làm rõ hơn một số nội dung, số liệu trong dự thảo Quy hoạch; cần nhấn mạnh  phát triển du lịch gắn với văn hóa tâm linh, các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, bảo đảm tính thống nhất và kết nối, quy hoạch giữa các vùng; chú trọng khai thác tiềm năng khu kinh tế  ven biển để phát triển du lịch; phát triển du lịch phải có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên vào sản  phẩm có lợi thế, cần phát hiện ra cái mới, điểm nhấn trong phát triển du lịch của tỉnh; xem xét, tính toán lại một số mục tiêu; lựa chọn địa bàn, địa phương trọng điểm có lợi thế để phát triển du lịch…

Sau khi nghe các đại biểu thảo luận, đồng chí Phạm Văn Sinh, Bí thư Tỉnh ủy kết luận: Ban Thường vụ Tỉnh ủy cơ bản thống nhất với nội dung báo cáo dự thảo Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Thái Bình đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị để hoàn chỉnh nội dung dự thảo Quy hoạch, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh việc xây dựng Quy hoạch phải bảo đảm định hướng phát triển du lịch Thái Bình nhằm thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Cần phát triển du lịch Thái Bình theo hướng chuyên nghiệp, chú trọng phát triển theo chiều sâu, bền vững và hiệu quả. Quá trình phát triển phải đa dạng các sản phẩm du lịch, nhưng có trọng tâm, trọng điểm và chú trọng sản phẩm đặc trưng, khai thác lợi thế về truyền thống văn hóa, lợi thế của địa phương. Đẩy mạnh công tác hoạch chi tiết, thu hút nguồn lực để xây dựng các điểm, khu du lịch. Tập trung cụ thể hóa thực hiện có hiệu quả các nhóm giải pháp đã đề ra nhằm phát triển mạnh du lịch của tỉnh trong giai đoạn tới.

Các đại biểu bỏ phiếu tham gia ý kiến đóng góp vào dự thảo Đề án. Ảnh: Thành Tâm 

Chiều cùng ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thảo luận, tham gia ý kiến vào dự thảo Đề án “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” của Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6. Đây là Đề án cụ thể hóa, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện và tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, đặc biệt là Nhà nước. Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) sẽ nghe và quyết định về Đề án này.

Sau khi nghe đồng chí Đỗ Xuân Thành, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia vào dự thảo Đề án của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đại biểu dự họp đã phát biểu ý kiến. Các đại biểu cơ bản nhất trí với kết cấu, bố cục, nội dung của  dự thảo Đề án; đồng thời trao đổi, phân tích cụ thể làm sâu sắc thêm về tính cấp thiết của Đề án, trong đó nhấn mạnh việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là tất yếu khách quan và là nhiệm vụ thường xuyên của Đảng; làm rõ các nội dung về phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị thông qua tổ chức Đảng, đảng viên và tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay; mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc, nhiệm vụ, giải pháp; những nội dung mới, đánh giá tác động của Đề án; việc tổ chức thực hiện... 

Từ thực tiễn công tác, các đại biểu đề nghị việc đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả  là cần thiết, tất yếu trong điều kiện hiện nay nhưng phải bám sát vào cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp năm 2013; Điều lệ Đảng và tình hình thực tế; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân; bám sát mục tiêu, yêu cầu và huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện. Cùng với sự kế thừa, Đề án phải có sự sáng tạo, đổi mới trong quá trình xây dựng và thực hiện.

Sau khi thảo luận, các đại biểu đã bỏ phiếu tham gia ý kiến đóng góp vào dự thảo Đề án. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tổng hợp báo cáo góp ý gửi Trung ương.  

Cũng tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thảo luận một số nội dung về công tác cán bộ.

Mạnh Cường