Thứ 6, 22/11/2024, 06:01[GMT+7]

Đẩy mạnh phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi

Thứ 2, 07/08/2017 | 14:51:19
814 lượt xem
Hiện nay, toàn tỉnh có 48.397con trâu, bò, 1.029.883 con lợn, 11.688.000 con gia cầm (trong đó đàn gà trên 8,6 triệu con). Để góp phần phấn đấu năm 2017, tốc độ tăng trưởng chăn nuôi đạt 3,5% so năm 2016, từ nay đến cuối năm, ngành thú y tập trung đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm không để dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi.

Tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn lợn tại Tiền Hải.

Từ đầu năm đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành 3 kế hoạch tiêm phòng vắc-xin vụ xuân hè cho đàn gia súc, gia cầm; thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2017; tổ chức hội nghị về quy hoạch quản lý giết mổ gia súc, gia cầm... Trên cơ sở đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về chăn nuôi và thú y. 

Bà Lê Thị Phương Lan, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tiền Hải cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Chi cục, ngay từ đầu năm 2017, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện. Đồng thời, cung ứng kịp thời các loại vắc-xin, vật tư, thiết bị, hóa chất phục vụ cho phòng, chống dịch; tăng cường cán bộ đi cơ sở đôn đốc kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp chuyên môn kỹ thuật. Qua kiểm tra, theo dõi đã kịp thời tìm ra nguyên nhân tồn tại và giải pháp khắc phục trong phòng, chống dịch bệnh. Mặc dù vậy, theo báo cáo của ngành thú y, gần đây tại xã Đông Trung (Tiền Hải) vẫn xảy ra 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 trên đàn vịt của 2 hộ chăn nuôi. Ngay sau khi nhận được tin báo, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với UBND huyện Tiền Hải tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp xử lý dịch theo quy định. Chi cục đã tăng cường cán bộ kỹ thuật giám sát và hướng dẫn các biện pháp xử lý dịch ở cơ sở. Trong 2 ngày 5 - 6/7/2017, lực lượng chức năng thực hiện tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm gồm 885 con gia cầm (835 con vịt và 50 con gà); lượng hóa chất sử dụng tiêu độc khử trùng đến hết ngày 14/7/2017 là 155kg Benkocid, 3kg Chloramin và 1.200kg vôi bột. Đến nay, tại khu vực ổ dịch không phát sinh gia cầm ốm, chết nghi mắc bệnh cúm gia cầm. 

Theo ông Nguyễn Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y thì ngoài ổ dịch trên, toàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh, đặc biệt là các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như tai xanh và lở mồm long móng (LMLM). Các bệnh thông thường khác xảy ra rải rác nhưng giảm so với cùng kỳ năm 2016; số lợn, chó mèo ốm và phải xử lý tương đương so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, đàn trâu bò ốm là 1.021 con đều được cán bộ thú y điều trị khỏi; đàn lợn ốm là 19.259 con, chết và xử lý 1.889 con; đàn gia cầm ốm là 100.746 con, chết và xử lý là 21.991 con; đàn chó, mèo ốm là 3.564 con, số chết và xử lý là 786 con. Để đạt được kết quả trên, ngành thú y xác định công tác tiêm phòng vắc-xin vẫn là biện pháp quan trọng nhất. Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, 6 tháng đầu năm 2017, hệ thống thú y cơ sở đã tiến hành tiêm phòng vắc-xin dịch tả lợn cho 502.443 con, tụ dấu lợn 197.832 con, phó thương hàn lợn 318.050 con, LMLM cho 93.528  con lợn nái, đực giống và 23.302 con trâu, bò, dê. Ngoài ra, còn tổ chức tiêm phòng vắc-xin dại cho 54.709 con chó, mèo; vắc-xin tụ huyết trùng cho 9.446 con trâu, bò. Đối với các loại vắc-xin khác, các chủ hộ, chủ trang trại chăn nuôi đã chủ động tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch. Duy trì và bảo đảm tốt công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, Chi cục đã thực hiện kiểm tra và cấp 5.294 giấy chứng nhận kiểm dịch, phát hiện và xử lý 6 trường hợp vi phạm hành chính, nộp ngân sách nhà nước 9,5 triệu đồng và tiêu hủy 721kg sản phẩm động vật và 2.400 con gà theo quy định. 6 tháng đầu năm 2017, Chi cục Chăn nuôi và Thú y còn thanh tra, kiểm tra 22 trang trại chăn nuôi, lấy 6 mẫu nước thải kiểm tra và phát hiện 5 mẫu không đạt tiêu chuẩn; kiểm tra về an toàn thực phẩm tại 8 cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến thực phẩm và hướng dẫn các biện pháp cải tạo, khắc phục điều kiện vệ sinh thú y…

Từ nay đến cuối năm, tình hình thời tiết được dự báo là bất lợi cho ngành chăn nuôi, nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp khó lường. Cùng với đó còn có nhiều khó khăn khác như: sản xuất chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống, tận dụng còn chiếm tỷ lệ lớn; việc xử lý chất thải chưa tốt nên gây ô nhiễm môi trường; kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, nhất là việc kiểm tra, giám sát của một số chính quyền cơ sở còn thiếu sâu sát…

 Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng chăn nuôi năm 2017,  Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo phát triển sản xuất chăn nuôi phù hợp với điều kiện thực tế. Đẩy mạnh việc ứng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, khuyến khích, hỗ trợ sản xuất chăn nuôi theo chuỗi, gắn kết với thị trường có sự tham gia tích cực của các cơ sở, doanh nghiệp giết mổ, chế biến thực phẩm. Cùng với đó, sớm hoàn thành dự thảo các đề án xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh đối với lợn hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu tại tỉnh Thái Bình; xây dựng và phát triển chuỗi liên kết trong chăn nuôi lợn và gia cầm tỉnh Thái Bình giai đoạn 2017 - 2020 để trình UBND tỉnh phê duyệt. Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh và tổ chức thực hiện tốt việc tiêm phòng dịch cho đàn gia súc, gia cầm vụ thu đông năm 2017; tiếp tục duy trì các hoạt động kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm; đẩy mạnh công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Phan Anh