Thứ 6, 22/11/2024, 04:52[GMT+7]

Bảo vệ cá lồng trong mùa mưa, bão

Thứ 4, 02/08/2017 | 09:15:38
1,639 lượt xem
Phát huy lợi thế có 4 con sông lớn chảy qua là sông Hồng, sông Trà Lý, sông Luộc và sông Hóa, những năm gần đây, nhiều nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông. Đây là nghề cho thu nhập cao nhưng người nuôi thường phải đối mặt với nhiều rủi ro bởi ảnh hưởng của thời tiết, môi trường, đòi hỏi người nuôi hết sức cẩn trọng, nhất là khi mùa mưa, bão đến.

Ông Phạm Đình Chiểu, thôn 2, xã Vũ Đoài (Vũ Thư) kiểm tra lồng nuôi cá.

Mùa nắng thì lo cá bị bệnh chết, đến mùa mưa, bão thì phải thức trắng đêm để trông lồng cá - đó là nỗi niềm chung của những người nuôi cá lồng trên sông. 

Gặp lại chúng tôi tròn một năm sau cơn bão số 1 năm 2016, ông Phạm Đình Chiểu ở thôn 2, xã Vũ Đoài (Vũ Thư) cho biết: Tận dụng nguồn nước sông Hồng, từ năm 2012 gia đình tôi mạnh dạn đầu tư hơn 20 lồng nuôi cá diêu hồng, cá trắm, cá chép… Nghề nuôi cá lồng hiện cho thu nhập khá cao nhưng gặp nhiều rủi ro vì phải phụ thuộc vào thời tiết. Cơn bão số 1 năm 2016 đổ bộ vào đất liền khu vực Thái Bình chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ đã làm 76 lồng cá của gia đình tôi bị vỡ, nhấn chìm, cuốn trôi theo dòng nước khoảng 7km, kéo theo đó là khoảng 400 tấn cá bị mất trắng, chủ yếu là cá lăng, cá diêu hồng và cá chép giòn đang trong thời gian cho thu hoạch. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng. Vượt qua bao khó khăn, vất vả với sự giúp đỡ của anh em, bạn bè, gia đình tôi đã đóng lại được 32 lồng nuôi cá. Những ngày qua, khi một số thủy điện xả lũ, nước sông Hồng dâng cao, rác từ thượng nguồn đổ về khá nhiều, mắc vào các lồng cá, tôi phải thường xuyên dọn để tránh gây bệnh cho đàn cá. Ngoài ra, gia đình tôi cũng đã chủ động mua thêm dây thừng, mỏ neo để gia cố các lồng và chằng lại các thành ngăn nuôi cá. Hiện các lồng cá đã được neo cẩn thận với cọc cố định trên bờ, khi có diễn biến xấu về thời tiết có thể di chuyển đến vị trí gần bờ, tránh bị trôi, vỡ khi nước chảy siết…

Lồng nuôi cá được người dân chủ động gia cố hệ thống phao, dây neo…

Là một trong những hộ tham gia nuôi cá lồng từ khá sớm, anh Nguyễn Văn Bản ở thôn Tân Mỹ, xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ) chia sẻ: Vào những ngày thời tiết thay đổi, cá sẽ ăn ít hơn. Người nuôi cần giảm lượng thức ăn để tránh làm ô nhiễm môi trường nước, cá thiếu ôxy phát triển kém, thậm chí gây chết cá. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa, bão gây ra, các hộ nuôi cá lồng trên sông phải thường xuyên kiểm tra, tu sửa lại lồng bè, gia cố hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển vào những nơi kín gió, có dòng chảy nhẹ để tránh gió bão gây vỡ lồng. Sau mưa, bão phải tiến hành kiểm tra chất lượng nước để có điều chỉnh phù hợp.

Hiện nay, toàn tỉnh có 510 lồng nuôi cá trên sông, tăng 20 lồng so với năm 2016, tập trung chủ yếu tại các huyện Vũ Thư, Quỳnh Phụ, Hưng Hà… Theo khuyến cáo của ngành chức năng, để giảm thiểu thiệt hại do mưa, bão gây ra, các hộ nuôi cá lồng khi thấy môi trường nước đục, cá kém ăn và bơi lội chậm cần cung cấp ôxy ngay bằng cách sử dụng máy sục khí, thường xuyên vệ sinh lồng để luôn bảo đảm thông thoáng, cho cá ăn đầy đủ chất dinh dưỡng giúp cá tăng sức đề kháng. Khi có thông tin về tình hình mưa, bão, người nuôi chú ý, nếu cá đạt kích cỡ thương phẩm thì tiến hành thu hoạch ngay. Bên cạnh đó, người nuôi cần tìm vị trí an toàn, kín gió, dòng chảy nhẹ để neo đậu lồng bè khi mưa, bão đổ bộ. Trong trường hợp không thể di chuyển được thì người nuôi có thể hạ độ sâu của lồng để giảm bớt sóng, gió. Ngoài ra, người nuôi cũng cần thường xuyên kiểm tra dây neo, mối hàn, điểm nối để gia cố lại cho chắc chắn, đặc biệt là lưới xung quanh lồng, đáy lồng, lưới chắn mặt lồng để có biện pháp xử lý kịp thời…

Phạm Hưng